PM 2.5 gây tác hại lớn
Theo báo cáo từ Greenpeace Đông Á và Trung tâm Nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch, Trung Quốc bị thiệt hại kinh tế cao nhất do ô nhiễm không khí, lên đến 900 tỷ USD/năm, kế đến là Mỹ 600 tỷ USD và Ấn Độ 150 tỷ USD.
Cũng theo Greenpeace, ô nhiễm không khí tiếp tục gây hại cho hàng tỷ người mỗi ngày, bất chấp những nỗ lực của một số quốc gia và công ty nhằm thúc đẩy sử dụng nhiều năng lượng tái tạo và nhiên liệu sạch hơn. Đốt than, dầu và khí đốt gây ra các vấn đề sức khỏe, có khả năng dẫn đến 4,5 triệu ca tử vong sớm trên toàn thế giới mỗi năm, với 40.000 trẻ em chết trước 5 tuổi do tiếp xúc với các hạt bụi nhỏ hơn 2,5 micromet, được gọi là PM 2.5. So với các chất gây ô nhiễm khác như ozone và nitơ dioxide, PM 2.5 tác động lớn hơn đến sức khỏe và vì vậy, chi phí cho y tế do các bệnh từ PM 2.5 gây ra cũng lớn nhất. Năm 2019, khoảng 91% dân số toàn cầu sống ở những nơi có mức độ ô nhiễm không khí vượt quá các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới đặt ra.
Mỗi năm, ô nhiễm không khí từ nhiên liệu hóa thạch tước đoạt hàng triệu sinh mạng, làm tăng nguy cơ đột quỵ, ung thư phổi và hen suyễn, và chúng ta phải trả hàng ngàn tỷ USD cho chi phí y tế. Theo ông Min Woo-son, nhà vận động không khí sạch tại Greenpeace Đông Á, đây là một vấn đề có khả năng giải quyết bằng cách chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, loại bỏ các động cơ diesel, xăng và xây dựng giao thông công cộng. Bên cạnh đó, giảm dần cơ sở hạ tầng sử dụng than, dầu và khí đốt hiện có. Theo tổ chức phân tích và dự báo kinh tế Oxford Economics, trong trường hợp không có nỗ lực kiềm chế khí thải nhà kính, trái đất có thể ấm lên 20C vào năm 2050, làm giảm GDP toàn cầu 2,5%.
Bắc Kinh vẫn ô nhiễm nặng
Đáng chú ý nhất là chỉ số chất lượng không khí của TP Bắc Kinh tiếp tục thấp bất chấp các hoạt động kinh tế giảm do dịch Covid-19. Dữ liệu từ Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cho thấy, dù mức phát thải gây hại cho môi trường từ các nhà máy và phương tiện tham gia giao thông thấp do ảnh hưởng của Covid-19, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Bắc Kinh tuần qua vẫn ở mức 222, cao hơn 22 đơn vị so với ngưỡng “ô nhiễm rất không lành mạnh”. Nghiên cứu cho thấy, ô nhiễm không khí ở mức này chứa nhiều bụi mịn PM 2.5, gây nguy hại cho phổi của con người.
Bắc Kinh (Trung Quốc) vẫn đang bị ô nhiễm không khí nặng nề
Theo báo South China Morning Post, chất lượng không khí kém đã khiến một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần đẩy mạnh cuộc chiến chống ô nhiễm, bao gồm tăng cường quy định về sản xuất điện đốt than. Theo ông Ma Jun, cựu trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, hiện là Giám đốc Viện Công cộng và các vấn đề môi trường, cho rằng, ngay cả khi không có khí thải xe hơi, những khí thải công nghiệp và than cũng đủ để đẩy Bắc Kinh vào những ngày ô nhiễm nghiêm trọng liên tiếp giữa thời tiết bất lợi.
Sự bất mãn của công chúng đối với môi trường ô nhiễm được phản ánh qua các đường dây nóng trực tuyến và ngoại tuyến, với nhiều người hỏi tại sao thành phố đã thất bại trong việc ngăn chặn khói bụi độc hại ngay cả trong thời gian chưa có nhiều hoạt động kinh tế. Các chuyên gia đã đổ lỗi chất lượng không khí kém là do các chất ô nhiễm từ công nghiệp như các nhà máy thép và nhà máy nhiệt điện vẫn tiếp tục hoạt động trong thời gian nghỉ tết âm lịch. Thậm chí, ông Kebin, Trưởng khoa Môi trường của Đại học Thanh Hoa và là thành viên của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, còn cho rằng, điều kiện khí quyển không thuận lợi đã đưa các chất ô nhiễm từ các khu vực gần đó đến Bắc Kinh và “mắc kẹt” ở đó.