Tôi có người bạn làm công chức ở phường. Cô có kiosk nhỏ bán quần áo may sẵn. Từ khi cuối năm học cũ đến gần vào năm học mới, cô tranh thủ các mối quan hệ để giới thiệu các mẫu đồng phục học sinh tiểu học, rồi tất tả kết nối với các cơ sở may gia công, sau đó tổ chức giao hàng… Năm nào cũng vậy, cô cho biết, dịp này tuy rất vất vả nhưng mang lại thu nhập đáng kể, đủ để cô yên tâm tiếp tục làm tròn chức phận của mình ở cơ quan…
Câu chuyện của bạn tôi có thể xem là góc nhỏ trong “kinh tế tựu trường” ở nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh. Bởi hoạt động giáo dục trên thực tế tạo ra rất nhiều việc làm, hình thành chuỗi hoạt động kinh tế có liên quan không kém phần sôi động. Ngoài đồng phục, giày dép, cặp, sách giáo khoa, tập, bút mực, máy tính các loại, dụng cụ học tập khác… là những hàng hóa thiết yếu phục vụ việc học tập.
Bên cạnh đó, còn có các trang thiết bị phục vụ việc sửa chữa trường học (kể cả bàn ghế cùng các việc tu bổ trường lớp), bổ sung thiết bị phục vụ giảng dạy (tivi, máy chiếu, đồ dùng thí nghiệm, bản đồ, hóa chất…), cải tạo cảnh quan trường (cây xanh, bạt che nắng…), cũng đóng góp đáng kể vào hoạt động kinh tế. Ngay cả việc sửa chữa và bán mới các loại phương tiện, từ xe đạp, xe đạp điện đến xe máy (chủ yếu dành cho sinh viên), vào mùa nhập học cũng luôn sôi động. Nếu so sánh các hoạt động giữa mùa đi học với mùa hè, sẽ thấy rõ sự khác biệt về mặt kinh tế.
Hay một hoạt động khác cũng rất đáng kể là cung cấp các suất ăn cho học sinh. Hiện ở TPHCM hầu hết trường đều tổ chức hoạt động bán trú với tỷ lệ bố trí thường không dưới 50% số học sinh. Do đó, một trường học có số học sinh trung bình cũng có thể nhận và cung cấp 500-700 suất ăn mỗi ngày (trường mầm non bán trú 100% và số suất ăn tăng gấp đôi do còn phục vụ bữa ăn sáng và ăn xế).
Một số học sinh không tham gia bán trú có thể ăn ở căn tin trường hoặc ăn ở các quầy bán thức ăn quanh trường, nên mùa đi học căn tin và các điểm bán hàng gần trường đều sôi động hẳn lên. Không chỉ có thức ăn, còn sữa, nước uống, quà vặt… tuy ở quy mô không lớn nhưng tính tổng vẫn tạo ra doanh thu không nhỏ, và từ đó đóng góp vào các hoạt động kinh tế.
Cùng với đó, việc đi lại của học sinh, sinh viên cũng không nhỏ. Ngoài một số học sinh, sinh viên được cha mẹ đưa đón, hoặc đăng ký sử dụng xe của trường, nhiều người tự đi học bằng các phương tiện (kể cả xe buýt), đi xe ôm hoặc taxi công nghệ (nên một số tài xế xe ôm công nghệ cho biết, trong dịp hè họ mất đến 30-40% cuốc xe)...; kể cả có trường hợp gia đình “đặt riêng” một người phụ trách việc đưa đón con em họ.
Chính điều này cũng góp phần vào việc tăng thêm việc làm và thu nhập cho một số người, trong đó có người bán xe, sửa xe, lái taxi hoặc chạy xe ôm… Hay việc đáp ứng nhu cầu ở trọ của sinh viên cũng là hoạt động kinh tế tạo ra nguồn thu đáng kể cho nhiều hộ dân. Đương nhiên, các khoản đóng học phí, bảo hiểm, các loại phí, các quỹ vận động… xét cho cùng cũng tham gia hoạt động kinh tế, khi đồng tiền đã được đưa vào lưu thông.
Vì đã xem “kinh tế tựu trường” là hình thức kinh tế có vai trò quan trọng, nên nhiều năm qua tại TPHCM, các cơ quan chức năng đã có biện pháp quản lý khá tốt, đặc biệt thông qua chương trình bình ổn giá. Nhiều mặt hàng liên quan đến việc nhập học của học sinh, sinh viên đã được đưa vào diện bình ổn.
Chẳng hạn, TP đã có 5 nhóm hàng phục vụ học tập năm 2023-2024, gồm tập vở; cặp, ba lô, túi xách; đồng phục học sinh; giày dép học sinh; dụng cụ học tập; lượng hàng bình ổn thị trường chiếm 35-50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn trong năm học này. Hoạt động bình ổn không chỉ giúp người tiêu dùng tiết kiệm hơn, chủ động hơn với việc trang bị cho con em mình, còn tạo điều kiện để họ mua được các loại hàng hóa với chất lượng bảo đảm, tránh để những người buôn bán không trung thực có thể trục lợi bất chính.
“Kinh tế tựu trường” cần được nhìn nhận nghiêm túc hơn và có biện pháp quản lý tốt hơn nữa, không chỉ phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của học sinh, sinh viên và những người có liên quan, còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chẳng hạn, cần quản lý chất lượng các hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu của học sinh, sinh viên, nhất là các sản phẩm liên quan trực tiếp đến an toàn, sức khỏe, như các loại thực phẩm, sản phẩm dùng thường xuyên và có tiếp xúc trực tiếp như quần áo, cặp xách, sách vở…
Phải kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các loại hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt triệt để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong trường học… Bên cạnh đó, cần có biện pháp quản lý thuế trong một số hoạt động buôn bán các loại hàng hóa như đồ ăn, đồ dùng học tập, việc cho thuê nhà trọ… để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tiến bộ.
Trong bối cảnh này, cần quản lý chặt, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịp đầu năm học để trục lợi, như bày ra đồng phục riêng hàng năm để buộc phụ huynh phải mua mới thay vì có thể dùng đồng phục cũ; bắt sử dụng cặp, giày dép đồng phục không cần thiết; ép học sinh mua, đăng ký sử dụng một số dịch vụ không thiết yếu như học thể dục, các môn thể thao ở ngoài trường, mua trang thiết bị, quần áo…
Có quản lý tốt, “kinh tế tựu trường” sẽ vận hành tốt và tham gia tích cực các hoạt động kinh tế nói chung.