Kinh tế khó khăn khiến sức mua điện thoại di động (ĐTDĐ) giảm mạnh trong 3 năm trở lại đây. Số lượng ĐTDĐ nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2012 thấp hơn 23% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, trong khi nhiều DN đang co cụm hoạt động kinh doanh các ông trùm ngành ĐTDĐ FPT, Viễn Thông A, Thế giới di động… vẫn đầu tư mở rộng phạm vi hoạt động.
Bất chấp khó khăn
Theo IDC Vietnam, tập đoàn chuyên nghiên cứu thị trường trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, kinh tế khó khăn và sức mua suy yếu đã ảnh hưởng đáng kể đến doanh số ĐTDĐ của Việt Nam. Dự kiến thị trường khó duy trì đà tăng trưởng.
Trong đó, dòng điện thoại phổ thông giảm 14%, thị trường điện thoại thông minh (smartphone) cũng giảm 21% so với quý trước, chỉ vài hãng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android có tăng chút ít.
Rảo quanh các trung tâm mua sắm ĐTDĐ vào giờ cao điểm tại TPHCM dễ dàng nhận thấy không khí trầm lắng do vắng người mua.
Dù các thương hiệu ĐTDĐ cao cấp như Apple, Motorola, Sony, HTC giá giảm khá nhiều nhưng vẫn không kích thích được người tiêu dùng. Nhiều quầy hàng tại Thế giới di động nhân viên nhàn rỗi, số lượng nhân viên nhiều hơn khách hàng.
Thậm chí, chỉ vài ba khách hàng tới gian hàng nhưng chủ yếu tham quan, tìm hiểu tính năng sản phẩm. Các nhân viên bán hàng tại đây cho biết doanh số bán hàng từ đầu năm đến nay đã giảm khoảng 15-20% so với năm ngoái, dù cửa hàng liên tục tung ra nhiều chương trình khuyến mại, tặng quà lớn.
![]() |
Tư vấn khách hàng tại Viễn Thông A. Ảnh: H.VY |
Bên cạnh đó, hàng tháng các thương hiệu điện thoại cao cấp vẫn liên tục tung ra những mẫu mới. Vừa qua, có những mẫu ĐTDĐ được người tiêu dùng lựa chọn cao như Q-Mobile, FPT, Nokia 101 với 2 sim hỗ trợ thẻ nhớ ngoài lên tới 16Gb, được bán ra với số lượng lớn cho tầng lớp bình dân với mức giá chỉ 569.000 đồng tại Thế giới di động.
Một số mẫu điện thoại cao cấp có mức giảm giá khá cao cũng được khách hàng lựa chọn nhiều như: Samsung Galaxy Note, Samsung Galaxy Ace, iPhone 4S, BlackBerry Bold 9900, LG Prada giảm 2 triệu đồng, HTC Sensation giảm 1,5 triệu đồng… Còn những mặt hàng không nằm trong top bình dân hoặc cao cấp hầu như bị “đóng băng”.
Tiếp tục đầu tư
Nếu so sánh sẽ thấy một sự đối nghịch đang diễn ra: thị trường ĐTDĐ tiếp tục khó khăn, sức mua giảm mạnh ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu các doanh nghiệp kinh doanh ĐTDĐ. Nhưng, trong lúc khó khăn các doanh nghiệp trên vẫn đầu tư mạnh tay cho chất lượng dịch vụ cũng như mở rộng mặt bằng kinh doanh với những hy vọng mong manh rằng thị trường sẽ sôi động trở lại.
Có thể nói, việc đầu tư và phát triển lĩnh vực kinh doanh ĐTDĐ từ 38 siêu thị năm 2009 lên tổng số hơn 220 siêu thị đến cuối tháng 6-2012 của CTCP Thế giới di động là sự đầu tư khá mạnh tay trong giai đoạn kinh tế khó khăn này.
Ngoài ra, Thế giới di động đã đầu tư thêm hàng tỷ đồng vào các chương trình khuyến mại, kích cầu người tiêu dùng. Trong tháng 8 và 9 tới Thế giới di động tiếp tục chương trình khuyến mại “Tiếp sức tương lai” với giá ưu đãi thiết thực để người tiêu dùng mua được sản phẩm tiết kiệm hơn.
Tương tự, thời gian vừa qua Viễn thông A, một trong những DN đi đầu trong các nhà bán lẻ tại Việt Nam, đã giới thiệu Trung tâm Smartphone đầu tiên trên đường 3 tháng 2 (quận 10, TPHCM). Tiếp nối những tín hiệu khả quan từ Trung tâm Smartphone đầu tiên Viễn Thông A dự kiến đầu tư thêm các trung tâm mới tại Đà Nẵng, Hà Nội nhằm đảm bảo phục vụ và đáp ứng tối ưu nhu cầu của khách hàng.
Nắm bắt tâm lý khách hàng khi đến với Trung tâm Smartphone, Viễn Thông A đầu tư khá kỹ về mặt dịch vụ để khách hàng được tận hưởng những cảm giác khám phá và trải nghiệm sản phẩm thông minh với smartphone. Đặc biệt, trung tâm còn thường xuyên tổ chức những buổi giao lưu, trao đổi giữa khách hàng yêu công nghệ về những tính năng với các chuyên gia hàng đầu các hãng ĐTDĐ danh tiếng như HTC, Nokia, Samsung, LG, Sony, Blackberry…
Chị Mai Thị Cẩm Ly, đại diện truyền thông tại Viễn Thông A, chia sẻ thời gian tới Viễn Thông A sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ đồng vào các chương trình khuyến mại, sân chơi ứng dụng với smartphone tại TPHCM nhằm thu hút người tiêu dùng. Dự đoán thị trường ĐTDĐ 6 tháng cuối năm, kinh doanh ĐTDĐ chỉ đạt mức tăng trưởng 5-10% so với nửa đầu năm.
Trong đó, phân khúc sản phẩm giá từ 1-3 triệu đồng sẽ tăng trưởng mạnh, song thị trường tổng thể không kỳ vọng có sự đột biến. Sắp tới các hãng ĐTDĐ sẽ tập trung nhắm đến sản phẩm smartphone, điều này khiến thị trường sẽ sôi động và sức cạnh tranh sẽ càng gay gắt hơn. Thị hiếu của người tiêu đang hướng đến “những smartphone cảm ứng đa điểm, đầy đủ tính năng với mức giá rẻ”.