Khả năng chốt lời sẽ diễn ra do giá vàng đã có 4 tuần tăng liên tiếp. Hoạt động bán ra tuy nhiên sẽ không ồ ạt và xu hướng chủ đạo của giá vẫn là đi lên.
Thị trường vàng thế giới vừa trải qua tuần tăng thứ 4 liên tiếp và chạm mức cao nhất kể từ cuối tháng 2 nhờ chương trình mua trái phiếu mới của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed). Chốt ngày 14/9, vàng giao tháng 12 trên sàn Comex đứng tại 1.772,7 USD/ounce, cao hơn 1,85% so với tuần trước đó.
Các nhà quan sát thị trường cho rằng, xu hướng tăng của giá vàng sẽ tiếp tục trong tuần tới bởi quyết định của Fed vẫn tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư. Khảo sát của Kitco với 29 thương nhân, nhà quản lý quỹ và nhà nhà phân tích cho thấy, có 24 người dự báo giá tăng, 1 cho rằng sẽ giảm và 4 ý kiến trung lập.
Hôm 13/9 vừa qua, Fed đã công bố chương trình mua tài sản quy mô lớn gây bất ngờ cho thị trường. Ngay cả những người tin tưởng Fed sẽ tung ra QE3 cũng không ngờ rằng cơ quan này lại quyết định chi 40 tỷ USD mỗi tháng để mua nợ thế chấp cho tới khi thị trường lao động hồi phục ổn định và nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng. Hơn nữa, Fed còn khẳng định sẽ tiếp tục các gói kích thích ngay cả khi lạm phát vượt quá mục tiêu 2%, đồng thời duy trì lãi suất thấp kỷ lục cho đến giữa năm 2015.
Giới phân tích cho rằng, đang có hai yếu tố được xem là chìa khóa để giá vàng đi lên đó là chương trình mua trái phiếu không giới hạn và cam kết về lạm phát của Fed.
Theo Bart Melek, phó chủ tịch kiêm giám đốc nghiên cứu chiến lược hàng hóa, ngoại hối và lãi suất tại TD Securites thì vàng là đối tượng được hưởng lợi lớn từ chính sách của Fed bởi kế hoạch này sẽ làm giảm theo thời gian chi phí cơ hội nắm giữ các tài sản có mức lợi suất bằng 0 như vàng.
Ngoài ra, rủi ro lạm phát cũng tăng lên bởi kế hoạch vô thời hạn của gói QE3. Việc Fed sẵn sàng giữ thanh khoản cao cho hệ thống tài chính cho thấy cơ quan này sẽ không bận tâm tới lạm phát ngay cả khi nó vượt quá mục tiêu.
Darin Newsom, nhà phân tích cao cấp của Telvent DTN lại nhận xét, mức đỉnh giá của năm nay là 1.793 USD/ounce thiết lập hồi tháng 2 sẽ là mục tiêu đầu tiên để các nhà đầu tư hướng tới ở thời điểm hiện tại. Vượt qua mức này, mục tiêu tiếp theo sẽ là 1.802,7 USD/ounce – mức cao của tháng 11 năm ngoái.
Newsom cũng thừa nhận, xu hướng dài hạn của vàng sẽ là đi lên, nhưng trong ngắn hạn khó tránh khỏi sự điều chỉnh, khi mà thị trường hiện nay đã rơi vào vùng mua vượt mức.
George Gero, phó chủ tịch đồng thời là chiến lược gia về kim loại quý của RBC Capital Markets Global Futures nhận xét, vàng tuần tới sẽ đối diện áp lực chốt lời sau thời gian tăng mạnh vừa qua, nhưng hoạt động bán tháo ồ ạt sẽ không xảy ra bởi xu hướng hiện nay là giá tăng.
Chiến lược gia kim loại quý Edel Tully của UBS đưa ra một số mốc quan trọng mà thị trường sẽ đối diện, đó là kháng cự tại vùng 1.790 – 1803,93 USD và hỗ trợ tại 1.765,85 – 1.750 USD/ounce. Theo bà, sau khi QE3 đã được xác nhận thì xu hướng tăng của giá vàng sẽ chậm lại, và đó không phải là điều gì xấu.
Sau phiên họp và quyết định của Fed vừa qua, thị trường giờ đây trở lại chú ý về tình hình châu Âu, và sau nữa là cuộc bầu cử ở Mỹ. Theo bà Tully, sự biến động của cặp tỷ giá Euro/USD và những chuyển biến ở châu Âu cũng sẽ tác động đáng kể lên giá vàng.
Các nhà quan sát thị trường cũng có một mối bận tâm khác đó là tình hình căng thẳng ngày càng leo thang ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, khi các lãnh sự quán của các nước phương Tây tại đây liên tục bị tấn công bởi nhóm người biểu tình. Căng thẳng địa chính trị là yếu tố luôn đẩy tăng giá vàng trong lịch sử.