Chỉ trong 3 tuần tính đến ngày 17-8, các phiên giao dịch trên thị trường Singapore cho thấy xăng A92 thành phẩm tăng nhanh nhất với mức tăng thêm tới 12,85USD/thùng. Diễn biến này khiến các DN trong nước lo lắng về một đợt tăng giá mới, đặc biệt khi các đơn vị kinh doanh xăng dầu lại phát đi thông điệp đang lỗ 1.000 đồng/lít vào ngày 21-8 vừa qua.
Dồn ép sản xuất
Trên thực tế, việc giá xăng tăng thêm 1.100 đồng/lít ngày 13-8 đã khiến nhiều DN kiệt sức. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc CTCP Rau quả thực phẩm Minh Thông, việc giá xăng dầu tăng sẽ khiến DN sụt giảm doanh thu gần 15% trong tổng doanh thu dự kiến 200 tỷ đồng của năm nay.
Mức sụt giảm này để bù vào phần phí tổn gia tăng của hơn 20 loại chi phí liên quan đến việc đưa sản phẩm ra thị trường.
![]() |
Nhốn nháo giá xăng khiến DN nghẹt thở. Ảnh: L. ANH |
Bởi vì công ty đã ký một số hợp đồng với đối tác, trong đó đã chốt giá nên không thể điều chỉnh, trong khi nguồn nguyên liệu đầu vào lẫn chi phí đang tăng lên. Hiện nay, các DN sản xuất hàng tiêu dùng cũng đang cố chịu đựng.
Đến thời điểm này, các hệ thống siêu thị lớn như BigC, Co.op Mart vẫn chưa nhận được yêu cầu tăng giá từ nhà cung cấp hàng hóa do sức mua của thị trường đang rất thấp.
Mới đây, Co.op Mart còn gửi thông báo đến các nhà cung cấp đề nghị không tăng giá sản phẩm vào lúc này để tránh đánh mất thị phần, nếu đơn vị nào đòi tăng giá, Co.op Mart sẽ tìm nhà cung cấp khác với giá hợp lý hơn. Điều này cho thấy, thị trường đang phải chịu sức ép lớn từ mọi phía và có tính dây chuyền, dồn ép DN đến ngạt thở.
Theo ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH May Lý Phương, khi giá xăng tăng, trước tiên DN phải tăng thêm 20% mức phí xăng dầu cho nhân viên giao hàng để phân phối ở thị trường nội địa.
Cụ thể, trước đây mỗi nhân viên nhận 500.000 đồng tiền xăng/tháng, hiện nay công ty phải tăng thêm 100.000 đồng cho mỗi nhân viên. Ngoài ra, công ty cũng đã nhận được thông báo tăng giá cước vận tải của các công ty vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh. Tuy nhiên, giá bán sản phẩm vẫn không tăng nên công ty đang tính đến chuyện cắt giảm chi phí.
Nhưng nếu giá xăng tiếp tục tăng, DN không biết có thể trụ được hay không. Nhiều DN trong nước cũng cho rằng việc giá xăng bị điều chỉnh liên tục gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý DN. Người dân đang ngày càng thắt chặt chi tiêu khiến DN không dám tăng giá thành sản phẩm.
Trong khi đó, các DN nước ngoài lại đang lăm le đưa hàng giá rẻ chiếm lĩnh thị trường, hàng Việt mới bước đầu gia tăng thị phần trên thị trường nội địa lại đối mặt với nguy cơ mất dần thị phần này. Nếu cứ cắn răng giữ giá, DN sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng kiệt quệ, sản xuất sẽ đình đốn hơn.
Tránh làm nghẽn thị trường
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến ngày 1-7, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến tăng 21% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng ước tính đạt khoảng 1.327 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 6,7%.
Thị trường nghẽn đầu ra đã khiến DN tiến thoái lưỡng nan, nếu không tiếp tục nỗ lực sản xuất, đưa ra sản phẩm mới sẽ mất thị trường, còn đưa sản phẩm ra thị trường sẽ lỗ chồng lỗ.
TS. Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhận định so với các ngành kinh doanh khác, kinh doanh xăng dầu không phải chịu nhiều áp lực. Các DN chỉ nhập hàng và bán. Dù kinh doanh dễ dàng như vậy nhưng các DN ngành xăng dầu lại ít khi đưa ra những biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng, lúc lời thì im tiếng nhưng lúc thị trường biến động, họ liên tục kêu khó, kêu lỗ.
Các DN sản xuất kêu lỗ có thể đưa ra bằng chứng là giá đầu vào, giá vận chuyển một cách hợp lý, khi giá đầu vào giảm, các DN này cũng chủ động giảm giá. Còn đối với ngành xăng dầu, lý do đưa ra mỗi lần tăng giá đều do nhập khẩu giá cao nhưng khi giá nhập khẩu giảm, nếu cơ quan quản lý không nhắc nhở DN cũng “quên” giảm giá.
Trước tình hình DN cứ chờ giá xăng dầu thế giới tăng lại rục rịch đòi tăng giá, nhiều chuyên gia cho rằng Nhà nước nên có biện pháp thanh - kiểm tra chặt chẽ hơn để tìm hiểu nguyên nhân tại sao dù biết giá xăng dầu biến động, các DN không trữ xăng dầu để bán hay có trữ nhưng lợi dụng tình hình giá thế giới tăng để tăng lợi nhuận?
Vì sao lần tăng trước DN cho rằng là do Nhà máy lọc dầu Dung Quất ngừng hoạt động, nhưng Dung Quất đã hoạt động lại với 100% công suất, DN vẫn muốn tăng giá?
Vài ngày tới đây, có thể các DN xăng dầu sẽ tận dụng cơ chế tự điều chỉnh giá trong vòng 10 ngày để tiếp tục tăng giá. Với tình hình này, Bộ Tài chính cần phải can thiệp mạnh mẽ hơn để hợp lý hóa giá xăng, tránh làm tắc nghẽn sản xuất, kinh doanh cũng như ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân.