Cũng như Myanmar, Indonesia hiện đang là thị trường được khá nhiều DN Việt Nam ngắm đến. Song, để có thể rút ngắn khoảng cách giữa tìm hiểu và làm ăn thật không hề đơn giản ở cả 2 thị trường này. Chính vì thế, số DN Việt thành công ở Myanamar và Indonesia vẫn còn khá khiêm tốn.
Những câu chuyện thành công
Ông Lâm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Nệm Liên Á, bắt đầu câu chuyện kinh doanh của DN mình tại thị trường Indonesia bằng những con số không mấy lạc quan cho DN sản xuất nệm Việt Nam. “Indonesia hiện là quốc gia xuất khẩu cao su lớn thứ 2 trên thế giới, đất nước này có hàng trăm DN sản xuất nệm, chính vì thế nếu mình cũng mang nệm qua cạnh tranh sẽ không lại” - ông Minh nói.
Song, Liên Á lại thâm nhập thị trường này được gần 2 năm và đang từng bước mở rộng. Liên Á đã làm như thế nào? “Có 3 nguyên tắc để Liên Á thành công tại Indonesia. Thứ nhất, có chứng nhận chất lượng từ các tổ chức uy tín trên thế giới. Có thế mới lấy được lòng tin của khách hàng. Thứ 2, chọn phân khúc thích hợp là bán thành phẩm. Thứ 3 dựa vào sự giới thiệu của một số người am hiểu về thị trường Indonesia” - ông Minh giải thích.
Cũng là một DN khá thành công khi xuất hàng sang thị trường khó tính Indonesia, bà Bùi Thị Ngọc Tuyền, đại diện Công ty Bích Chi (Đồng Tháp), chia sẻ khi công ty tìm cách đưa bánh phồng tôm sang Indonesia cũng gặp nhiều khó khăn do giá sản phẩm sẵn có khá rẻ. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu tìm ra tính khác biệt trong sản phẩm Bích Chi đã thành công.
“Những sản phẩm hiện có tuy giá rẻ nhưng chủ yếu làm bằng hương liệu, trong khi chúng tôi làm từ thực phẩm tươi như cua tươi, tôm tươi… nên dù giá cao nhưng đã lấy được niềm tin của người tiêu dùng” - bà Tuyền cho hay. Ngoài Liên Á, Bích Chi, khi nói đến sự thành công của DN Việt Nam tại Indonesia không thể không nhắc đến những cái tên khác như Công ty Bùi Văn Ngọ, Công ty Thiên Long hay cân Nhơn Hòa…
Thị trường Indonesia thì vậy, còn với Myanmar thị trường từng gây “sốt” cho DN Việt Nam thì sao? Hiển nhiên cũng đã có những DN thành công. Song số lượng còn khá khiêm tốn. Ông Trần Thanh Đạm, Giám đốc bộ phận xuất nhập khẩu của Domesco Đồng Tháp, kể câu chuyện đoàn của tỉnh Đồng Tháp sang thăm Myanmar tìm hiểu thị trường. Khi đến bang Bagan lãnh đạo bang này đã nói với đoàn 1 câu “Bây giờ hoặc không bao giờ”.
Ông Đạm lý giải: “Ý họ muốn nói chúng ta hãy làm ngay, đừng chỉ đến thăm thôi bởi thực tế có quá nhiều đoàn đã đến nhưng số lượng DN có thể kinh doanh, làm ăn tại Myanmar lại quá ít”. Riêng với Domesco, ông Đạm cho biết do tìm được đối tác thực sự mong muốn làm ăn với mình nên mỗi năm công ty xuất sang Myanmar lượng hàng với trị giá khoảng 1 triệu USD.
Đi ngay kẻo muộn
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, chia sẻ băn khoăn của mình: “ASEAN+1 được xem là khu vực rất quan trọng, nhưng tôi không hiểu vì sao đến thời điểm này Bộ Công Thương vẫn chưa có nhiều chương trình thực sự hiệu quả hướng đến khu vực này.
Tôi thấy chúng ta nói nâng mối quan hệ của chúng ta và Indonesia lên đối tác chiến lược, nhưng năm 2012 cũng không có chương trình gì đặc biệt ở Indonesia và năm 2013 cũng tương tự. Indonesia là thị trường khó nhưng lớn và không thể không làm được”.
Sản phẩm cân Nhơn Hòa đã có thị phần tại Indonesia. Ảnh: CAO THĂNG |
Nói thêm về tiềm năng của Indonesia, ông Trương Cung Nghĩa, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường Trương Đoàn, chia sẻ khá nhiều thông tin sau chuyến khảo sát thị trường cách đây 1 tháng: “Đây là thời điểm thích hợp để thâm nhập thị trường Indonesia vì khu vực bán lẻ đang tăng trưởng rất nhanh, người tiêu dùng có nhu cầu cao với nhiều mặt hàng khác nhau, trong khi điều kiện thị trường cũng thuận lợi cho việc xây dựng thị hiếu”.
Ông Nghĩa cũng có một vài lưu ý cho DN khi muốn thâm nhập thị trường này. Theo đó, DN Việt không nên cạnh tranh về giá với DN Indonesia mà phải tạo ra những sản phẩm chất lượng, khác biệt so với sản phẩm cùng loại. Ngoài ra, với đặc điểm giá nhân công và nguyên vật liệu rẻ nên Indonesia cũng có thể trở thành nơi gia công cho sản phẩm của DN Việt. Một minh chứng cụ thể hiện nay là tập vở cao cấp của Thiên Long đang được sản xuất ở Indonesia.
Theo ý kiến của hầu hết DN, một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công khi làm ăn tại cả 2 thị trường này là kiên trì và phải liên kết với nhau. Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, chia sẻ lần đầu đi Myanmar vào tháng 5-2011 ông thấy thị trường quá sôi động và tưởng như cái gì cũng có thể làm được. Nhưng lần hai sang vào tháng 5-2012 ông thấy không làm được gì cả. Và đến lần thứ 3 qua vào tháng 5-2013, ông nhận thấy có thể làm được nhưng phải hết sức kiên trì.
“Chúng tôi sẽ còn làm nhiều chương trình thiết thực liên quan đến những thị trường trong khu vực ASEAN+1 để góp phần hỗ trợ DN trong việc đẩy nhanh việc bán hàng ở những thị trường này” - bà Hạnh nhấn mạnh.