Đó là đề xuất của nhiều chuyên gia kinh tế, quy hoạch tại Hội thảo định hướng quy hoạch, quản lý đô thị cấp địa phương gắn với mô hình sân bay quốc tế do Sở QH-KT TPHCM kết hợp với UBND quận Tân Bình vừa tổ chức.
Thúc đẩy địa phương phát triển
Thời gian qua, Tân Bình là một trong những quận có tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh của TPHCM. Nhiều khu phố khang trang đã hình thành thay thế các khu vực xập xệ xưa kia. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dư địa cho địa phương này phát triển… và mô hình “đô thị sân bay” đã được lãnh đạo quận quan tâm nghiên cứu.
Chủ tịch UBND quận Tân Bình Nguyễn Bá Thành chia sẻ, việc quy hoạch phát triển mô hình đô thị sân bay tại khu vực Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là hết sức phù hợp với đặc thù của quận. Lấy sân bay làm trung tâm, từ đó đề xuất thành phố chấp thuận cho quận Tân Bình điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng diện tích thương mại, tạo nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí, ẩm thực về đêm xung quanh khu vực sân bay. Dịch vụ này sẽ phục vụ nhu cầu của hành khách đến, đi và quá cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Mô hình này giúp khai thác, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, qua đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân xung quanh khu vực.
Cầu vượt Trường Sơn nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ông Nguyễn Bá Thành cũng thông tin, đây là một trong những nỗ lực của quận để tìm ra các giải pháp mới trong quy hoạch phát triển đô thị nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội địa phương sau đại dịch Covid-19, hướng đến phát triển đô thị bền vững trong tương lai.
Nhiều chuyên gia cho biết, mô hình đô thị sân bay đã được thực hiện thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới như: sân bay Incheon (Hàn Quốc), Changi (Singapore), Amsterdam Schiphol (Hà Lan), New Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), King Abdulaziz (Ả Rập Xê Út). Điều này thể hiện tính khả thi khi phát triển mô hình đô thị sân bay trên nền tảng sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong thành phố và hình thành các công trình thương mại - dịch vụ phục vụ hành khách.
Xem xét đưa vào quy hoạch
Để thực hiện mô hình đô thị sân bay Tân Sơn Nhất, chuyên gia kinh tế Lương Hoài Nam đưa ra giải pháp là mở rộng sân bay với nhà ga T3 phải được xây dựng trên khu đất gần 30ha, chứ không chỉ là 16ha như đã được duyệt. Ông Nam cho rằng, nếu chỉ làm nhà ga như đã duyệt, thành phố lại tiếp tục bỏ lỡ cơ hội để phát triển đô thị sân bay. Vì vậy, phải đưa vấn đề này vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố để làm cơ sở thực hiện.
Nhận định về tính khả thi khi triển khai mô hình đô thị sân bay, TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng, trong phạm vi diện tích 2.243ha với diện tích sân bay dự kiến 791ha (chiếm 35,2% diện tích theo địa giới hành chính của quận Tân Bình), tiềm năng quy hoạch phát triển khu vực này theo mô hình đô thị sân bay là rất lớn. Một số công trình tiện ích về thương mại - dịch vụ trên địa bàn như các chợ truyền thống gần đó cần được tiếp tục phát huy.
Đặc biệt, hình thành chợ đêm tại khu vực chợ Phạm Văn Hai, góp phần tăng tính hấp dẫn cho du khách và hành khách trong thời gian quá cảnh tại TPHCM. Cùng quan điểm này, Th.S Thạch Phước Hùng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, đề xuất khu vực đường Trường Sơn có nhiều hàng quán đặc sản ngon nổi tiếng nên kết hợp tổ chức các hoạt động ẩm thực, văn hóa, giải trí cuối tuần.
Ở góc độ vĩ mô, Th.S-KTS Đỗ Nguyên Phong, Viện Quy hoạch xây dựng, cho rằng, chiến lược phát triển quận Tân Bình gắn với đô thị sân bay Tân Sơn Nhất nên được nhìn trong tổng thể quy hoạch TPHCM, vùng TPHCM và miền Nam, phải xây dựng trên tiềm năng lợi thế đặc trưng của quận.
Quy hoạch phát triển đồng bộ hệ thống giao thông gắn kết với đầu mối sân bay và chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất (chuyển đổi đất quốc phòng sang đất dân dụng). Đặc biệt, trong quy hoạch chiến lược phát triển quận Tân Bình phải theo hướng đô thị sân bay, bổ sung vào điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố và có chương trình hành động cụ thể.
Theo KTS Đỗ Nguyên Phong, trong giai đoạn trước mắt, việc điều chỉnh chức năng, chỉ tiêu một số khu vực, tuyến đường là một trong những giải pháp hữu hiệu trước mắt, nhưng phải trên cơ sở nghiên cứu chiến lược tổng thể toàn quận và các mục tiêu cụ thể nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của quận gắn với đầu mối giao thông quan trọng là Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Để hiện thực hóa các giải pháp của các chuyên gia, nhà khoa học về quy hoạch mô hình đô thị sân bay, Chủ tịch quận Tân Bình Nguyễn Bá Thành cho biết, quận sẽ phối hợp với Sở QH-KT TPHCM xem xét lại quy hoạch của quận trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Mục tiêu là gắn kết với sân bay Tân Sơn Nhất để tạo nguồn lực phát triển thương mại - dịch vụ, mở ra không gian đô thị về đêm.
Bên cạnh đó, trên cơ sở góp ý của các chuyên gia kinh tế, các nhà quy hoạch, những vấn đề nào có thể làm ngay và trong thẩm quyền thì quận sẽ tiến hành áp dụng triển khai ngay. Đồng thời, quận sẽ cập nhật đề xuất bổ sung vào quy hoạch chung của thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060.
Hiện quận Tân Bình đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch phân khu với đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của khu dân cư phường 2, 10, 12 và 15 (Sở QH-KT đã thẩm định nhiệm vụ quy hoạch, trình UBND TPHCM xem xét, phê duyệt). Trước đó, đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu (quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị) tỷ lệ 1/2000 khu dân cư phường 2, 4 và 13 (đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình) đã được UBND TPHCM phê duyệt.
Giám đốc Sở QH-KT TPHCM Nguyễn Thanh Nhã khẳng định, sở sẽ giúp Tân Bình và các quận xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất đánh giá lại tiềm năng phát triển đô thị gắn với động lực phát triển từ sân bay. Sở sẽ tiếp thu ý kiến của chuyên gia, bổ sung một số chức năng đô thị cho khu vực lân cận sân bay như các quận Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp. Điều chỉnh quy hoạch, gia tăng chỉ tiêu xây dựng, dân số… cho khu vực để cải thiện bộ mặt đô thị và tạo điều kiện cho địa phương phát triển dịch vụ, logistics. |
Thách thức lớn nhất: giao thông
HÀ DỊU |