Nhà đầu tư theo dõi giá cổ phiếu. Ảnh: CAO THĂNG
Vốn nội tăng mạnh
Dòng tiền nhà đầu tư nội đổ vào thị trường chứng khoán (TTCK) không những “cân” được lượng tiền bán ròng của khối ngoại với hơn 46.000 tỷ đồng trong 10 tháng qua mà còn giúp TTCK Việt Nam lập nên đỉnh mới về chỉ số lẫn thanh khoản. Theo Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, giá trị vốn hóa niêm yết trên TTCK Việt Nam tính đến cuối tháng 10 đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng, đạt khoảng 89% GDP năm 2020.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI, nói, dòng vốn nội chảy mạnh vào TTCK đồng nghĩa niềm tin của người dân vào thị trường này tăng cao. Chính trong lúc này, cơ quan quản lý cần nỗ lực hơn nữa để giữ cho thị trường minh bạch, qua đó bảo vệ nhà đầu tư. Bởi lẽ, nhà đầu tư trong nước là nhân tố quan trọng nhất của mọi TTCK trên thế giới.
Số liệu từ Trung tâm Lưu ký cũng cho thấy, tháng 10-2021 đã có thêm gần 130.000 tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới, tăng gần 13% so với tháng 9. Đây là tháng thứ 8 liên tiếp số lượng tài khoản này vượt mốc 100.000. Lũy kế 10 tháng năm 2021, đã có gần 1,09 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân mới, gấp 2,8 lần số tài khoản mở mới của cả năm 2020. Nhà đầu tư mở mới trong 10 tháng năm 2021 cao hơn cả lũy kế 4 năm từ 2017-2020 (với khoảng gần 1,03 triệu tài khoản). Các công ty chứng khoán cho biết, việc áp dụng mở tài khoản qua eKYC (định danh khách hàng điện tử) trong thời gian dịch bệnh đã giúp nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường mạnh mẽ, hút được một dòng tiền lớn vào thị trường.
Hiện nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 80%-85% lượng giao dịch trên TTCK trong khi tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài ngày càng xuống thấp, mức giao dịch khối này hiện chỉ chiếm khoảng 7%-8%/phiên. Trong khi con số này trước đây ở mức gần 20%/phiên. Lý giải nguồn tiền đổ mạnh vào TTCK, nhiều chuyên gia nhận định, nguồn tiền kiều hối đổ về Việt Nam rất lớn. Trong khi đó, do dịch bệnh, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh buộc phải tạm ngưng nên người dân chuyển đầu tư sang TTCK.
Tránh đầu tư theo trào lưu
Các chuyên gia nhận định, làn sóng nhà đầu tư cá nhân trong nước đổ tiền vào TTCK đã lý giải được tại sao thị trường này tăng giá mạnh mẽ. Nhận định về TTCK vượt đỉnh, đại diện Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, tâm lý nhà đầu tư tích cực hơn trong tháng 10 sau khi Hà Nội và TPHCM nới lỏng giãn cách.
Mặc dù nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ tiếp tục là tiêu điểm của TTCK trong tháng 10 (giá trị giao dịch bình quân tăng 4,7% so với tháng trước) và dòng tiền rút ròng nhẹ khỏi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và vốn hóa trung bình (với giao dịch bình quân giảm lần lượt là 0,1% và 0,6%) nhưng thị trường kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình trong tháng 11 sau khi VN-Index vượt đỉnh lịch sử.
Cũng theo đại diện này, TTCK tăng còn do bức tranh tích cực hơn về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết so với các dự báo tiêu cực trước đó. Tính đến ngày 1-11, 651 công ty niêm yết, chiếm 37,3% số doanh nghiệp niêm yết và 82% giá trị vốn hóa thị trường, đã công bố kết quả kinh doanh quý 3 với lợi nhuận ròng tăng trưởng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của Quỹ đầu tư Dragon Capital, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ việc giãn cách để phòng chống dịch Covid-19 trong quý 3 nhưng kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục trở lại từ quý 4 và tăng mạnh mẽ trong năm 2022. Dragon Capital dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 có thể đạt từ 8,5%-9,6%. Ngoài niềm tin về sự phục hồi của nền kinh tế hậu dịch Covid-19, một trong các nhân tố thúc đẩy TTCK bùng nổ lượng tiền giao dịch nằm ở việc có thông tin về đề xuất gói kích thích kinh tế lớn đã góp phần nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư về triển vọng TTCK Việt Nam trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, ông Trần Đức Anh, Giám đốc chiến lược KBS, khuyến nghị: Nhà đầu tư mới không nên đầu cơ theo trào lưu, xu hướng mà phải tìm hiểu về doanh nghiệp để nắm được những yếu tố cơ bản. Tránh việc chỉ tập trung phân bổ vốn vào nhóm cổ phiếu nhỏ, ngay cả khi đang có mức sinh lời cao vì tâm lý mua đuổi giá sẽ rủi ro cao.
Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng cho biết, mặc dù chưa có hiện tượng bong bóng nhưng với mức P/E (thị giá thu nhập/cổ phiếu) của TTCK Việt Nam là 17, VN-Index đang được định giá không còn rẻ nên nhà đầu tư không thể đầu tư ào ào theo phong trào mà phải chọn lọc cổ phiếu để tránh rủi ro.