Thích ứng biến đổi khí hậu: Còn nhiều việc phải làm

(ĐTTCO) - Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, ngày 28-11, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã tổ chức hội thảo “Khả năng thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) của mô hình quản lý đô thị tại TPHCM”. 
Ý kiến của các chuyên gia, sở ngành, quận huyện cho thấy, việc thích ứng BĐKH tại TPHCM có rất nhiều việc phải làm.
Quy hoạch, đầu tư bị lạc hậu
Hàng loạt vấn đề nêu ra tại buổi hội thảo cho thấy việc quy hoạch và thực hiện chưa có tầm nhìn dài hạn, TPHCM chưa sẵn sàng thích ứng với BĐKH.
Đại diện quận 2 cho biết, toàn quận có 11 phường giáp sông Sài Gòn và kênh rạch, trước đây thường bị ngập do triều cường và mưa lớn. Phường Thảo Điền bị ngập nặng nhất, đất rất dễ lún, mỗi năm lún 7cm vì nền đất phù sa. Trong 2 năm qua, thành phố nâng cấp tuyến đường ven sông và bờ tả sông Sài Gòn, xây dựng van một chiều nên ngập đỡ hơn.
Thích ứng biến đổi khí hậu: Còn nhiều việc phải làm ảnh 1 Thảm xanh trong đô thị giúp thành phố thoát nước tốt hơn
Ảnh: CAO THĂNG
Vấn đề người dân lo ngại còn lại là ngập nước mưa và khi tiến hành nâng đường thì nhà dân thụt sâu xuống. Có mặt tại buổi hội thảo, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, TS Võ Kim Cương đã bị truy về việc “kiếp trước” quy hoạch như thế nào dẫn tới khu Thảo Điền ngập sâu như vậy? “Thời đó quy hoạch khu vực này không có đắp đê, cốt nền 2m, cao độ của thành phố lúc đó là 1,43m. Nhưng thực ra không lường hết được, vì hồi đó triều cường cao nhất chỉ 1,43m nhưng nay đã lên trên 1,7m, rồi mưa lớn hơn, đồng thời lại bị lún nữa”, TS Võ Kim Cương chia sẻ.
 “Vấn đề xử lý nước thải gặp thách thức cực kỳ nghiêm trọng đối với việc BĐKH”, bà Lê Thị Phương Trúc, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng), nhận xét. Hiện nay, hệ thống thu gom nước mưa và nước thải lẫn lộn, 3 nhà máy xử lý nước thải chỉ xử lý được 7% - 8% tổng lượng nước thải của thành phố. Theo quy hoạch tổng thể, 8 nhà máy xử lý nước thải được đề xuất xây dựng và sẽ tăng công suất xử lý của các nhà máy hiện tại.
Đối với nước thải công nghiệp, các nhà máy xử lý lớn dự kiến sẽ không được hoàn thành và đưa vào vận hành trước năm 2025. Nhưng trớ trêu nhất, theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hợp tác với UBND TP và Sở TN-MT, tất cả các nhà máy xử lý nước thải hiện tại và theo kế hoạch sẽ bị ảnh hưởng do ngập lụt thường xuyên và ngập lụt cực đoan được dự tính vào năm 2050.
Nếu trong điều kiện ngập lụt nghiêm trọng, mực nước có thể đạt tới 1m - 2m, các nhà máy nằm gần những kênh chính của sông Sài Gòn và sông Đồng Nai có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ngập lụt sẽ dẫn đến các hậu quả khó lường: không thể xả nước thải đã xử lý, gây ra tràn nước thải ô nhiễm từ các nhà máy xử lý nước.
Thích ứng với BĐKH, công tác quy hoạch được đặt lên hàng đầu. Đại diện Sở QHKT cho biết, cơ quan này đang rà soát quy hoạch chung, có 3 chuyên đề liên quan đến BĐKH là hạ tầng kỹ thuật, quản lý nước, sụt lún đất tại TPHCM. Mặc dù vấn đề BĐKH được đặt lên hàng đầu để điều chỉnh quy hoạch chung nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế, sở đang hết sức nỗ lực để lồng ghép trong đồ án điều chỉnh quy hoạch.
