Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, Hà Nội có hơn 1 triệu ôtô và mỗi tháng trung bình tăng thêm khoảng 3.000 chiếc. Lượng ô tô tăng nhanh chóng khiến tình trạng thiếu bãi đỗ xe trở thành vấn đề lớn nhức nhối, nhất là tại các chung cư lớn của Hà Nội như: Linh Đàm, Kim Văn- Kim Lũ… Nhu cầu điểm đỗ xe ô tô cá nhân tăng mạnh trong khi hạ tầng không đáp ứng kịp dẫn đến tình trạng ô tô tràn ra vỉa hè, lòng đường, sân chơi xếp hàng dài.
Theo khảo sát của phóng viên, tại các tòa nhà chung cư VP 6, HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai) có hàng vạn dân cư nhưng chỉ có 1 tầng hầm để xe. Cụ thể, chung cư VP 6 Linh Đàm, chủ đầu tư xây dựng sai khi thiết kế 3 tầng hầm nhưng rút xuống chỉ còn 1 tầng hầm, mật độ sàn từ 32% tăng lên 65%, vượt 10 tầng so với giấy phép được cấp, từ 25 tầng lên 35 tầng.
Đại diện tổ dân phố cho biết, thời điểm này tòa nhà có 896 hộ dân, với hơn 3.000 nhân khẩu, bình quân 1 tầng có khoảng 10 xe ô tô dẫn tới cư dân thiếu chỗ để xe phải đi gửi xe ở các các bãi xe tự phát bên ngoài.
Chủ đầu tư xây dựng sai có trách nhiệm của chính quyền địa phương
Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải, hầu hết các chung cư trên cả nước đều không có chỗ để xe và bãi đỗ xe. “Chủ trương quy hoạch bãi xe có nhưng bị đánh lạc hướng, người ta biến “đất vàng” thành những nơi xây dựng tòa nhà chung cư mà không xây dựng bãi đỗ xe. Cách đây 7-8 năm, Hà Nội đã có chủ trương dành 400ha đất để phát triển giao thông tĩnh, trong đó xây dựng bãi đỗ xe ngầm, bãi xe trên cao… nhưng đến bây giờ dường như không có gì. Ngay chung cư tôi ở cũng không có bãi đỗ xe nào, chỉ có một vài bãi đỗ xe của cá nhân. Bãi xe của cá nhân thì phức tạp, chi phí cao…”, ông Thủy cho biết.
TS. Nguyễn Xuân Thủy cũng nhấn mạnh, cần phải làm rõ trách nhiệm của người quản lý xây dựng tại địa phương khi để chủ đầu tư xây dựng sai phép. Đối với chủ đầu tư, ngoài việc phải chịu xử phạt theo quy định pháp luật thì buộc phải đầu tư hoặc ký hợp đồng đầu tư xây dựng một bãi đỗ xe khác gần đó hay một bãi đỗ xe ngầm để người dân để xe. Cần xử phạt bằng kinh tế hơn là đập phá. “Khi công trình xong dân chưa đến ở chính quyền có giải pháp buộc chủ đầu tư xây bù diện tích bãi đỗ xe thiếu thì mới được phép cho dân vào ở thì mới có tính răn đe được, giờ dân vào ở rồi đề giải quyết cũng là rất khó khăn”, ông Thủy nêu quan điểm.
Cư dân tòa chung cư tại Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ phải đấu tranh chống ô tô lấn chiếm đường nội bộ chung cư
Theo vị chuyên gia này, vấn đề quy hoạch, lợi ích nhóm, chống lưng… ảnh hưởng rất lớn đến việc hiện thực hóa các mục tiêu quy hoạch và Hà Nội hiện nay chỉ đáp ứng 5-7% nhu cầu để xe của người dân nên dẫn đến việc để xe tràn lan trên vỉa hè, lòng đường, sân chơi chung trùm bạt che như gara giữa đường phố mà không ai bị xử phạt. Cơ quan chức năng phải làm cương quyết hơn, khoa học hơn… mới giải quyết được vấn đề chỗ để xe cho người dân.
Trao đổi với phóng viên, về trường hợp một số tòa nhà trong khu đô thị Linh Đàm thiếu trầm trọng bãi giữ phương tiện cho người dân. Cụ thể, tại chung cư VP 6 Linh Đàm cư dân kiến nghị, chủ đầu tư lấy phần diện tích tầng 1 đang cho thuê thương mại để làm nhà để xe để khắc phục phần nào việc thiếu chỗ để xe. Vị chuyên gia cho rằng, đây là ý kiến có phần hợp lý nhưng việc thực hiện là rất khó, có được hay không lại là do chính quyền. Nếu chính quyền làm một cách cương quyết, có giải pháp về vấn đề pháp luật thì có thể làm được.
