Về mặt pháp lý nước sở tại ra phán quyết như thế nào về 2 nghệ sĩ này vẫn chưa ai nắm rõ, nhưng về mặt đạo đức thì diễn viên Hồng Đăng và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đã khiến người hâm mộ bẽ bàng.
Trước đây vào năm 2016, đời sống show biz Việt từng dậy sóng khi diễn viên hài Minh Béo bị kết tội tấn công tình dục một trẻ vị thành niên nam và toan có hành vi dâm ô với một người đóng giả trẻ vị thành niên, trong thời gian lưu diễn tại Mỹ. Diễn viên hài Minh Béo đã bị tuyên 18 tháng tù và bị ghi tên là tội phạm tình dục suốt đời, nhưng sau đó được giảm án và trục xuất khỏi Xứ sở cờ hoa. Bây giờ, câu chuyện diễn viên Hồng Đăng và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh lại phơi bày thêm một bài học cay đắng.
Dù vẫn chưa có kết luận chi tiết từ Tây Ban Nha, nhưng từ cuối tháng 6-2022, Đài truyền hình Việt Nam đã cắt bỏ toàn bộ hình ảnh của diễn viên Hồng Đăng và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh trong các chương trình giải trí trên màn ảnh nhỏ. Không chỉ tìm người thay thế nhạc sĩ Hồ Hoài Anh ở game show, mà nhân vật do diễn viên Hồng Đăng thể hiện trong bộ phim “Thương ngày nắng về” cũng bị thanh tẩy. Nay diễn viên Hồng Đăng và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh được phép trở về Việt Nam, nghĩa là họ đã gỡ được vướng mắc dân sự với người cáo buộc, chứ không phải đã hoàn toàn “chiến thắng pháp lý” tại Tây Ban Nha.
Diễn viên Hồng Đăng và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đã được trả lại hộ chiếu và bay về Việt Nam tối 7-8. Nhà hát kịch Hà Nội là nơi diễn viên Hồng Đăng đang công tác, và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam là nơi nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đang giảng dạy, đều khẳng định sẽ mời “người của mình” lên làm việc nghiêm túc để đưa ra hình thức kỷ luật thích đáng. Với hành vi đi nước ngoài không xin phép cơ quản quản lý, thì diễn viên Hồng Đăng và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh hoàn toàn xứng đáng nhận hình thức kỷ luật buộc thôi việc.
So với diễn viên Hồng Đăng, thì nhạc sĩ Hồ Hoài Anh không chỉ nhiều tuổi hơn mà còn cứng cáp hơn trong đời thường lẫn trong show biz. Vì vậy, những thông tin liên quan đến vụ hiếp dâm ở nước ngoài, giới mộ điệu rất ngậm ngùi và rất nuối tiếc cho nhạc sĩ Hồ Hoài Anh như chính ca khúc “Dẫu có lỗi lầm” mà anh từng viết “Ánh dương tàn một ngày như đã trôi xa/ Giấc mơ xưa giờ này còn đâu anh hỡi”.
Một diễn viên đang ăn khách như Hồng Đăng và một nhạc sĩ giảng dạy ở học viện âm nhạc được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú như Hồ Hoài Anh, mà lại có lối sống đáng chê trách như vậy, thì công chúng không khỏi ngao ngán. Làm sao để chấn chỉnh đạo đức nghệ sĩ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện dự thảo “Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ” đã được gửi các cơ quan chức năng và 6 đơn vị trực thuộc bộ gồm: Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Nhạc sĩ để tham gia góp ý, xây dựng dự thảo.
Dự thảo gồm 3 chương, 11 điều, với kỳ vọng tạo chuẩn mực đạo đức của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Dự thảo “Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ”, nêu rõ hành vi ứng xử ở đây là những phát ngôn, tác phong, lối sống, trang phục của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Ngoài quy tắc ứng xử chung, ban soạn thảo đưa ra các quy tắc cụ thể trong hoạt động nghề nghiệp, ứng xử với đồng nghiệp, khán giả; ứng xử trong công tác xã hội, trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội. Dự thảo cũng nhấn mạnh nghệ sĩ không tham gia quảng cáo các sản phẩm không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, không thực hành, ủng hộ hoạt động mê tín dị đoan; không tổ chức, tham gia các hoạt động trái quy định của pháp luật và phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện.
Không chỉ có biểu hiện lệch lạc ngoài biên giới như Minh Béo, Hồng Đăng, Hồ Hoài Anh mà nhiều nghệ sĩ trong nước cũng đang chạy theo danh lợi bất chấp thủ đoạn. Nghệ sĩ Nhân dân Việt Anh chia sẻ: “Tôi thấy đạo đức thì ai cũng cần phải có. Ở mỗi ngành nghề, có những khía cạnh đạo đức riêng, những quy định riêng.
Nghệ sĩ là người đứng trước công chúng, mang đến cái đẹp và đi tìm cái đẹp. Nên vấn đề đạo đức cần phải đặt lên hàng đầu. Nghệ sĩ cũng là những người định hướng công chúng và cùng với công chúng đi tìm cái đẹp. Trong nghề, nghệ sĩ phải biết giữ mình, giữ hình ảnh của mình, đó là trách nhiệm đối với cộng đồng và như thế mới xứng đáng với sự yêu mến của khán giả”.
Khán giả có quyền lực riêng để “phong sát” những nghệ sĩ kém đạo đức, còn các cơ quan quản lý văn hóa cũng cần có những tác động cụ thể hơn. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: “Nghệ sĩ, người nổi tiếng nhất thiết phải giữ gìn hình ảnh của mình. Điều này không chỉ vì chính họ mà còn vì lợi ích chung của xã hội.
Đối với họ, hình ảnh gắn liền với thương hiệu cá nhân và những lợi ích kèm theo. Sự hoen ố về hình ảnh khiến họ mất đi công chúng, sự quan tâm của các nhà tài trợ và cả sự nghiệp của chính họ. Chúng ta luôn trông chờ các nghệ sĩ, người nổi tiếng trở thành những tấm gương tốt cho xã hội. Đồng thời, mong muốn họ thể hiện trách nhiệm đạo đức đối với xã hội, từ đó lan tỏa những thông điệp tích cực về cái thiện, cái đẹp, tình yêu thương của nghệ thuật, của cuộc sống đối với tất cả mọi người. Làm được như thế sẽ giúp cho việc xây dựng văn hóa, phát triển con người trở nên thuận tiện hơn.
Vì thế, việc xử lý các nghệ sĩ, người nổi tiếng là vì thông điệp làm trong sạch, lành mạnh hơn môi trường nghệ thuật và môi trường xã hội, từ đó giúp xã hội định hướng lối sống và đạo đức của con người. Vụ việc lệch chuẩn của nghệ sĩ, người nổi tiếng gần đây khá nhiều nên chúng ta cũng cần thiết phải nghĩ đến những chế tài mang tính mạnh mẽ hơn để tạo ra những bài học làm gương, điều này sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực đối với các nghệ sĩ khác cũng như cả xã hội”.