Thị trường chứng khoán 2020: Kỳ vọng 2 nhóm chủ chốt

(ĐTTCO)-Dự báo kết quả kinh doanh (KQKD) năm 2019 của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục có sự phân hóa giữa các ngành cũng như các nhóm CP. Đây là một trong những yếu tố để NĐT lựa chọn CP của 2 nhóm ngành chủ chốt trên TTCK hiện nay là ngân hàng (NH) và bất động sản (BĐS).
Cổ phiếu ACB vẫn có thế mạnh trong năm 2020.
Cổ phiếu ACB vẫn có thế mạnh trong năm 2020.
NH duy trì tốc độ tăng trưởng
Theo dự báo của các chuyên gia tài chính, cơ sở vốn mạnh, biểu hiện qua hệ số đòn bẩy thấp và CAR Basel II cao, sẽ đảm bảo tốc độ tăng trưởng cho vay cao đối với nhóm NH. Đây là khía cạnh tích cực khi hoạt động cho vay khách hàng vẫn là nguồn thu nhập chính của các NH và mở rộng tín dụng sẽ cho phép các NH bán chéo sản phẩm (thẻ, thanh toán giao dịch, bảo hiểm), sau đó nâng cao thu nhập dịch vụ.
Bên cạnh đó, với mức định giá tương đối thấp, P/B năm 2020 khoảng 1-1,4x và ROE từ 18-20%, cũng là lợi thế khác của nhóm CP NH. Điều cần lưu ý, hầu hết NH tư nhân niêm yết đều không còn dư địa cho sở hữu NĐTNN.
Trong nhóm CP NH, ACB (NH Á Châu) được đánh giá tích cực nhờ tập trung cao độ vào các thế mạnh vốn có, thay vì mở rộng sang các lĩnh vực rủi ro cao, cùng với thanh khoản lành mạnh và cơ sở vốn hợp lý.
Ngoài ra, tiềm năng tăng trưởng thu nhập bancassurance dự kiến được thúc đẩy bởi hợp đồng phân phối bảo hiểm không độc quyền ký gần đây với Manulife. Đây sẽ là động lực mới cho tăng trưởng thu nhập lợi nhuận, đặc biệt trong bối cảnh thu nhập lãi khó tăng trưởng mạnh trong ngắn hạn.
Chất lượng tài sản hàng đầu và khả năng kiểm soát chi phí vốn tốt, cùng với khả năng thu hồi nợ xấu cao, cũng là những lợi thế quan trọng giúp ACB duy trì tăng trưởng lợi nhuận ổn định trong giai đoạn tới.
Một mã CP NH đáng chú ý nữa là VPB (NH Việt Nam Thịnh Vượng). KQKD 9 tháng năm 2019 của NH này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong mảng cho vay tiêu dùng thông qua công ty con FE Credit. Đặc biệt, VPB công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất khoảng 7.200 tỷ đồng (tăng 17,4%) và hoàn thành 76% kế hoạch cả năm. Loại trừ thu nhập bất thường ghi nhận cùng kỳ năm 2018, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của VPB tăng hơn 25%.
Mới đây, VPB đã hoàn tất mua 50 triệu CP quỹ nên vốn chủ sở hữu giảm 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng quá nhiều đến CAR (Basel II) của VPB vì thu nhập trong quý IV sẽ bù vào khoản bị giảm.
Theo dự báo của CTCK Rồng Việt (VDSC), lợi nhuận trước thuế cả năm của VPB ước đạt 9.948 tỷ đồng (tăng 8% và vượt hơn 5% so với kế hoạch). VPB đang giao dịch tại P/B 2020 là 1x, mức định giá tương đối hấp dẫn, khả năng tăng trưởng ở mức 2 chữ số về thu nhập ròng và mang lại ROE 20% trong vòng 2 năm tới.

