Trung bình mỗi ngày có 21 lễ hội
Nếu không tính các buổi mit-tinh kỷ niệm những sự kiện chính trị - xã hội, Việt Nam mỗi năm có bao nhiêu lễ hội? Ngành văn hóa vẫn chưa có con số thống kê đầy đủ. Tuy nhiên, nếu đem 8.000 lễ hội lớn nhỏ đang tồn tại khắp 3 miền chia đều, trung bình mỗi ngày Việt Nam có 21 lễ hội. Dân số chưa tới 100 triệu, mà chạy ngược chạy xuôi với con số lễ hội khủng khiếp như vậy, thì còn đâu sức người, sức của để xây dựng và phát triển? Lễ hội biểu trưng cho đời sống nông thôn những mùa nhàn rỗi, liệu có còn phù hợp trong thời đại công nghiệp? Vậy nhưng các loại lễ hội vẫn nảy nở để đáp ứng nhu cầu riêng của một nhóm cộng đồng nào đó.
Nhìn một cách tổng thể, chúng ta có 5 loại lễ hội. Thứ nhất là lễ hội dân gian. Thứ hai là lễ hội lịch sử cách mạng. Thứ ba là lễ hội tôn giáo. Thứ tư là lễ hội mang tính quốc tế được du nhập, như Valentine hoặc Halloween. Và thứ năm là lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch. Trong 5 loại lễ hội, thì loại lễ hội thứ 5 ngày càng nhiều, gây tốn kém và lãng phí theo kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa”.
Ở góc độ dân tộc, lễ hội là cơ hội cho người dân trở về cội người và thể hiện tinh thần quần chúng. Ngoài lễ hội Đền Hùng đã thành quốc lễ, nhiều lễ hội khác như lễ hội Chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội Bà Chúa Xứ… đã vượt khỏi quy mô tỉnh thành. Vì vậy, vấn đề khác phải đối diện là số lượng du khách tăng nhanh đến mức đột biến, làm bất cập về an ninh trật tự cũng như môi trường sinh thái.
Pha tạp lễ hội , tư duy trục lợi
Pha tạp lễ hội , tư duy trục lợi
Có không ít lễ hội dân gian đã cải biên, hoặc pha tạp và thay hình đổi dạng hoàn toàn phai nhạt bản sắc ban đầu. Tư duy trục lợi từ lễ hội cũng xuất hiện, dày đặc những ban thờ, những hòm công đức, những khay để tiền giọt dầu đà khiến vài di tích không khác gì chốn mưu cầu vật chất, suy giảm yếu tố tâm linh và cực kỳ phản cảm.
Những lễ hội bát nháo như thế này sẽ phải được chấn chỉnh.
Còn các lễ hội tín ngưỡng thì sao? Các chiêu trò bói toán, đoán quẻ, dâng sao, giải hạn, trục vong… công khai và phổ biến đến mức chốn tôn nghiêm cũng bị rẻ rúng và mỏi mệt. Ai chịu trách nhiệm? Thật khó trả lời, khi những ngôi chùa hoành tráng vẫn được mọc lên nhan nhản và trăm ngàn nhu cầu cúng kính nhang đèn hương khói vẫn được người người tham gia.
Có phải cuộc sống ngột ngạt đã làm con người sùng bái thần thánh không? Mỗi lễ hội là một cảnh ngao ngán, hết cướp phết đến cướp lộc, rồi giằng co, rồi đánh nhau… Lễ hội không thấy niềm vui no ấm, mà chỉ thấy tai ương và nhiễu loạn. Màu sắc riêng của từng lễ hội chính là chìa khóa để hóa giải những băn khoăn về lễ hội hiện nay. Đáng tiếc, chưa có ai phân định và chứng minh rành mạch. Những nhà nghiên cứu văn hóa đều có chung âu lo về cách sân khấu hóa lễ hội đã và đang được áp dụng rộng rãi.
Về mặt truyền thống, trong lễ hội không có người trình diễn cho người khác xem. Mọi người cùng tham gia, cùng sáng tạo, cùng hưởng thụ. Vậy mà, không hiểu sao lại có xu hướng tổ chức lễ hội bằng cách đưa những đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp về biểu diễn và đưa người dân trở thành… khán giả bất đắc dĩ. Điều này không đúng với bản chất của lễ hội. Bản thân người dân phải là người sáng tạo, hòa đồng với nhau trong lễ hội. Đó là lúc con người hòa đồng với thần linh, với tự nhiên. Đó là một tinh thần rất cao cả của lễ hội, mặc dù đi lễ hội người ta thấy "tả tơi", nhưng ai cũng vui, vì người ta tìm thấy cái gì đó trong lễ hội, tìm thấy sự hòa đồng, một nhu cầu, khát vọng của bản chất con người.
Phải chấn chỉnh
GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng, chấn chỉnh lễ hội là vấn đề đặt ra gần như với mọi quốc gia, và mỗi nơi có sự lựa chọn khác nhau. Có nơi chấp nhận “thả nổi”, để các lễ hội tự vận hành cho tới khi tìm được một mô hình tồn tại phù hợp với thời đại. Có nơi chủ động, cân nhắc tìm các biện pháp để giải quyết và dung hòa yếu tố này. Với Việt Nam, cái khó của chúng ta là việc không có cơ hội đi tìm sự chủ động cho mình. Sau một thời gian dài bị gián đoạn bởi chiến tranh, đến lượt rất nhiều lễ hội tại Việt Nam bị cấm đoán với lý do bài trừ mê tín. Bây giờ, khi được khôi phục lại, các lễ hội từng tồn tại từ thời phong kiến mới lúng túng đi tìm một cách tồn tại mới, trong một bối cảnh xã hội mới.
Điều này rất cần tới vai trò của Nhà nước, để giữ gìn bản sắc và tính thiêng liêng của lễ hội, đáp ứng được nhu cầu thay đổi cho phù hợp với tính lịch sử. Nhưng Nhà nước hỗ trợ tới mức nào là đủ để tránh tình trạng “Nhà nước hóa” lễ hội như đã nói ở trên lại là điều cần bàn.
Xã hội phát triển với tốc độ càng nhanh, con người ta càng có nhu cầu đến với hệ thống các giá trị tín ngưỡng để tìm sự cân bằng tâm lý cho mình. Nhưng, chính vì sự đứt gãy quá lâu, chúng ta lại mất hẳn phần kiến thức, hiểu biết về các chuẩn văn hóa, tín ngưỡng đi kèm lễ hội khi xưa.
Nhiều người vẫn nói đùa là chúng ta đang rơi vào tình trạng “loạn chuẩn” trong mùa lễ hội. Nhu cầu tín ngưỡng lớn tới mức nhiều người trẩy hội Xuân, thấy bát hương là lao tới như con thiêu thân. Lao tới một cách vô thức mà không biết mình muốn tìm cái gì, phải làm gì, không biết cả những khái niệm cơ bản mà dân gian đã đặt ra như cầu tự thì đi nơi đâu, vào hội thì nơi chính để đặt hương, dâng lễ là những chỗ nào. Đó là một điều khó và có lẽ chỉ có thể giải quyết từ từ bằng việc nâng cao nhận thức…
Nếu dùng lễ hội để kích cầu du lịch cần có bài toán quản lý hợp lý và bài toán kinh tế thấu đáo. Không thể vô tư rót ngân sách vào lễ hội mà không cân nhắc kết quả thu hoạch. |