Cần bài toán nghiên cứu tổng thể giao thông động và giao thông tĩnh
Nêu thực trạng về việc thiếu chỗ gửi xe của cư dân tại các chung cư, khu đô thị, ông Khương Kim Tạo, nguyên phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, câu chuyện chỗ đỗ xe ở TP Hà Nội thiếu khắp nơi, từ chung cư cũ cho đến chung cư mới không phải là vấn đề bây giờ mới nói. Chỗ đỗ xe ô tô rất khó khăn bởi vì ô tô phát triển rất nhiều nhưng số tầng hầm dành để ô tô chỉ 1-2 tầng hầm, không đủ không đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó mặt bằng bên ngoài cũng không còn nhiều diện tích như ở Linh Đàm vừa qua một số người dân phải để xe bên hè, đêm hôm bị người lạ chọc thủng lốp khiến rất nhiều người bức xúc.
TS. Khương Kim Tạo cũng cho rằng, cần có nghiên cứu bài toán tổng thể các vấn đề giao thông động và giao thông tĩnh cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Nếu chỉ đưa ra giải pháp được việc trước mắt về góc độ này thì lại mất góc độ khác.
Theo ông Tạo, việc chính quyền thực hiện dẹp hết xe chỗ này, chỗ kia để thông thoáng, người dân phải khổ cực tìm chỗ gửi xe rất xa nhà rồi đi bộ về.
“Cần phải có bài toán và nghĩ với nhau trong tình hình kinh tế-xã hội, dân cư hiện tại đang sống để đi tìm một giải pháp nào tối ưu nhất trong điều kiện có thể. Cần có định hướng việc xây dựng khu chung cư mới, đô thị mới hoàn chỉnh, còn những khu cũ tìm cách giãn dân để giảm áp lực trong trung tâm. Người có nhu cầu đi ô tô vào trung tâm ít đi và sử dụng phương tiện công cộng xe buýt, xe điện trên cao để giảm áp lực thiếu bãi dỗ xe hiện nay”- ông Tạo cho biết./.
Về việc chủ đầu tư xây dựng sai phép vượt tầng, thiếu tầng hầm... dẫn đến tăng cơ số cơ học, thiếu chỗ gửi xe của cư dân, Luật sư Trương Tiến Hùng - Công ty luật TNHH Hồng Phú cho biết: Tội Lừa dối khách hàng quy định tại Điều 198 BLHS năm 2015. Theo đó, cá nhân tổ chức nào có hành vi gian dối trong việc mua bán gây thiệt hại cho khách hàng, nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu của người khác cũng như xâm phạm trật tự quản lí thị trường thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên xây dựng tòa nhà VP 6 Linh Đàm vượt giấy phép 12 tầng, thiếu 2 tầng hầm, vượt mật độ xây dựng mỗi mặt sàn 800m2, thiếu gần 800m2 nhà sinh hoạt cộng đồng, chất lượng công trình không bảo đảm, quỹ bảo trì chưa bàn giao. Vi phạm này đã gây ra hậu quả xấu tới khách hàng và xã hội.
Cư dân mua nhà 8 năm chưa có sổ hồng, chưa thực hiện được quyền sở hữu, đặc biệt không vốn hóa để kinh doanh được, không có chỗ vui chơi cho người lớn trẻ em, khiến cho trẻ nô đùa trong hành lang rất ồn, khó chịu đối với ngày nghỉ cuối tuần.
Thiếu 2 tầng hầm dẫn đến thiếu chỗ để xe, là cơ hội cho “xã hội đen” đến thành lập bãi xe trái phép, không đủ an toàn phòng cháy chữa cháy, không có nghiệp vụ bảo vệ, mất hay xước xe không được đền, để xe trên bãi đất, ngày mưa sình lầy rất bẩn, thường xuyên đe dọa đánh cư dân. Cảnh quan xung quanh tòa nhà bị phá vỡ, bẩn thỉu nhếch nhác. Hệ thống chữa cháy hết hạn sử dụng không có quỹ bảo trì thay. Nhà không mua bán thế chấp được, vì chưa có sổ hồng, gây thiệt hại cho khách hàng trăm tỷ đồng ở VP6.
Các sai phạm này vẫn tiếp tục tiếp diễn, hơn 400 khách hàng đã làm đơn kêu cứu bao nhiêu năm nhưng chưa cơ quan chức năng nào quan tâm, người phạm tội không bị xử lý khiến người dân đặt nhiều nghi vấn rằng cơ quan chức năng cho các sai phạm này tồn tại tiếp diễn./.