Gặp khó khăn liên tục trong vài năm trở lại đây, thị trường mặt bằng bán lẻ đang diễn ra tình trạng doanh nghiệp phải chấp nhận giảm giá thuê để tăng công suất, nâng tỷ lệ lấp đầy, nhưng điều này cũng không dễ.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Hà Nội mới công bố của CBRE, trong quý III/2015, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội đạt 971.000m2, tăng 2,3% so với quý trước đó và tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tình hình hoạt động của thị trường mặt bằng bán lẻ quý III không mấy sáng sủa, giá cho thuê tiếp tục giảm 4,7% so với quý II/2015 và khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2014.
Mức giảm giá mạnh nhất của phân khúc này, theo đánh giá của Savills, là ở khối đế bán lẻ, có mức giảm giá lên đến 10,3%. Tiếp theo là trung tâm mua sắm có mức giảm 5,8% và trung tâm thương mại với mức giảm khoảng 2,2%.
Trong khi nguồn cung mặt bằng bán lẻ tiếp tục tăng, giá thuê chưa có xu hướng hồi phục, báo cáo nghiên cứu của Savills chỉ ra rằng, một tỷ lệ rất lớn khách thuê mặt bằng để kinh doanh vẫn có xu hướng lựa chọn nhà mặt phố, thay vì chọn thuê mặt bằng trong các trung tâm thương mại.
Khảo sát của ĐTCK tại Hà Nội cũng cho thấy, hoạt động kinh doanh của nhiều trung tâm thương mại lớn trên địa bàn thủ đô vẫn gặp khó khăn, với lượng khách tham quan, mua hàng hạn chế. Sự khó khăn của thị trường khiến một số trung tâm thương mại nằm trong tình trạng đóng cửa.
Chẳng hạn, Trung tâm thương mại Grand Plaza đã đóng cửa từ vài năm nay để tìm đối tác phù hợp. Tuy nhiên, một thời gian dài trôi qua mà đơn vị quản lý vẫn chưa tìm được đối tác để đưa trung tâm thương mại này hoạt động trở lại. Việc hàng loạt dự án tổ hợp chung cư trong khu vực đi vào hoạt động, với phần đế có chức năng dịch vụ thương mại và bán lẻ, càng khiến cho tương lai của Trung tâm thương mại Grand Plaza rơi vào thế khó.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, thị trường mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội đón nhận nguồn cung bán lẻ cực lớn từ khối đế các tổ hợp chung cư.
Tại khu vực Trung Hòa Nhân Chính, quận Cầu Giấy, diện tích bán lẻ tại hàng loạt chung cư như N04, N05 vẫn chưa được lấp đầy, dù Dự án đã đi vào vận hành từ lâu. Tại quận Nam Từ Liêm, một diện tích bán lẻ khổng lồ từ Dự án Golden Palace Mễ Trì, CT2 Trung Văn và nhiều dự án tổ hợp trên đường Tố Hữu (đường Lê Văn Lương kéo dài) vẫn chưa hoạt động. Tại quận Hà Đông, diện tích bán lẻ lớn thuộc Dự án The Pride, Văn Phú Victorya, tuy đã đi vào hoạt động nhưng vẫn còn nhiều diện tích bỏ trống.
Trong khi một phần lớn mặt bằng bán lẻ hiện hữu vẫn chưa được lấp đầy, lại có thêm rất nhiều tổ hợp chung cư được thiết kế có khối đế là diện tích thương mại dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới.
Cụ thể, Trung tâm thương mại Vincom Nguyễn Chí Thanh, Trung tâm thương mại EAON Mall sẽ đi vào hoạt động trong quý cuối năm. Đây đều là các trung tâm thương mại lớn, do các thương hiệu mạnh quản lý vận hành.
Áp lực nguồn cung quá lớn chính là lý do diện tích mặt bằng bán lẻ khối đế chung cư có giá chào thuê giảm mạnh nhất. Việc cạnh tranh giảm giá để tăng công suất cho thuê được nhiều chủ đầu tư, đơn vị quản lý áp dụng như là một “thượng sách” nhằm lấp đầy các diện tích bán lẻ.
Báo cáo nghiên cứu của CBRE mới đây cho biết, tỷ lệ trống của toàn thị trường mặt bằng bán lẻ giảm nhẹ, từ 15,5% trong quý II, xuống 15,2% trong quý III/2015. Trong khi các dự án cũ duy trì giá thuê tương đối ổn định, giá thuê nhiều dự án mới đi vào hoạt động được chào giá thấp hơn hẳn trên thị trường. Thực trạng này phản ánh sự cạnh tranh mạnh mẽ của các dự án mới đi vào hoạt động, phải nỗ lực tăng công suất cho thuê. Theo đó, biện pháp được các doanh nghiệp áp dụng phổ biến nhất, chính là chính sách giảm giá.
Việc Hà Nội có thêm các trung tâm thương mại lớn đi vào hoạt động sẽ gây thêm áp lực đối với các trung tâm thương mại đang hoạt động không hiệu quả. Xu hướng dịch chuyển của các nhà bán lẻ từ nay đến cuối năm vì thế sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến khó dự đoán.