Báo cáo của trang Newsweek Mỹ cho biết, mặc dù Lầu Năm Góc tháng 3/2020 tuyên bố ngừng công bố số lượng binh sĩ cũng như phiên hiệu căn cứ quân sự của Mỹ nhiễm Covid-19, nhưng Văn phòng Thông tin Lầu Năm Góc vẫn sẽ định kỳ thông báo số lượng quân nhân Mỹ nhiễm virus này.
Lầu Năm góc Mỹ. Nguồn: Ifeng. |
Hiện nay, 41 tiểu bang ở Mỹ đã đưa ra thống kê về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong Quân đội Mỹ. Theo đó, hiện có ít nhất 150 căn cứ quân sự ở Hoa Kỳ bị nhiễm virus corona chủng mới và số lượng binh sĩ Mỹ nhiễm virus này đã vượt quá 2.000 người. Để ngăn chặn virus tiếp tục lây lan trong Quân đội Mỹ, Lầu Năm Góc đã đưa ra lệnh cấm trại toàn bộ 150 căn cứ quân sự, điều này cũng có nghĩa là các căn cứ này sẽ bị tê liệt trong thời gian tới.
Theo báo cáo, Quân chủng bị dịch tấn công nghiêm trọng nhất là Hải quân, tiếp theo là Lục quân, Không quân và cuối cùng là Thủy quân lục chiến. Những nơi nghiêm trọng nhất là Căn cứ Hải quân San Diego và Norfolk, căn cứ ở Jacksonville ở Florida, căn cứ San Antonio ở Texas, căn cứ Hải quân ở Washington.
Căn cứ Hải quân Mỹ dừng hoạt động vì đại dịch Covid-19. Nguồn: Ifeng. |
Căn cứ Không quân Andrew ở Maryland cũng có số lượng lớn các binh sĩ được xác nhận nhiễm bệnh. Các cơ sở huấn luyện cơ bản cho các tân binh ở San Antonio và San Diego, cũng như cơ sở huấn luyện cơ bản của Lục quân ở Fort Jackson, Nam Carolina, cũng là những điểm nóng về dịch bệnh.
4 tàu sân bay của Mỹ cũng mất khả năng chiến đấu do dịch bệnh Covid-19, Bộ Hải quân Mỹ tin rằng, phải cần thêm hơn 1 tháng thời gian nữa để có thể khôi phục một nửa khả năng chiến đấu của các tàu sân bay này.
Không chỉ vậy, Newsweek cũng đã công bố một tấm “bản đồ dịch bệnh của quân đội”, trong đó đánh dấu hơn 150 căn cứ quân sự của Mỹ đã bị dịch bệnh COVID-19 tấn công với tên căn cứ và số lượng người bị bệnh được xác nhận tại đó.
Bản đồ các căn cứ bị nhiễm Covid-19 trên toàn nước Mỹ. Nguồn: Ifeng. |
Tại các căn cứ của Mỹ ở nước ngoài, dịch bệnh COVID-19 cũng tiếp tục lan rộng trong quân đội. Quân đội Mỹ đã ngừng mọi hoạt động quân sự không thiết yếu, đình chỉ tuyển quân và huấn luyện cơ bản các tân binh. Một số lượng lớn các hoạt động quân sự của Mỹ trên thực tế đã ở trong tình trạng bị đình trệ. Dịch bệnh cũng đặt ra câu hỏi về hệ thống bảo mật. Chế độ giữ bí mật của quân đội Mỹ được thiết lập trên cơ sở lý do giữ an ninh cho quân đội hiện đang hứng chịu sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng xung quanh các căn cứ quân sự.
Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên Bang Nga cho rằng, nếu Quân đội Mỹ vẫn không thể ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, thì Mỹ sẽ chịu tổn thất nặng nề hơn so với sự kiện Trân Châu Cảng. Ngày 7/12/1941, Hạm đội Liên hợp Nhật Bản đã phát động một cuộc không kích vào Trân Châu Cảng, đánh chìm nhiều tàu chiến của Mỹ, với hơn 2.000 sĩ quan và binh sĩ Mỹ thiệt mạng, làm Hạm đội Thái Bình Dương thiệt hại nặng nề.
Sự kiện Trân Châu Cảng năm 1941. Nguồn: Ifeng. |
Trong khi đó, hiện nay, 4 tàu sân bay, 1 tàu đổ bộ tấn công và 2 tàu khu trục mất đi khả năng chiến đấu, Hạm đội 7 của Mỹ mất đi khả năng thực hiện nhiệm vụ ở khu vực Tây Nam Thái Bình Dương. Báo cáo cho rằng, các lực lượng trên tàu chiến của Mỹ đã sinh hoạt cùng nhau trong một thời gian dài trên biển, điều này làm gia tăng khả năng lây lan dịch bệnh Covid-19, nếu không khống chế được, con số thiệt hại sẽ vượt qua sự kiên Trân Châu Cảng.
Mỹ hiện chưa đưa ra phản hồi nào về báo cáo này của Nga, tuy nhiên, trên thực tế, Quân đội Mỹ hiện nay đang đẩy nhanh tiến trình khống chế dịch bệnh và đã có những tiến triển tốt. Hơn nữa, đa số các quân nhân Mỹ sinh hoạt trên tàu chiến trong độ tuổi từ 19-21, đây là độ tuổi có khả năng đề kháng cao với virus corona, do đó, khó có khả năng tạo ra thiệt hại như cảnh báo của Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên Bang Nga.