Thị trường hàng không Việt Nam chuẩn bị hồi phục?

(ĐTTCO) - Cục Hàng không Việt Nam dự báo ngành hàng không nội địa sẽ phục hồi từ giữa quý III-2021, khi việc tiêm vaccine Covid-19 được đẩy nhanh, đặc biệt tại nhiều thị trường trọng điểm của hàng không Việt Nam như Đông Bắc Á, châu Âu. Hoạt động vận chuyển quốc tế từng bước mở lại cuối quý III, đầu quý IV.
Máy bay xếp hàng ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong tháng 6-2021, do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đứng vì dịch Covid-19. Ảnh: Dân trí
Máy bay xếp hàng ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong tháng 6-2021, do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đứng vì dịch Covid-19. Ảnh: Dân trí
Trong báo cáo gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam nhận định hoạt động hàng không năm 2021 sẽ cải thiện hơn năm 2020. Cơ sở của nhận định này là việc tiêm vaccine được thực hiện rộng rãi, giúp từng bước mở lại hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế từ giữa cuối quý III đến đầu quý IV. 
Thêm vào đó, 2 sân bay lớn nhất nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã được cải tạo hạ tầng, sẽ đáp ứng nhu cầu khai thác trở lại của các hãng hàng không.
Cục Hàng không Việt Nam dự báo thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi từ giữa quý III-2021, với sản lượng thông qua các cảng hàng không của trong nước năm 2021 ước trên 70 triệu hành khách.
Số liệu của cơ quan này cho biết, 2 đợt bùng phát dịch Covid-19 trong năm 2021 rơi vào đúng cao điểm bay nội địa sôi động nhất, là Tết Nguyên đán và nghỉ hè. Đặc biệt, từ ngày 31-5, khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng, tiếp đó là Chỉ thị 10 của TP kéo dài, hoạt động vận chuyển hành khách nội địa bằng đường hàng không sụt giảm nghiêm trọng. 
Sản lượng vận chuyển hàng ngày sau 31-5 chỉ còn 20-30% so với giai đoạn tháng 3 và tháng 4. Thậm chí, các ngày của 2 tuần đầu tháng 6 sản lượng vận chuyển chỉ tương ứng 5-10% mức trung bình tháng 4.
Tính trung bình, sản lượng vận chuyển thông qua các cảng hàng không trong nước 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 26,8 triệu lượt khách, giảm 19,4% so cùng kỳ 2020. Trong đó, khách quốc tế chỉ có 145.000 người, giảm 97,9%. Tuy nhiên khách nội địa tăng nhẹ 1,4%, đạt 26,7 triệu lượt.
Thị trường hàng không Việt Nam chuẩn bị hồi phục? ảnh 1 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vắng chưa từng có khi đợt TPHCM phải đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 kéo dài nhất từ năm 2020 đến nay. Ảnh: Thanh niên
Trong điều kiện các đường bay quốc tế chưa thể khai thác trở lại, các hãng hàng không Việt Nam đã dùng phần lớn nguồn lực đội bay vào khai thác các đường bay nội địa, với năng lực tăng vọt cả về tần suất và số lượng đường bay. Hiện số lượng đường bay nội địa của các hãng hàng không Việt Nam có thời điểm đạt 62 đường bay, tăng 10 đường so với năm 2019.
Với việc đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, trong 6 tháng đầu năm 2021, nhiều giai đoạn số lượng chuyến bay cũng như lượng khách vận chuyển trên các đường bay nội địa đã cao hơn so với cùng thời điểm năm 2019. Thậm chí, nhiều giai đoạn các hãng gặp tình trạng không đủ slot để tăng tần suất trên nhiều đường bay nội địa.
Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm, lượng hàng hóa vận chuyển đạt 668.000 tấn, tăng 12,7% so cùng kỳ 202.
Đến hiện tại, chỉ còn khoảng 30 hãng hàng không nước ngoài từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Đông và Pháp khai thác các chuyến bay chở hàng hóa, ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, người lao động tay nghề cao, sinh viên nước ngoài... đi/đến Việt Nam.
Hiện Bộ KH-ĐT đang dự thảo văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên, cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay tín dụng trong năm 2021-2023 đối với các hãng hàng không. Giúp các hãng hàng không tư nhân có nguồn tiền giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực hoạt động  phát triển, tương tự như gói hỗ trợ của Chính phủ cho Vietnam Airlines.
Đồng thời, Bộ KH-ĐT cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay, dịch vụ điều hành bay, cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), năm 2020, ba hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airlines lỗ khoảng 16.000 tỷ đồng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến nay, 3 hãng có số nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả tới 36.000 tỷ đồng. Để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, mỗi ngày các hãng phải chi trên 100 tỷ đồng.

Các tin khác