'Thiệt đơn, thiệt kép' từ TikTok Shop

(ĐTTCO) - Trong khi người tiêu dùng rơi vào “ma trận” thật giả lẫn lộn bởi những quảng cáo tràn lan trên mạng, thì ngân sách nhà nước cũng thất thu khi không kiểm soát được nguồn thuế từ TikTok Shop.
'Thiệt đơn, thiệt kép' từ TikTok Shop

Khó kiểm soát chất lượng sản phẩm

Ra đời cách đây 6 năm (2017), TikTok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội của Trung Quốc dành cho các thị trường bên ngoài Trung Quốc. Nhưng đến nay, tại Việt Nam, TikTok hoạt động như một sàn thương mại điện tử (TMĐT), có văn phòng đại diện.

Năm 2022, TikTok Shop (tính năng mua sắm mới và tiên tiến, giúp người mua và bán các sản phẩm trực tiếp trên TikTok qua video, live và tab giới thiệu sản phẩm) lần đầu tiên được ra mắt, nhanh chóng thực hiện chiến lược tung khuyến mãi để hút người dùng, như cách các sàn TMĐT phổ biến hiện nay từng làm.

TikTok Shop là một gian hàng được tích hợp trên nền tảng của TikTok. Khi người dùng xem video sẽ hiện trực tiếp link mua hàng trên đó, người dùng chỉ cần click là có thể mua hàng mà không cần phải thoát ra khỏi ứng dụng.

Để đăng ký TikTok Shop, doanh nghiệp cần có giấy phép đăng ký kinh doanh, địa chỉ kho hàng, thẻ ngân hàng, số điện thoại di động. Riêng cá nhân cần chuẩn bị CCCD thay cho giấy phép kinh doanh. Với nhịp độ nhanh và phong cách trẻ trung, không ít cửa hàng nhờ TikTok Shop mà chốt được cả trăm đơn chỉ trong vài phút. Tuy nhiên, TikTok Shop lại đang trở thành “điểm tập trung” mới của hàng giả, hàng nhái, gây bức xúc cho không ít người dùng.

Không ít người tiêu dùng đã sập bẫy “hàng tốt giá bèo” mà người bán đưa ra, và “chốt” đơn không cần suy nghĩ về nguồn gốc sản phẩm. Khi nhận về, khách hàng lại vô cùng thất vọng khi chất lượng hàng hóa không hề giống như trên livestream. Phần lớn sản phẩm quần áo, túi xách… kém chất lượng được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch hoặc tại xưởng sản xuất ở Việt Nam, do đó rất ít hàng hóa có hóa đơn, chứng từ đầy đủ.

Các sản phẩm bán chạy cũng là những mẫu nhái logo, kiểu dáng của các thương hiệu nổi tiếng. Nhiều mặt hàng bán trên TikTok Shop không đầy đủ giấy tờ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngay từ thời điểm ra mắt, TikTok Shop tuyên bố nghiêm cấm hàng giả, yêu cầu tất cả sản phẩm bán trên nền tảng là hàng thật và bảo vệ chủ sở hữu khỏi tình trạng vi phạm bản quyền, thương hiệu.

Để bán hàng có thương hiệu, chủ shop cần cung cấp bằng chứng ủy quyền thương hiệu cho TikTok. Từng sản phẩm trước khi được người bán tạo và đăng tải đều phải qua sự kiểm duyệt nghiêm ngặt. Thế nhưng, trên thực tế, bằng nhiều thủ thuật đơn giản, người bán vẫn tìm ra cách để sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng “qua mặt” nền tảng.

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, dù TikTok Shop nghiêm cấm các sản phẩm kém chất lượng, nhưng gian thương vẫn dễ dàng “lách” chính sách quản lý của nền tảng. Và mặt trái của TikTok Shop đang dần trở thành điểm tập trung mới của hàng giả, hàng vi phạm. Đồng thời, TikTok Shop cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.

Dù ra sau, nhưng vào thời điểm cuối năm 2022, doanh thu của TikTok tương đương 80% doanh thu của Lazada, gấp 4 lần Tiki. TikTok đang là “mảnh đất màu mỡ” đối với nhà bán lẻ hay doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm.

Nguy cơ thất thu thuế

Chỉ tính riêng tại thời điểm mới ra mắt, TikTok Shop chỉ áp dụng thu phí người bán với mức phí là 1% trên tổng giá trị đơn hàng, nhưng sau đó, đến tháng 10-2022, mức phí này được nâng lên thành 2,5% (đã bao gồm thuế), nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức phí 8-14% của các sàn TMĐT khác. Như vậy, việc kinh doanh trên TikTok Shop có thể giúp người bán tiết kiệm rất nhiều phần chi phí.

Không bàn đến hàng gian hàng giả, chỉ thấy việc mua bán này đang làm thất thu thuế khi cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự kiểm soát được các hoạt động kinh doanh, mua bán trên nền tảng TikTok Shop.

Đã từng có thông tin tiết lộ, hiện có đến 50% khách hàng lớn đều yêu cầu các đại lý TikTok cung cấp dịch vụ thuê tài khoản miễn thuế và không có hóa đơn - cơ sở để tính thuế, điều này cũng đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng không thể truy thu được thuế từ các cá nhân, cơ sở kinh doanh này trong khi có những cá nhân có doanh thu thuộc hàng “khủng”.

Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế, cho rằng đây đang là “kẽ hở” mà cơ quan chức năng vẫn chưa thể kiểm soát được thực sự hiệu quả. Không chỉ riêng TikTok, mà tính chung cả TMĐT, doanh thu hàng năm lên hàng chục tỷ USD, nhưng số thu thuế chưa được tương xứng, chỉ chiếm vài phần trăm, đây là điều phải xem xét lại.

Cũng theo ông Tú, thời gian qua dù đã có những nỗ lực từ cơ quan thuế đối với hình thức kinh doanh mới này, song thời gian tới đòi hỏi cần phải có những công cụ hữu hiệu hơn nữa để kiểm soát dòng thuế này. Bởi người bán hàng không cần địa chỉ kinh doanh, có thể ở bất cứ đâu để livestream và thực hiện giao dịch sẽ gây thất thu thuế.

Trong khi đó, đại diện Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cho biết đầu năm 2022, TikTok đã thông báo đến các đối tác mua quảng cáo tại Việt Nam, nếu là tổ chức có đăng ký thuế khi mua quảng cáo sẽ tự chịu trách nhiệm kê khai nộp thuế. Còn không phải là tổ chức đã đăng ký, bên mua sẽ trả thêm 10,8% tiền thuế cho TikTok thu hộ để nộp lại Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế diễn ra hơn một năm qua, nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh không đăng ký thuế vẫn tránh được khoản thuế này, khi chọn cách mua quảng cáo thông qua tài khoản đi thuê của các đại lý có hợp đồng chính thức với TikTok tại Việt Nam.

Các đại lý này công khai mời chào dịch vụ cho thuê tài khoản miễn thuế và dùng nhiều cách để hạn chế tối đa việc xuất hóa đơn cho khách, để không phải kê khai thuế.

Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, khẩn trương ban hành quy trình khai thác thông tin trên Cổng thông tin TMĐT để vận hành hiệu quả Cổng tiếp nhận thông tin từ các sàn giao dịch TMĐT trong nước, khai thác tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Các tin khác