Rạng sáng một ngày giữa tháng 9, tàu cá BTh 99630TS của ngư dân Nguyễn Kỳ (TP Phan Thiết) nổ máy ra khơi, nhưng vừa rời cảng cá Phan Thiết không xa thì lực lượng kiểm ngư của tỉnh Bình Thuận ra hiệu lệnh dừng lại kiểm tra. Qua kiểm tra, phát hiện thiết bị VMS trên tàu bị mất kết nối, buộc tàu phải quay trở về. Quá bất ngờ, anh Kỳ phân trần, tàu cá của anh sử dụng thiết bị VMS do Công ty L Trần cung cấp, hàng tháng đều đóng tiền phí duy trì dịch vụ đều đặn.
“Họ thu tiền, lắp thiết bị VMS, nhưng không hướng dẫn cách sử dụng nên chúng tôi không biết là thiết bị có hoạt động hay không. Khi xảy ra sự cố, tôi loay hoay tìm trung tâm để bảo hành thì mới tá hỏa vì công ty này không có chi nhánh, cơ sở bảo hành, sửa chữa ở địa phương. Hiện nay, chúng tôi không thể đi biển, hàng chục triệu đồng tiền mua đá cây, dầu, lương thực, tiền công cho lao động… xem như đổ xuống biển”, anh Kỳ than thở.
Tương tự, ngư dân Lê Văn Miền (ngụ phường Đức Long, TP Phan Thiết) đã bỏ ra số tiền hơn 18 triệu đồng để lắp đặt VMS do Công ty L Trần cung cấp. Theo định kỳ, ông Miền đóng phí thuê bao dịch vụ VMS đầy đủ. Thế nhưng, vào trung tuần tháng 9-2022, tàu cá của ông Miền đang trên đường đánh bắt hải sản trở về thì bị lực lượng kiểm ngư kiểm tra và phát hiện VMS trên tàu cá bị mất kết nối. Sau đó, tàu cá của ông Miền bị tịch thu giấy tờ và đang đứng trước nguy cơ bị ngành chức năng xử phạt 25 triệu đồng. Quá bức xúc nên sau khi trở về nhà, ông Miền đã liên hệ với phía đơn vị cung cấp thiết bị để được hỗ trợ, nhưng chưa có kết quả.
Bên cạnh Công ty L Trần, nhiều người dân địa phương còn “tố” các đơn vị khác cung cấp VMS nhưng liên tục bị mất tín hiệu, thiếu trách nhiệm trong việc hỗ trợ khách hàng khi thiết bị gặp sự cố. Ông Trần Thanh Xuân (ngụ phường Phú Hài, TP Phan Thiết) cho biết, năm 2019, ông có mua VMS do Công ty Điện tử B.A cung cấp, hàng tháng bỏ hơn 300.000 đồng để duy trì dịch vụ. Vậy nhưng vừa qua, tàu của ông Xuân bất ngờ bị lực lượng kiểm ngư thông báo thiết bị mất tín hiệu. “Khi tôi đóng tiền duy trì dịch vụ, phía nhà cung cấp khẳng định đã mở tín hiệu nên tôi tự tin ra khơi. Khi ngành chức năng kiểm tra mới biết VMS không hoạt động”, ông Xuân bức xúc.
Không chỉ vậy, Công ty B.A và Công ty L Trần còn thu phí kích hoạt lại dịch vụ do trước đó bị ngắt với giá trên 800.000 đồng/lần, trong khi một số nhà cung cấp khác thì không thu phí, hoặc thu với giá vài chục ngàn đồng/lần kích hoạt. Đặc biệt, thời gian qua, nhiều ngư dân sử dụng dịch vụ VMS của Công ty Bình Anh còn phản ánh, công ty này đã nâng phí dịch vụ từ 385.000 đồng/tháng (năm 2021) lên 415.000 đồng/tháng (năm 2022).
Theo dữ liệu trên hệ thống giám sát tàu cá của tỉnh Bình Thuận, số lượng tàu cá của địa phương bị mất tín hiệu kết nối VMS trên biển là 15-30 tàu/ngày. Số tàu mất kết nối thay đổi hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Trong đó, VMS bị mất kết nối do sóng vệ tinh không ổn định, hoặc do thiết bị bắt sóng yếu chiếm đa số. Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận cho biết, nhiều nhà cung cấp VMS dù đã thu phí thuê bao hàng tháng nhưng thiếu trách nhiệm theo dõi kết nối với nhà mạng; thiếu chế độ bảo hành, sửa chữa, chăm sóc khách hàng.
Trước những bất cập nêu trên, ngư dân tỉnh Bình Thuận mong ngành chức năng có biện pháp kiểm tra lại chất lượng thu phát sóng của một số loại VMS thường xuyên bị chập chờn, mất kết nối; đề nghị quy định khung giá dịch vụ hàng tháng thống nhất giữa các đơn vị cung cấp; có biện pháp xử phạt nghiêm khắc những đơn vị cung cấp thiết bị thiếu trách nhiệm.