S&P 500 khép phiên gần như đi ngang
Kết thúc phiên giao dịch, S&P 500 đạt được mức tăng hẹp, tăng 0,08%, đóng cửa ở mức 4.372,59. Nasdaq Composite tiến 0,39% lên 13.626,48, được hỗ trợ bởi đà tăng của cổ phiếu Nvidia và AMD. Chỉ số Dow Jones giảm 0,68%, tương đương 232,79 điểm, kết phiên ở mức 33.979,33, kéo theo sự sụt giảm của UnitedHealth.
Trong phiên, cả S&P 500 và Nasdaq đều chạm mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.
Đúng như kỳ vọng của các nhà đầu tư, Fed đã giữ nguyên lãi suất ở phạm vi mục tiêu 5% -5,25% vào chiều thứ Tư, chấm dứt chuỗi 10 lần tăng lãi suất liên tiếp.
Bất chấp việc tạm dừng tăng lãi suất, phản ứng ban đầu của thị trường là tiêu cực khi các nhà đầu tư tập trung vào các dự đoán của ngân hàng trung ương trong thời gian còn lại của năm, điều này cho thấy Fed sẽ sớm bắt đầu tăng lãi suất trở lại.
Ed Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp tại Oanda, cho biết: “Tuyên bố và dự đoán quá diều hâu, tôi chắc rằng Phố Wall đang nghĩ rằng họ nên tăng lãi suất ngay hôm nay. Fed sẽ khiến nền kinh tế này rơi vào suy thoái vào năm tới nếu họ làm theo dự báo của họ.”
Tuy nhiên, tình trạng bán tháo đã ổn định phần nào khi Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cho biết trong cuộc họp báo chiều thứ Tư rằng ngân hàng trung ương vẫn chưa đưa ra quyết định về cuộc họp tháng Bảy. Ông cũng cho biết Fed đang đạt được tiến bộ trong việc chống lại lạm phát.
“Tôi gần như muốn nói rằng các điều kiện mà chúng ta cần thấy để giảm lạm phát đang được hình thành,” lãnh đạo ngân hàng trung ương cho biết.
Cuộc họp tiếp theo của Fed vào ngày 25 – 26/7.
S&P 500 đã tăng hơn 13% trong năm nay và hơn 25% so với mức thấp nhất trên thị trường giá xuống khi các nhà đầu tư đặt cược rằng Fed sẽ sớm ngừng tăng lãi suất.
Trước đó vào thứ Tư, chỉ số giá sản xuất của tháng 5/2023, một chỉ báo về hướng đi của lạm phát, đã giảm 0,3%, mức giảm lớn hơn dự kiến. Hồi thứ Ba, chỉ số giá tiêu dùng của tháng Năm cho thấy mức tăng hàng năm thấp nhất trong hơn 2 năm, đã củng cố hy vọng của các nhà đầu tư rằng Fed đang chiến thắng trong cuộc chiến chống lại lạm phát.
Dầu giảm khi Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất
Khép phiên, dầu thô Brent kỳ hạn sụt 1,09 USD, tương đương 1,5%, ở mức 73,20 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,15 USD, tương đương 1,7%, ở mức 68,27 USD.
Cả hai loại dầu đã tăng hơn 1,5% hồi đầu phiên. Trước đó vào thứ Ba, cả hai đã tăng hơn 3% do kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu tăng sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc hạ lãi suất cho vay ngắn hạn.
Fed giữ nguyên lãi suất nhưng đưa ra tín hiệu trong các dự báo kinh tế mới rằng chi phí đi vay có thể sẽ tăng thêm 0,5 điểm phần trăm vào cuối năm nay khi cơ quan này phản ứng với nền kinh tế mạnh hơn dự kiến và lạm phát hạ nhiệtchậm hơn.
“Các thị trường lo ngại rằng môi trường lãi suất cao hơn sẽ làm giảm nhu cầu dầu mỏ.” Nhà phân tích Phil Flynn của Price Group cho biết phản ứng “giật đầu gối” đang đẩy dầu xuống.
Lãi suất cao hơn củng cố đồng đô la Mỹ, làm cho hàng hóa neo giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9/6, theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (IEA). Các nhà phân tích đã ước tính mức giảm là 500.000 thùng. Dự trữ xăng và dầu diesel cũng tăng nhiều hơn dự kiến.
Trong khi đó, IEA đã tăng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay thêm 200.000 thùng/ngày lên 2,4 triệu thùng/ngày, nâng tổng dự kiến lên 102,3 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, cơ quan này dự kiến những cơn gió ngược kinh tế sẽ làm giảm mức tăng trưởng xuống 860.000 thùng/ngày vào năm tới và việc tăng cường sử dụng xe điện sẽ giúp giảm mức đó xuống 400.000 thùng/ngày vào năm 2028 đối với nhu cầu chung là 105,7 triệu thùng/ngày.
Con số tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2023 của IEA cao hơn một chút so với OPEC.
JPMorgan cũng đã hạ dự báo giá dầu thô Brent trung bình năm nay từ 9 USD xuống còn 81 USD/thùng.