Thiếu hàng nghìn công nhân quản lý vận hành đường cao tốc

Công trình giao thông cấp đặc biệt này sẽ cần khoảng 6.000 công nhân quản lý vận hành này. Nhu cầu đào tạo và nhân lực vận hành, bảo trì đường cao tốc sẽ cần rất lớn trong thời gian tới.
Tới năm 2025, cần khoảng 6.000 công nhân cho công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường cao tốc
Tới năm 2025, cần khoảng 6.000 công nhân cho công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường cao tốc

Theo tính toán của Cục Đường bộ Việt Nam, đến năm 2025 sẽ đưa vào khai thác 3.000km đường cao tốc. Nhu cầu về công nhân quản lý vận hành rất lớn. Đây là lý do để mở khóa đào tạo nghiệp vụ quản lý, khai thác và bảo trì đường cao tốc để đảm bảo có đủ nhân lực có khả năng đáp ứng vận hành sau khi các tuyến cao tốc ở nước ta hoàn thiện.

Tại lễ công bố quyết định thành lập Lớp Quản lý, khai thác và bảo trì đường cao tốc - Khóa I, ông Nguyễn Đức Phú - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng GTVT đường bộ cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ, đến năm 2025 nước ta sẽ có khoảng 3.000km và đến năm 2030 sẽ có 5.000km đường bộ cao tốc và đến năm 2050 đạt 9.014 km/41 tuyến cao tốc.

Trong đó, đối với đường cao tốc là “công trình giao thông cấp đặc biệt”, có yêu cầu về công tác quản lý, khai thác khác biệt so với những công trình đường bộ thông thường. Trong khi số lượng nhân, vật lực, đơn vị bảo trì đáp ứng tốt yêu cầu quản lý vận hành đường cao tốc trên cả nước còn hạn chế.

Cụ thể, để đáp ứng yêu cầu quản lý vận hành đường cao tốc thì trung bình cần khoảng 2 công nhân kỹ thuật/km đường. Do đó, đến năm 2025 cần khoảng 6.000 công nhân quản lý vận hành đường cao tốc, đến năm 2023 cần 10.000 công nhân.

Điều này đặt ra nhiệm vụ nặng nề với Cục Đường bộ Việt Nam trong thời gian tới sẽ thực hiện quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì một khối lượng lớn các tuyến cao tốc và hơn 25.000km quốc lộ.

Để đáp ứng nhu cầu đặt ra, Cục Đường bộ Việt Nam cùng với Tập đoàn Đèo Cả, Trường cao đẳng GTVT đường bộ thuộc Bộ GTVT phối hợp mở Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Khóa 1 về quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc là tiền đề cho việc chủ động đào tạo phát triển nguồn nhân lực bảo trì chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý bảo trì đường cao tốc.

"Trường Cao đẳng GTVT đường bộ đánh giá cao năng lực, kinh nghiệm của Tập đoàn Đèo Cả trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đặc biệt là quản lý, vận hành các công trình giao thông đường bộ. Lớp đào tạo này là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực quản lý, khai thác vận hành và bảo trì đường bộ ở Việt Nam trong tương lai gần. Hai bên sẽ nỗ lực hợp tác để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và thu hút người học, chú trọng tính ứng dụng trong công việc thực tiễn. Nhà trường sẽ đồng hành tích cực cùng Tập đoàn Đèo Cả để đảm bảo công tác đào tạo đạt hiệu quả cao nhất", ông Phú cho hay.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng GTVT đường bộ, học viên tham gia lớp bồi dưỡng là cán bộ, nhân viên kỹ thuật, bảo trì đường bộ của Tập đoàn Đèo Cả được đào tạo chuyên ngành và có thâm niên gắn bó với Tập đoàn. Tham gia khóa học, các học viên sẽ được các giảng viên, chuyên gia giàu kinh nghiệm về quản lý, khai thác dự án giao thông giảng dạy.

