Thị trường lao dốc nhưng vì sao nhiều cổ phiếu vẫn vượt đỉnh?

(ĐTTCO) - Kể từ lần thứ hai thị trường vượt đỉnh không thành công hồi đầu tháng 9 tới nay đã xuất hiện một nhịp điều chỉnh nhẹ, VN Index giảm tối đa khoảng 4% trước khi cân bằng dần tuần qua.
Thị trường lao dốc nhưng vì sao nhiều cổ phiếu vẫn vượt đỉnh?

Mặc dù các tín hiệu thị trường tạo đỉnh đang rõ dần và đại đa số CP cũng đạt đỉnh tương ứng với chỉ số rồi điều chỉnh, nhưng vẫn xuất hiện những mã đi ngược thị trường.

Dòng tiền ngược hướng

Tính đến thời điểm hiện tại, VN Index đã xác lập một đỉnh cao nhất năm 2023 với mức đóng cửa 1.245,5 điểm ngày 6-9 vừa qua, và ngưỡng cao nhất của chỉ số là 1.255,11 điểm ngày 7-9. Trước đó trong tháng 8, VN Index cũng đã xác lập đỉnh lần thứ nhất ở mức 1.243,26 điểm ngày 16-8. Nói theo ngôn ngữ phân tích kỹ thuật, đỉnh cao đầu tháng 9 là một diễn biến thị trường kiểm định lại đỉnh cao tháng 8 và không thể vượt qua được, dù vẫn có biên độ chênh lệch vài điểm.

Do đó khi xét tương quan sức mạnh giá CP so với VN Index, có 2 trạng thái khả dĩ. Thứ nhất là CP cũng xác lập đỉnh giá tương ứng với đỉnh cao của VN Index hồi tháng 8 hoặc đầu tháng 9 này (có thể chênh lệch một số phiên về thời điểm) rồi điều chỉnh giảm xuống thấp hơn (tương tự với diễn biến của chỉ số). Thứ 2 là giá CP tiếp tục tăng lên cao hơn đỉnh tháng 8 hoặc tháng 9 trong khi VN Index điều chỉnh giảm. Nhóm CP thuộc trường hợp thứ 2 được xem là có sức mạnh đi ngược thị trường.

Thống kê trên sàn HoSE, hiện có khoảng 13,4% số CP xuất hiện trạng thái đi ngược thị trường. Đây là tỷ trọng thấp, có thể coi là tương thích với sai số trong tính đại diện của chỉ số VN Index. Ngoài ra không có CP nào trong số này thuộc Top 50 mã vốn hóa lớn nhất của chỉ số. Cuối cùng, chỉ gần 50% số CP này có thanh khoản trung bình trong kỳ từ 1 triệu đơn vị/phiên trở lên.

Dòng vốn mua ròng của nhóm Nhà đầu tư cá nhân (đường màu cam) lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay ngược chiều tất cả các nhóm nhà đầu tư khác.

Dòng vốn mua ròng của nhóm Nhà đầu tư cá nhân (đường màu cam) lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay ngược chiều tất cả các nhóm nhà đầu tư khác.

Về tính đại diện nhóm ngành, những CP thanh khoản tốt nhất, biên độ đi ngược thị trường mạnh nhất tập trung nhiều ở nhóm chứng khoán, bất động sản, trong đó đặc biệt là các mã nhóm chứng khoán. Nổi bật là BSI, CTS, AGR, SSI, ORS… không chỉ có giá tăng mạnh mà thanh khoản còn rất cao.

Hình thái diễn biến giá của các mã này phổ biến là đạt đỉnh đầu tiên hồi tháng 8 tương ứng với chỉ số VN Index, sau đó cũng rơi vào nhịp điều chỉnh ngắn nhưng đến đầu tháng 9 thì thay vì đạt đỉnh thứ hai cùng chỉ số, giá lại tiếp tục tăng cao thêm, thậm chí tăng rất cao.

Lấy thí dụ BSI đạt đỉnh cao nhất năm 2023 vào đầu tháng 8 sớm hơn VN Index và điều chỉnh khoảng 12%, tạo đáy trong tháng 8 (ngày 21-8). Nhịp phục hồi sau đó của VN Index trong tháng 9 đến lúc này đang chưa thể quay lại đỉnh thì BSI đã tăng khoảng 32% so với đỉnh của chính nó hồi đầu tháng 8.

Thống kê với một số mã còn lại cũng cho thấy biên độ tăng vượt đỉnh (có thể là đỉnh tháng 8 hoặc đỉnh tháng 9) rất mạnh như CTS tăng 22,4%, AGR tăng 23%, SSI tăng 22,5%, ORS tăng 24,6%...

Nhu cầu đầu cơ đang gia tăng

Đối với thị trường CP, giai đoạn chán nản và mệt mỏi nhất là lúc thị trường điều chỉnh, dù là ngắn hạn. Vì vậy việc sàng lọc và tìm kiếm các cơ hội đi ngược thị trường luôn xuất hiện. Thông thường có hai trạng thái đi ngược thị trường, thứ nhất là đầu cơ trên nền thanh khoản thấp mang tính thao túng; và thứ hai, lôi kéo được dòng tiền ngắn hạn tham gia.

Các CP đi ngược thị trường với thanh khoản cao như nhóm chứng khoán hiện tại đang thu hút lượng tiền rất lớn vì cơ hội được nhìn thấy rõ ràng và được ủng hộ bởi kỳ vọng.

Hiện các CP chứng khoán được xem là có lợi nhất trong môi trường thanh khoản rất cao hiện tại (dịch vụ cho vay đòn bẩy) và khả năng đạt lợi nhuận tốt trong quý III khi tự doanh dễ thắng. Dĩ nhiên kỳ vọng này có hợp lý hay không lại là vấn đề khác và cần phải đợi số liệu lợi nhuận quý III-2023 được công bố, nhưng thị trường chỉ cần một câu chuyện thú vị và dễ tin để có thể giúp giá tăng.

Thị trường đang nhận được dòng vốn mới tham gia rất mạnh trong bối cảnh lãi suất huy động xuống rất thấp. Thống kê tháng 8 vừa qua, số lượng tài khoản đầu tư mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vọt lên mức 188.165, cao nhất trong 12 tháng trở lại đây. Một điều rất hợp lý là mặt bằng lãi suất tiết kiệm đạt đỉnh vào tháng 12-2022 và tháng 1-2023, nghĩa là các kỳ hạn ngắn 6 tháng liên tục đáo hạn từ tháng 6 đến nay.

3 tháng qua cũng là thời điểm số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng vọt trở lại. Cũng như bất kỳ giai đoạn tiền mới nào đổ xô vào thị trường, nhu cầu kiếm lời nhanh, giao dịch liên tục đều rất cao. Tháng 8 vừa qua tổng thanh khoản sàn HoSE cũng đã tăng 32% so với tháng 7 và tăng gấp đôi mức trung bình 7 tháng đầu năm nay.

Số liệu giao dịch ròng của nhóm nhà đầu tư cá nhân cũng thể hiện sự mạo hiểm rất lớn khi chấp nhận bắt đáy mạnh mẽ ngay cả khi thị trường biến động rất lớn. Từ đầu tháng 9 tới nay thị trường có nhiều ngày tăng giảm liên tục rất mạnh nhưng nhà đầu tư cá nhân bắt đáy ròng lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Tính từ đầu tháng 9, vị thế mua ròng của nhóm nhà đầu tư này khoảng 7.000 tỷ đồng bất chấp thị trường đạt đỉnh, trong khi đó cả tháng 8 vị thế chỉ khoảng 4.300 tỷ đồng.

Các tin khác