Giờ đây, chính những cổ phiếu đắt giá đó đang tuột dốc không phanh - diễn biến mà thị trường đang lo ngại là dấu hiệu cho thấy thời kỳ "vàng son" cho nhóm cổ phiếu công nghệ đã qua.
Kể từ khi đạt mức cao kỷ lục hơn 2.000 USD/cổ phiếu hồi tháng Chín, Amazon để mất tới 18,5% giá trị cổ phiếu của họ. Sự lao dốc này diễn ra sau khi Amazon được định giá sơ bộ vào khoảng 1.000 tỷ USD dựa trên giá cổ phiếu, và trước thềm mùa mua sắm nghỉ lễ cuối năm của “gã khổng lồ thương mại điện tử."
Trong phiên 14/11, giá cổ phiếu của Amazon giảm 1,97% so với phiên trước, đóng cửa ở mức 1599,01 USD/cổ phiếu, và đưa giá trị thị trường của công ty này xuống còn khoảng chưa đến 800 tỷ USD.
Cổ phiếu của Apple, kể từ khi đạt mức đỉnh 230 USD/cổ phiếu hồi đầu tháng Mười, hiện đã để mất tới 17% sau khi công ty này đưa ra dự báo không mấy lạc quan về triển vọng doanh thu vào quý 4/2018.
Ngoài ra, việc một loạt các nhà cung ứng linh kiện của Apple cũng hạ dự báo kinh doanh cũng tác động mạnh tới “trái táo khuyết."
Trong phiên 14/11, giá cổ phiếu Apple đã giảm 2,6% xuống 187,25 USD/cổ phiếu, sau khi đã tuột dốc hơn 5% hồi phiên thứ Hai trước đó.
Ngoài Apple và Amazon, cổ phiếu của Netflix và Alphabet (công ty mẹ của Google) cũng lần lượt để mất 23% và 14% so với mức đỉnh điểm trước đó.
Nhà phân tích Jack Menke của sàn giao dịch Nasdaq cho biết giới đầu tư đã đổ tiền vào nhóm cổ phiếu công nghệ kể từ khi cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit - diễn ra hồi giữa năm 2016.
Trong chín quý liên tiếp kể từ cuộc trưng cầu dân ý này, nhóm cổ phiếu này đã ghi nhận mức tăng trung bình 7% khi nhà đầu tư bị thu hút bởi tiềm năng lợi nhuận cao từ ngành công nghệ Mỹ trong môi trường lãi suất thấp của nước này.
Ngoài ra, gói cải cách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi cuối năm ngoái cũng tạo cơ sở để trong giai đoạn hai quý đầu năm 2018, các công ty công nghệ đã sử dụng tiền thuế tiết kiệm được cho các vụ chi tiêu lớn để mua lại cổ phần hoặc trả cổ tức cho các cổ đông.
Chuyên gia Menke nói rằng rõ ràng sau một giai đoạn quá thuận lợi, đà tăng của cổ phiếu công nghệ đã “hụt hơi” và thị trường đang đối diện với quá trình điều chỉnh tự nhiên. Những điều kiện thuận lợi cũng không còn nhiều.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cam kết tiếp tục tiến trình tăng lãi suất, qua đó làm tăng chi phí đi vay cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Điều này nhiều khả năng sẽ dẫn đến nhu cầu thấp hơn khi người dân và doanh nghiệp vay ít hơn, hoặc phải chi tiêu nhiều hơn để trả nợ.
Việc tăng lãi suất tại Mỹ cũng khiến giá trị của đồng USD đi lên, song diễn biến này bị các công ty coi là “cơn gió ngược”, khiến sản phẩm của họ trở nên đắt đỏ hơn ở thị trường nước ngoài.
Trong khi đó, đà tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể chậm lại, và điều này hoàn toàn nhiều khả năng sẽ góp phần dẫn đến một cuộc suy thoái trên quy mô toàn cầu. Điều này được phần nào chứng thực vào tháng 10, khi Chính phủ Trung Quốc công bố mức tăng trưởng hàng quý yếu nhất trong chín năm qua.
Giữa bối cảnh những tranh chấp thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng chưa kết thúc và triển vọng không mấy lạc quan của kinh tế thế giới, các nhà đầu tư đang nhận thấy một nguy cơ suy thoái cao hơn nhiều so với 12 tháng trước.
Một yếu tố rủi ro khác mà các công ty công nghệ cũng phải đối mặt là việc các chính phủ đang siết chặt quản lý, từ việc xử lý dữ liệu của người dân đến tự do ngôn luận, tính công bằng và trung thực của nội dung hoặc người đứng đằng sau những thông tin được đưa lên Internet.
Những diễn biến như vậy đã khiến lòng tin của thị trường vào nhóm cổ phiếu công nghệ mất dần. Đồng thời, nhà đầu tư cũng tỏ ra chần chừ hơn khi quyết định có nên “đánh cược” vào một triển vọng tươi sáng hơn hay không cho các công ty công nghệ./.