Với hiệu suất kinh tế vượt trội, các mô hình kinh tế mới đang tạo ra những biến đổi căn bản trong nhiều ngành công nghiệp. Tại Việt Nam, sự phát triển của các mô hình số hóa như Uber, Grab trong lĩnh vực giao thông vận tải hay Facebook, Viber trong lĩnh vực thông tin truyền thông đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội.
Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra mâu thuẫn với mô hình doanh nghiệp truyền thống. Trước viễn cảnh các mô hình số hóa sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, việc giải quyết các bài toán này bằng các công cụ hành chính, chính sách cần cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, giúp doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh được khi nền kinh tế tham gia ngày càng bình đẳng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thách thức nữa doanh nghiệp phải đối mặt là về vấn đề thích nghi. Khi thay đổi trong cơ cấu công việc, doanh nghiệp phải học hỏi và thay đổi một cách nhanh chóng để tự động hóa các sản phẩm, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp khác để đề ra tầm nhìn chiến lược hơn, xây dựng mô hình kinh doanh riêng biệt, mới mẻ của doanh nghiệp mình. Theo đó, lãnh đạo doanh nghiệp phải có thái độ, bản lĩnh không ngừng và không ngại thay đổi. Thêm vào đó, sự phát triển của các mô hình tổ chức và công nghệ vượt trội cũng đặt ra vấn đề rất lớn về nguồn nhân lực.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford và Tập đoàn tư vấn McKinsey đưa ra dự báo về việc 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hóa trong 15 năm tới. Tỷ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam vì giá trị gia tăng của lực lượng lao động trong nước rất thấp so với mức trung bình của thế giới. Do đó, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số ngày càng trở nên cấp bách.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong 4 năm từ 2016-2020, dân số Việt Nam sẽ tăng 1,7%, số người sử dụng internet tăng 10%, sử dụng các ứng dụng xã hội tăng 25% và tính đến tháng 9-2015 Việt Nam là nước đứng đầu trong 6 nước phát triển nhất trong khu vực ASEAN về cần người lao động làm việc trong lĩnh vực lập trình. Rõ ràng chúng ta có rất nhiều cơ hội để có thể hòa nhập vào nền kinh tế số nhưng nguy cơ thụt lùi của nước ta cũng rất lớn.
Văn hóa luôn luôn thay đổi cùng với sự phát triển của xã hội, thế nên đổi mới sáng tạo là vô cùng cần thiết bởi như thế mới có thể tìm ra những hướng đi tốt hơn trong tương lai. Đổi mới sáng tạo không phải là bắt kịp theo những gì người khác đang làm mà là thể hiện sự đổi mới độc lập. Theo đó, các doanh nghiệp cần có kế hoạch hoạt động cụ thể và hiệu quả, tạo ra sự kết nối mạnh mẽ, có sự nhất trí và đồng hành của các nhóm thành viên trong công ty.
Bên cạnh đó, cần phải mạnh dạn “khai tử” những yếu tố cũ, xây dựng yếu tố mới và sinh lời, không ngại thất bại để có thể phát triển nhanh hơn, không ngừng học hỏi những kinh nghiệm tốt, và quan trọng nhất là phải đứng trên nhu cầu và tầm nhìn của khách hàng xem họ muốn gì để nâng cao hơn chất lượng dịch vụ của mình.
Vấn đề đặt ra là dù Việt Nam phát triển về các chỉ số hóa rất mạnh nhưng lại đang đứng trước nguy cơ thụt lùi. Do đó, giải pháp đầu tiên là khẩn trương giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa kết nối, hội nhập vào thời đại kinh tế số.
Tiếp theo, trong mọi lĩnh vực cần tự động hóa ở các khâu sao cho chi phí sản xuất thấp nhất, để các sản phẩm có thể cạnh tranh ở trong nước, đáp ứng các nhu cầu của khách hàng trong nước.
Thứ ba, các doanh nghiệp cần có chính sách để hợp tác với các công ty trong nước, hướng vào việc tự động hóa.
Cuối cùng, Chính phủ cần có một số chính sách như giảm thuế, hỗ trợ đầu tư, để công ty trong nước hoạt động và chiếm lĩnh thị trường trong nước, tạo đà để họ tiến ra thế giới.