Thị trường xăng dầu: Hy vọng và kỳ vọng từ Bộ Công Thương

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, PGS.TS NGÔ TRÍ LONG, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng sự chồng chéo trong quản lý và “đá bóng” trách nhiệm cho nhau giữa các cơ quan chức năng là nguyên nhân chính dẫn đến những vụ việc “lùm xùm” thị trường xăng dầu trong nước diễn ra thời gian qua.

Người dân kỳ vọng kinh doanh xăng dầu quy về một đầu mối là Bộ Công Thương sẽ không còn cảnh như thế này.
Người dân kỳ vọng kinh doanh xăng dầu quy về một đầu mối là Bộ Công Thương sẽ không còn cảnh như thế này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, có ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh tăng chi phí Premium trong giá cơ sở xăng dầu làm tăng giá xăng dầu trong nước và tác động đến mặt bằng giá. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?
PGS. TS NGÔ TRÍ LONG: - Premium là khoản phải trả cho các nhà cung cấp xăng dầu, coi như lợi nhuận của bên bán. Khoản này không cố định mà thay đổi khác nhau, tùy nhà cung cấp và thời điểm.
Còn Premium đưa vào tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước tối đa không cao hơn giá thế giới bình quân, nhân (x) với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất đối với mặt hàng xăng dầu theo cam kết quốc tế (trường hợp thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất đối với xăng dầu lớn hơn 0%).
Giá thế giới bình quân làm cơ sở so sánh, được xác định trên cơ sở bình quân theo sản lượng của giá xăng dầu thế giới thực tế mua bán của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong kỳ tính toán.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc điều hành giá xăng dầu phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - người dân và doanh nghiệp, đặc biệt đảm bảo sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Xăng dầu là mặt hàng vật tư chiến lược quan trọng, giá xăng dầu có tác động ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới mặt bằng giá cả hàng hóa, tới CPI của nền kinh tế.
Ổn định kinh tế vĩ mô luôn là mục tiêu quan trọng trong việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước.  Do vậy, việc xem xét các yếu tố trong cấu thành giá bán lẻ xăng dầu, trong đó có chi phí kinh doanh và Premium phải thận trọng, chính xác, đảm bảo lợi ích của các bên.
- Quan điểm của ông thế nào khi có ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng điều hành giá xăng dầu chỉ coi trọng thành tích là giữ giá xăng dầu ổn định mà không chú ý đến lợi ích của các doanh nghiệp xăng dầu?
- Tôi cho rằng những ý kiến này là chưa chuẩn xác, không thỏa đáng, chỉ nhìn một phía, không nhìn toàn cục. Trong thực tế, khi các khoản chi phí của doanh nghiệp bị đội lên, cơ quan quản lý nhà nước đã điều chỉnh tăng chi phí định mức liên quan đến nguồn xăng dầu nhập khẩu kể từ kỳ điều hành giá ngày 11-10-2022.
Tại kỳ điều hành này, do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh cùng với việc tỷ giá USD/VNĐ tăng, một số chi phí kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Tài chính công bố điều chỉnh tăng nhẹ, nên giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu đã tăng thêm từ 560 - 1.979 đồng/lít tùy loại. Trong đó, để hỗ trợ cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích mức Quỹ Bình ổn giá cho mặt hàng xăng dầu để hạn chế mức tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Đó chính là sự chia sẻ của Nhà nước với doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay. Đối với người tiêu dùng cũng phải chấp nhận tăng nếu giá thế giới tăng. Tuy nhiên, nếu giá tăng quá cao trong khi giá thế giới thấp, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và có lợi cho doanh nghiệp thì không thể chấp nhận được. 
- Thưa ông, điểm bất cập lớn nhất trong quản lý và điều hành thị trường xăng dầu trong nước hiện nay là gì?
- Với thị trường kinh doanh xăng dầu hiện nay, chúng ta chỉ cần phân vai quản lý sao cho đúng và trúng theo quy định. Vướng mắc như vừa qua là do vai quản lý chưa đúng, dẫn đến đùn đẩy, “đá bóng” trách nhiệm cho nhau.
Điều này dẫn đến hệ quả một số vướng mắc nảy sinh, trong đó đáng chú ý là cần phải tính toán xây dựng bộ máy phân phối xăng dầu một cách tinh gọn, linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất. Nghị định 95/2021/NĐ-CP đã quy định rất rõ, chỉ cần thực hiện đúng theo Nghị định là thị trường sẽ không bất ổn. 
Tôi cũng đồng tình với các ý kiến cho rằng, vấn đề cốt lõi hiện nay là phải đảm bảo nguồn cung. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch tìm nguồn hàng phù hợp. Vừa qua xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp găm hàng, ngừng bán là bởi chu kỳ điều hành giá dài dẫn đến giá trong nước và giá thế giới chênh lệch cao. Nếu chúng ta điều chỉnh thời gian điều hành giá nhanh hơn nữa thì thị trường xăng dầu sẽ vận hành ổn định hơn.
- Thưa ông, có ý kiến cho rằng giao việc quản lý xăng dầu về một đầu mối  Bộ Công Thương là “vừa đá bóng vừa thổi còi”, bộ này có thể sẽ “chiều lòng” doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và thiếu bên thứ ba giám sát. Ông nhận định thế nào?
- Thực ra nhiều người đang có chung thắc mắc và cũng có vẻ hiểu nhầm về điều này. Ở đây có 3 khía cạnh cần nhìn nhận rõ.
Thứ nhất, Bộ Công Thương quản lý việc điều hành, kinh doanh xăng dầu song không có nghĩa là bộ này quản lý doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Đơn cử như một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang chiếm thị phần lớn ở Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp có vốn nhà nước, thuộc Ủy ban Quản lý vốn NN tại doanh nghiệp (CMSC) quản lý, chứ không phải do Bộ Công Thương quản lý. Nên việc doanh nghiệp làm ăn lỗ lãi, điều hành ra sao, còn thuộc cơ quan này giám sát.
Thứ hai, một cơ chế giám sát cũng rất quan trọng nữa mà chúng ta đang sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 theo hướng bám sát với cơ chế thị trường. Khi bám sát với thị trường cũng có nghĩa sẽ tăng sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và giá cũng phải bám sát theo thị trường, rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá, doanh nghiệp không thể tự ý tăng giá.
Thứ ba, có ý kiến lo ngại Bộ Công Thương khó khăn trong điều hành và tính giá đối với xăng dầu, bởi công việc này thuộc về Bộ Tài chính, điều này cũng chưa chuẩn xác lắm. Tôi nói đơn cử như một loại mặt hàng cũng có ý nghĩa chiến lược tương đương xăng dầu đó là điện, thì hiện nay giá bán điện trên thị trường là do Bộ Công Thương điều hành chứ đâu phải do Bộ Tài chính.
Do đó, để tránh chồng chéo trong quản lý, việc quy hẳn cho một đầu mối là một bộ quản lý, điều hành là phù hợp. Điều này sẽ giúp chấm dứt tình trạng tranh cãi và đổ lỗi trách nhiệm giữa các cơ quan cho nhau, hệ quả là làm rối thị trường và người tiêu dùng chịu thiệt.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác