Sau những chuyển động bất thường trong tuần từ 20 đến 24-8, thị trường tài chính, tiền tệ đang dần ổn định trở lại.
Trên thị trường mở (OMO), tuần từ 27 đến 31-8, trước thực trạng nhu cầu vay vốn ngắn hạn giảm xuống, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm lượng bơm qua OMO cộng thêm lượng vốn đến hạn của giao dịch outright khiến trạng thái bơm ròng nhanh chóng chuyển sang hút ròng.
Nếu như tuần trước đó (20 đến 24-8), lượng vốn bơm ròng lên tới 27.700 tỷ đồng thì trong tuần giao dịch 27 đến 31-8, lượng hút ròng lên tới trên 12.000 tỷ đồng. Tổng lượng vốn giao dịch trên thị trường OMO giảm dần, và tính đến 31-8, tổng lượng vốn bơm qua OMO chỉ còn khoảng 10.960 tỷ đồng, giảm 60% so với phiên cao nhất trong tuần đến 24-8. Điều này cho thấy, thanh khoản của các ngân hàng thương mại đã được cải thiện đáng kể.
Trên thị trường liên ngân hàng, ngày 22-8, lãi suất kỳ hạn qua đêm tăng vọt từ 3,6%/năm lên 6,6%/năm (tức tăng 300 điểm phần trăm); lãi suất kỳ hạn một tuần tăng từ 3,9%/năm lên 7,2%/năm (tăng 330 điểm phần trăm); một tháng ở mức 8,45%/năm (tăng 265 điểm phần trăm), ba tháng ở mức 9,43%/năm (tăng 203 điểm phần trăm); kỳ hạn 6 tháng lên tới 10%/năm (tăng 195 điểm phần trăm).
Việc Ngân hàng Nhà nước can thiệp mạnh trên thị trường mở đã giúp cho thanh khoản tiền đồng được cải thiện, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm, đặc biệt là các kỳ hạn ngắn.
Đến ngày 31-8, lãi suất liên ngân hàng qua đêm, một tuần chỉ còn 2,75%/năm, 3,75%/năm, giảm lần lượt 385 điểm và 345 điểm so đỉnh điểm ngày 22-8; kỳ hạn 1 tháng ở mức 7,75%/năm (giảm 70 điểm); kỳ hạn ba tháng ở mức 8,75%/năm, giảm 68 điểm; kỳ hạn 6 tháng giảm 85 điểm về mức 9,25%/năm.
Thị trường vàng, ngoại tệ, trong bối cảnh khó khăn nhất thời của thị trường tiền tệ, tính phòng thủ lại tăng lên, không ít người dân có xu hướng chuyển đổi tài sản theo hướng an toàn hơn, điều này làm cho giá vàng và USD tăng mạnh.
Tỷ giá giao dịch USD/VNĐ đã có lúc vượt 21.000 đồng/USD, tăng 5,2% so với mức ổn định 8 tháng qua; và giá vàng cũng tăng 2 triệu đồng/lượng khi vượt 45 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, với sự đảm bảo và can thiệp kịp thời của Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản tiền đồng đã ổn định, và cơn sốt đã có phần lắng dịu.
Tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại lớn tuần qua ổn định ở mức 20.840-20.880 USD/VNĐ; giá vàng chủ yếu giao dịch quanh mức 44,2-44,5 triệu đồng/lượng, trước khi tăng mạnh trở lại vào dịp nghỉ lễ cuối tuần và có sự góp phần của giá vàng quốc tế.
Thị trường trái phiếu và lãi suất trái phiếu: Trước những biến động của thị trường tiền tệ thì trên thị trường trái phiếu, nhu cầu mua vào có giảm nhẹ, song do số lượng trái phiếu đến hạn lớn và thanh khoản ngân hàng cải thiện nên giao dịch vẫn tương đối ổn định.
Nhờ sự điều tiết tiền tệ vẫn tương đối hợp lý, công tác phát hành trái phiếu Chính phủ tháng 8 vẫn tương đối thuận lợi và các giao dịch trên thứ cấp cũng ít biến động song và lãi suất trái phiếu đang đi vào chu kỳ ổn định.
Tổng khối lượng trái phiếu huy động được trong tháng 8 đạt 15.850 tỷ đồng, tăng 81,14% so với tháng trước, tổng mức huy động lên tới 112.000 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch năm.
Lợi suất trái phiếu cũng đang đi vào chu kỳ ổn định. Hiện lãi suất trái phiếu thứ cấp ở mức 8,9-9,8%/năm kỳ hạn 2-5 năm, kỳ hạn 5 năm 9,82%/năm, kỳ hạn dài trên 5 năm vận động quanh mức 10,5-10,6%/năm.
Lãi suất trúng thầu trái phiếu Kho bạc Nhà nước tháng 8 khá ổn định so với tháng trước đó, lãi suất kỳ hạn ngắn 2-3 năm là 9,2-9,35%/năm; kỳ hạn 10 năm không đổi ở mức 9,5%/năm còn kỳ hạn 5 năm giảm nhẹ 0,15% từ 9,75%/năm xuống 9,53-9,6%/năm. Đường cong lợi suất trung bình ở dạng bình thường khi các kỳ hạn dài cao hơn kỳ hạn ngắn.
Thị trường chứng khoán: Về cơ bản, chúng tôi cho rằng, tâm lý thị trường đã phản ứng đủ mạnh với những lời đồn đoán. Tuần qua, đà giảm đã tạm ngưng nhờ những thông tin về sự ổn định trở lại của thị trường tiền tệ, ngân hàng và thị trường chứng khoán có động lực để tìm lại một phần những mất mát trước đó.