Thị trường Romania: Thận trọng khai thác lợi thế

Romania (Rumani) được đánh giá là một thị trường rất ưa chuộng hàng Việt, có tiềm năng trở thành đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, đã có trường hợp DN bị chiếm dụng vốn do bất cẩn khi làm ăn với các đối tác từ thị trường này.

Romania (Rumani) được đánh giá là một thị trường rất ưa chuộng hàng Việt, có tiềm năng trở thành đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, đã có trường hợp DN bị chiếm dụng vốn do bất cẩn khi làm ăn với các đối tác từ thị trường này.

Giàu tiềm năng

Số liệu thống kê cho biết trong năm 2010, Romania đã nhập khoảng 13.000 tấn fillet cá tra, cá ba sa đông lạnh từ Việt Nam. Năm 2011 dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng lượng hàng vào thị trường này có dấu hiệu tăng lên.

Đây là một sự phát triển khá mạnh mẽ khi mãi đến năm 2002 chúng ta mới bắt đầu xuất khẩu thử nghiệm cá tra, cá ba sa sang Romania, ở dạng những thùng hàng “gửi ké” trong các container tôm, mực, bạch tuộc… 

Ngoài thủy sản, nhiều mặt hàng khác của Việt Nam cũng được ưa chuộng tại thị trường Romania như điện tử, vi tính, điện gia dụng…

Tại thủ đô Bucharest của Romania, các sản phẩm tivi, điện máy của Việt Nam rất được ưa chuộng nhờ đa dạng về kiểu dáng và đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về chất lượng.

Chính vì vậy, những năm qua nhiều đơn vị nhập khẩu từ Romania đã tìm đến các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương để liên hệ với các nhà cung cấp nguồn hàng ký các hợp đồng lớn.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này đã đạt 20 triệu USD, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu hàng từ Việt Nam sang Romania đạt 52 triệu USD.

Với con số ước tính kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Romania đạt khoảng 110 triệu USD trong năm 2011, các DN trong nước có thể lạc quan khi tiếp cận thị trường này.

Ông Valentin Brebenel, điều phối viên Romania tại châu Á, đại diện Bộ Kinh tế Thương mại và Môi trường kinh doanh Romania, nhận định trong kế hoạch phát triển quan hệ thương mại và kinh tế giữa 2 nước Romania mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam, trong đó dầu khí và hóa dầu sẽ là một trong những lĩnh vực trọng tâm.

Ông Nguyễn Văn Thạch, Tổng giám đốc Công ty TNHH TM-DV Thành Ngọc, cho biết các đối tác Romania thường đòi hỏi rất cao về dây chuyền sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và thường sang tận nơi để kiểm tra. Nhưng một khi đã ưng ý, họ sẽ đặt hàng dài hạn và ổn định.

Nhiều thách thức

Thị trường Romania thực sự hứa hẹn, nhưng vẫn còn một số vấn đề DN muốn thâm nhập cần lưu ý. Đó là việc các đối tác DN Romania chậm thanh toán.

Ông Lương Minh Nhật, Tổng giám đốc CTCP Phúc Minh Phương cho biết khi thực hiện các hợp đồng nhập khẩu, các DN Romania thường đề nghị được thanh toán chậm hoặc chỉ thanh toán trước khoảng 30%, số tiền còn lại sẽ thanh toán hết sau khi lô hàng được giao.

Đây là một khó khăn cho DN Việt Nam, vì đa số DN nước ta thuộc DN nhỏ và vừa (DNNVV), nguồn vốn sản xuất không dồi dào.

Các sản phẩm từ cá tra, cá ba sa Việt Nam được người tiêu dùng Romania ưa chuộng. Ảnh: LÃ ANH

Các sản phẩm từ cá tra, cá ba sa Việt Nam
được người tiêu dùng Romania ưa chuộng. Ảnh: LÃ ANH

Vấn đề chậm thanh toán được lý giải một phần do DN Romania muốn “nắm đằng cán”, một phần do bản thân các DN này cũng không được dồi dào nguồn vốn, nhưng không ngoại trừ liên quan đến nhiều vấn đề tiêu cực. Trên thực tế, có trường hợp do DN trong nước vì quá nôn nóng xuất hàng để xoay vòng đồng vốn và tin tưởng đối tác, nên sẵn sàng giao cả lô hàng lên đến 400.000USD trước và chấp nhận thanh toán dần.

Trong khi đó, nhà nhập khẩu Romania lợi dụng lòng tin của DN Việt Nam, cố tình kéo dài thời gian thanh toán nhằm chiếm dụng vốn để nhập khẩu các lô hàng từ các quốc gia khác. Vụ việc khiến Thương vụ Việt Nam tại Romania phải can thiệp, khi đó nhà nhập khẩu Romania mới chịu thanh toán một phần.

Sau khi nhận được 300.000USD, DN Việt Nam lại sợ “mất lòng” đối tác nên đề nghị Thương vụ dừng can thiệp để họ tiếp tục đàm phán thanh toán. Tuy nhiên, sau khi Thương vụ dừng can thiệp, nhà nhập khẩu cũng không thanh toán tiếp cho nhà xuất khẩu của Việt Nam.

Gần đây, Thương vụ Việt Nam tại Romania đưa ra cảnh báo các DN trong nước nên thận trọng với Công ty Alfredo Foods, một công ty của Romania có tiền lệ thanh toán chậm để chiếm dụng vốn của các DN xuất khẩu từ châu Á.

Do đó, các DN khi tham gia đàm phán hợp đồng với DN Romania nên thận trọng tìm hiểu kỹ đối tác và khôn khéo khi đặt vấn đề thanh toán để tránh bị thiệt hại.

Các nhà xuất khẩu có kinh nghiệm lâu năm tại thị trường Romania cho rằng, khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu vào thị trường này, các DN cần lưu ý đến điều khoản hợp đồng về trọng tài kinh tế để có thể hưởng lợi thế nếu xảy ra tranh chấp.

Tốt nhất DN nên chọn trọng tài kinh tế tại Việt Nam, còn nếu điều khoản hợp đồng buộc chọn trọng tài kinh tế ở nước thứ 3, DN nên chọn trọng tài kinh tế những quốc gia gần với nước ta để đảm bảo quyền lợi khi gặp sự cố.

Các tin khác