Chuyển hướng phát triển chính
Tham luận của PGS-TS Nguyễn Minh Hòa nêu giải pháp, TPHCM cần phải chuyển hướng phát triển lên phía Bắc (Tây Bắc và Đông Bắc), đó là vùng đất cao, sẽ xây dựng các công trình lớn, tòa nhà cao tầng, khu công nghiệp lớn. Phía Nam chỉ xây dựng các công trình thấp tầng, quy mô nhỏ phát triển nông nghiệp như nuôi trồng thủy sản, trồng cây, như vậy sẽ giảm thiểu rủi ro khi bị ngập sâu và thường trực.
Đặc biệt, thành phố hiện được bảo vệ bằng một hệ thống rừng ngập mặn tự nhiên hình thành hàng trăm năm nay, đó là rừng ngập mặn Cần Giờ, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đó là những bức tường xanh có tác dụng phòng hộ trước gió và sóng biển. Hiện tại, khu vực này đang đối mặt với việc bảo vệ rất khó khăn, vì nhiều nơi lấn biển làm resort, khu du lịch, nhà ở; phá rừng lấy đất nuôi tôm; chặt cây làm củi…
Vì một tương lai lâu dài, chúng ta bằng mọi giá phải bảo vệ khu rừng ngập mặn nhằm đối phó với BĐKH đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn và quy mô lớn hơn. Giải pháp thứ hai, thành phố quy hoạch lại khu ở tại những nơi ngập nặng theo hình thức kiến trúc nén, để dành phần đất cho thảm cỏ thấm nước; giảm bớt và ngưng việc bê tông hóa bề mặt đô thị. Tiếp đó, cần hạn chế phát triển các công trình cao tầng có tải trọng lớn, công trình có khối đế lớn làm lún bề mặt thành phố; hạn chế tối đa công trình giao thông làm chậm thoát nước… 
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nhấn mạnh: “Rừng ngập mặn Cần Giờ không những là khu dự trữ sinh quyển mà còn là cơ sở cách mạng, là lá phổi của TPHCM, cần cố gắng giữ nguyên như vậy. Nhờ đó, mai này chúng ta sẽ thu được nhiều tiền hơn so với việc xây dựng nhà cao tầng nơi đó. Đó là tài sản để lại cho con cháu”. Tất cả ý kiến đóng góp tại buổi hội thảo sẽ được Viện Nghiên cứu phát triển TP tổng hợp và báo cáo UBND TPHCM.
 Chỉ “biết” chứ không “rõ”
Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, cơ quan này đã tổ chức thực hiện cuộc khảo sát với đề tài “Đánh giá khả năng thích ứng BĐKH của mô hình quản lý đô thị TPHCM”, dựa trên các mẫu như sau: 247 phiếu tại 24 quận huyện, 166 phiếu tại 20 sở ngành và 280 phiếu tại các phường xã. Kết quả cho thấy, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về BĐKH có đến 49,8% dừng lại ở mức độ “hiểu” về các khái niệm cơ bản. Đối với nhóm ngành, “nhóm quản lý về nhà ở”, bao gồm địa chính - xây dựng, nhà ở, đất đai lại hiểu biết thấp nhất. Đối với cơ cấu tổ chức và nguồn nhân lực liên quan đến BĐKH, lĩnh vực kinh tế bị đánh giá thấp nhất. Về sự phối giữa các cơ quan, công tác ứng phó với BĐKH của thành phố hiện nay phần lớn tập trung huy động lực lượng và phối hợp tham gia giữa các sở ngành, còn giữa 24 quận huyện và phường xã lại khá thấp, nhận xét chung là “ở mức dưới trung bình”.

Các tin khác