BĐS vượt khó 
 Bức tranh KQKD 9 tháng năm 2019 cho thấy tăng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đến chủ yếu từ nhóm CP vốn hóa lớn. Trong đó, 2 nhóm ngành lớn là BĐS và NH có KQKD chủ yếu được đóng góp từ các công ty lớn trong ngành. Ngược lại, các ngành truyền thông, tài nguyên cơ bản và dịch vụ tài chính ghi nhận mức tăng trưởng âm.
Lợi nhuận sau thuế quý III của ngành BĐS ghi nhận tăng trưởng 18%, phần lớn đến từ sự đóng góp của VHM (CTCP Vinhomes). Nếu loại trừ phần tăng của VHM, lợi nhuận sau thuế của ngành BĐS giảm 4%.
Nguyên nhân do sự sụt giảm lợi nhuận của một số ông lớn, như NVL (CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova), NLG (CTCP Đầu tư Nam Long), VIC (CTCP Tập đoàn Vingroup) và LDG (CTCP Đầu tư LDG). Dù vậy, KQKD 9 tháng của ngành vẫn khá tích cực, khi doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt 24% và 28%. Ngay cả khi loại nhóm CP của Vingroup là VHM và VRE (CTCP Vincom Retail), doanh thu và lợi nhuận sau thuế 9 tháng vẫn tăng 32% và 15%.
Dù lợi nhuận quý III không như kỳ vọng nhưng các doanh nghiệp đầu ngành như VIC, NVL, NLG vẫn là những mã CP được NĐT quan tâm bởi tiềm lực tài chính và quỹ đất lớn. Trong bối cảnh các dự án tại TPHCM chậm về mặt pháp lý, việc sở hữu quỹ đất sạch được xem là động lực tăng trưởng chính của doanh nghiệp.
Đơn cử NVL với chiến lược phát triển nhà ở tại TPHCM nhờ quỹ đất hiện có lên đến 670ha. Tuy nhiên, NVL sẽ không bung hết lực để triển khai đồng loạt, mà đẩy mạnh triển khai đầu tư vào giai đoạn 2 những dự án cũ. Chiến lược này giúp NVL giảm áp lực về dòng tiền nhưng vẫn đáp ứng được kế hoạch doanh thu và lợi nhuận. Ngoài ra, NVL cũng chuẩn bị quỹ đất hơn 2.000ha ở các tỉnh Tây Nam bộ có tiềm năng phát triển du lịch. 
Tương tự, NLG sở hữu quỹ đất lớn đắc địa tại TPHCM, Đồng Nai, Long An, Hải Phòng, cùng khả năng tiếp cận nguồn vốn tốt và cấu trúc vốn an toàn. Những yếu tố này giúp NLG có động lực tăng trưởng trong tương lai.
Hiện NLG tập trung phát triển dự án nhà ở vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực. Dự án Mizuki Park ở TPHCM (26,4ha) cung cấp 1.200 căn hộ và dự án Waterpoint tại Long An (355ha) bắt đầu được triển khai giai đoạn 1 với quy mô hơn 3.000 sản phẩm, được kỳ vọng đem lại lợi nhuận đáng kể cho NLG. Quỹ đất lớn cũng là lợi thế để phát triển các dự án trong tương lai của LDG.
Trong 3 năm trở lại đây, LDG đã có những bước phát triển rất mạnh, quy mô tổng tài sản tăng 108% do liên tục chuyển nhượng dự án và bổ sung thêm quỹ đất mới. Các quỹ đất này giúp LDG có các dự án mới trong trung hạn. Ước tính, lợi nhuận từ các dự án BĐS này của LDG đạt 2.200 tỷ đồng.
Trong năm 2020, TTCK sẽ chào đón doanh nghiệp đang thu hút được sự chú ý của giới đầu tư, với hàng loạt dự án đình đám thời gian qua là CTCP Hưng Thịnh Land. Đây là thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh hoạt động chính trong lĩnh vực môi giới. Từ cuối năm 2018, doanh nghiệp này được bổ sung thêm lĩnh vực phát triển dự án lớn cho công ty mẹ.
Với quyết định này, Hưng Thịnh Land đã đảm nhận đầu tư hàng loạt dự án tại TPHCM và các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Các tin khác