Nội dung giảng dạy bao gồm 5 chuyên đề, trong đó có các văn bản quy phạm pháp luật về đường cao tốc; Quản lý và bảo trì đường cao tốc; Quản lý, vận hành hệ thống giao thông thông minh (ITS) và trung tâm điều hành giao thông; Bảo đảm an toàn trong bảo trì đường cao tốc; Tuần tra, tuần kiểm và xử lý sự cố trên đường cao tốc. Mỗi khóa đào tạo được thực hiện trong một tháng theo hình thức bồi dưỡng nghiệp vụ.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá cao sự tích cực đồng hành cùng Cục và ngành giao thông của Tập đoàn Đèo Cả, đồng thời, tin tưởng rằng Tập đoàn dẫn đầu về hạ tầng giao thông này sẽ tiếp tục phối hợp với nhà trường để hoàn thành tốt khóa học, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác quản lý, vận hành các công trình đường bộ.

“Chủ trương của Bộ GTVT đã đến năm 2025 có 3.000km, đến năm 2030 phấn đấu hoàn thành 5.000km đề ra. Như vậy, mục tiêu đến năm 2025 chúng ta sẽ cần có khoảng 6.000 nhân sự, và khoảng 10.000 nhân lực chất lượng vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông đất nước”, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh.

Do đó, ông Cường cho rằng, việc khai giảng Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Khóa 1 về quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc là tiền đề cho việc chủ động đào tạo phát triển nguồn nhân lực bảo trì chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý bảo trì đường cao tốc.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh vai trò của công tác bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý vận hành, bảo trì các công trình đường cao tốc để phát huy thế mạnh, chuyên môn, kinh nghiệm, áp dụng khoa học công nghệ tân tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tập đoàn Đèo Cả. Bên cạnh đó, đại diện Tập đoàn Đèo Cả gửi lời cảm ơn Cục Đường bộ Việt Nam đã tin tưởng và kết nối để Đèo Cả và nhà trường triển khai được một khóa học chất lượng giúp giải quyết về nguồn nhân lực của doanh nghiệp, góp phần hiện thực hóa kế hoạch của Bộ GTVT.

“Chúng tôi tin tưởng rằng sự hợp tác này sẽ đem lại hiệu quả thiết thực và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của ngành giao thông nước nhà”, ông Nguyễn Quang Vĩnh bày tỏ.

Thông qua khóa học, các học viên được nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ trong quản lý dự án và bảo trì đường cao tốc. Hoàn thành khóa học, nhà trưởng sẽ tổ chức thi và cấp cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho các học viên.

Trước đó, ngày 23/4/2023, Trường cao đẳng Giao thông vận tải đường bộ và Tập đoàn Đèo Cả đã ký kết hợp tác. Theo đó, hai bên phối hợp đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tuyển dụng, thực tập, tài trợ cho các hoạt động giảng dạy của nhà trường và tổ chức chuỗi hoạt động, cụ thể hóa chiến lược đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

Hiện nay, Tập đoàn Đèo Cả đã đầu tư, xây dựng hơn 22km hầm đường bộ trong tổng số 27km đường hầm xuyên núi, hơn 300km đường cao tốc và quốc lộ, 6 cầu lớn và quản lý, vận hành nhiều dự án giao thông trọng điểm trên cả nước. Để sẵn sàng đồng hành với mục tiêu của Chính phủ đến năm 2023 hoàn thành 5.000km đường cao tốc, Tập đoàn Đèo Cả đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trong đó đào tạo phát triển nguồn nhân lực là yếu tố được chú trọng hàng đầu.

Trường cao đẳng GTVT đường bộ là đơn vị đào tạo thuộc Cục Đường bộ Việt Nam, có kinh nghiệm 63 năm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành đường bộ. Bên cạnh chương trình đào tạo quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc, nhà trường còn tổ chức một số chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ khác cho ngành giao thông.

Các tin khác