Xây dựng DN đầu tàu
Trong quá trình phát triển, vai trò dẫn dắt của các DN lớn luôn rất cần thiết. DN lớn luôn giữ vai trò trung tâm trong triển khai chính sách phát triển công nghiệp hóa, là đầu tàu trong phát triển khoa học công nghệ, trợ giúp vốn, lao động, cơ sở hạ tầng sản xuất đối với DN nhỏ và vừa (DNNVV). Việc sản xuất kinh doanh của DN lớn luôn tạo ra nhu cầu cho các DNNVV tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm trung gian, dịch vụ hỗ trợ.
DN lớn là chỗ dựa để DNNVV phát triển. Khi có nhu cầu về một sản phẩm trung gian hay dịch vụ hỗ trợ, DN lớn có thể tìm đến DNNVV có điều kiện thích hợp để hướng dẫn công nghệ, hỗ trợ hạ tầng sản xuất, thậm chí giúp vốn cho DNNVV thực hiện sản xuất nhằm cung ứng cho họ. Những DN lớn có khả năng phát triển theo hướng dẫn dắt DNNVV thường được chính phủ nhiều nước hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển. Mọi chương trình, dự án đầu tư trong nước hoặc viện trợ ra nước ngoài đều nhằm mục đích tạo điều kiện cho DN lớn dẫn dắt DNNVV tham gia.
Lệch pha gây hiệu ứng ngược
Thời gian qua tại nước ta, việc hỗ trợ cho DN lớn phát triển trong các lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất ô tô, điện thoại, viễn thông… chưa tạo được hiệu ứng phát triển đối với DNNVV. Các dự án nhận được nhiều hỗ trợ và ưu đãi này của DN lớn trong nước chưa thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường, công nghệ, vốn, lao động và hạ tầng sản xuất đối với DNNVV.
Việt Nam không có lợi thế sản xuất trong các lĩnh vực công nghệ cao, nên phần lớn các DNNVV trong nước không có khả năng tham gia cùng DN lớn trong các lĩnh vực sản xuất ô tô, điện thoại… Những DN lớn được hỗ trợ từ chính sách không có định hướng phát triển vệ tinh phụ trợ cho mình từ DNNVV thông qua trợ giúp vốn, cơ sở hạ tầng sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Do vậy, Chính phủ càng hỗ trợ DN lớn thì khoảng cách giữa DN lớn với DNNVV ngày càng lớn. Đây chính là hiệu ứng ngược của chính sách hỗ trợ DN lớn hiện nay.
Chẳng hạn như khi phát triển dự án lớn về sản xuất ô tô sẽ cần đến rất nhiều chi tiết, linh kiện… cung ứng phụ trợ. Nhưng do lĩnh vực sản xuất ô tô không phải là lợi thế của Việt Nam, rất ít DNNVV trong nước tham gia, nên phải nhập khẩu từ bên ngoài. Tương tự, các ngành công nghệ cao khác đang nhận được hỗ trợ từ Chính phủ cũng góp phần thêm cho sự phân tán, rời rạc của cộng đồng DN nội, tạo cơ hội cho hàng hóa nước ngoài vào thị trường trong nước.
Hỗ trợ có chọn lọc
Không nên chấp nhận những chính sách hỗ trợ, ưu đãi riêng biệt, cục bộ mà không tạo được hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy phát triển tổng thể nền kinh tế. Do vậy, cần lựa chọn lĩnh vực hỗ trợ, ưu đãi dựa trên khả năng tham gia của nhiều DNNVV, cũng như thiết kế cơ chế cụ thể thúc đẩy liên kết giữa DN lớn với DN nhỏ.
Chỉ ưu đãi, hỗ trợ những dự án của DN lớn có định hướng nghiên cứu công nghệ, phát triển hệ thống cung ứng phụ trợ từ các DNNVV, các dự án trong những nhóm ngành DNNVV có khả năng tham gia. Theo đó, cần xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá, rà soát, bổ sung danh sách các DN giữ vai trò dẫn dắt, để có những chính sách phát triển riêng. Các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ DN theo hướng ưu tiên cho hoạt động có sự liên kết giữa DN lớn với DNNVV chẳng hạn như: DN lớn chuyển giao công nghệ sản xuất phụ trợ cho DNNVV; DN lớn hỗ trợ hạ tầng, trợ giúp vốn, nhân lực tay nghề cao cho DNNVV để sản xuất phụ trợ…
Cạnh đó, cần thúc đẩy hình thành các mối liên kết chặt chẽ giữa DN dẫn dắt với các trường/viện phù hợp với từng ngành trong việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ, đào tạo cung ứng nguồn nhân lực. Các sản phẩm sáng tạo từ hoạt động liên kết này cần được hỗ trợ của chính sách, dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Các hoạt động liên quan đến thuê tư vấn, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, áp dụng và lan tỏa công nghệ của DN lớn cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích cụ thể.
Các chính sách hỗ trợ DN phát triển không chỉ là việc riêng của các cơ quan quản lý nhà nước, mà cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Theo kinh nghiệm của các nước, các chính sách ưu đãi thường ít phát huy hiệu quả bằng chính sách trợ giúp DN. Chính sách trợ giúp DN thường đề cập đến các khía cạnh về tiếp cận thị trường, vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực, mặt bằng. Các chính sách trợ giúp được thực hiện thông qua cơ chế thúc đẩy mối liên kết giữa các chủ thể DN đầu cuối - DN phụ trợ, DN - trường/viện, DN - ngân hàng và các tổ chức cung cấp vốn.
Sở dĩ DNNVV chưa kết nối được với DN lớn trong nước, cũng như DN FDI, là do các lĩnh vực được Chính phủ hỗ trợ, ưu đãi chưa phải là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Cộng đồng DNNVV thường được hình thành và phát triển dựa trên thị trường dễ tiếp cận và nguồn đầu vào thuận lợi. Theo đó, lĩnh vực nông sản, dịch vụ du lịch… là lợi thế của Việt Nam, nên thu hút nhiều DNNVV tham gia nhất. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này lại ít có những DN lớn nhận được các trợ giúp, ưu đãi từ Chính phủ để dẫn dắt DN nhỏ. |