Thời Tây Sơn đã khai thác gì ở Trường Sa và Hoàng Sa?

(ĐTTCO) - Theo chuyên gia vũ khí Vũ Đình Thanh, vào thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung đã khai thác phân chim, phân dơi tại Trường Sa, Hoàng Sa để chế tạo thuốc súng.
Thời Tây Sơn đã khai thác gì ở Trường Sa và Hoàng Sa?

Năm 2022, chuyên gia vũ khí Vũ Đình Thanh đã được Bộ KH-CN cấp bằng độc quyền sáng chế về mô phỏng "nỏ thần" An Dương Vương và được báo chí đưa tin khi cho bắn thử nghiệm mô phỏng tại khu di tích Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Hiện nay, ông Thanh tiếp tục nghiên cứu về vũ khí của người Việt trong lịch sử - những điều kỳ diệu làm nên chiến thắng vang dội của cha ông.

Theo ông Thanh, lịch sử ghi lại hình ảnh vua Quang Trung - Nguyễn Huệ trong bộ chiến bào sạm đen khói súng dẫn đầu đoàn quân chiến thắng tiến vào thành Thăng Long giữa tiếng reo hò hân hoan của binh lính và dân chúng kinh thành.

Đội quân của vua Quang Trung trong 5 ngày đã tiêu diệt hơn 30 vạn quân xâm lược nhà Thanh. Theo hịch của Tôn Sĩ Nghị (chủ tướng quân Thanh) thì đội quân nhà Thanh khi đó có 50 vạn quân và 50 vạn phu, tổng cộng là 1 triệu quân.

Kỹ sư tên lửa Vũ Đình Thanh (trái) cùng đồng nghiệp Nga

Kỹ sư tên lửa Vũ Đình Thanh (trái) cùng đồng nghiệp Nga

“Vì sao mà chiến bào của vua Quang Trung lại sạm đen khói súng? Đó là vì thời đó không chỉ đội quân của vua Quang Trung mà cả thế giới sử dụng thuốc nổ đen với thành phần chính là diêm tiêu (75%), bột than củi giã mịn (15%), lưu huỳnh (10%). Thành phần của thuốc súng hay là thuốc nổ đen chủ yếu là diêm tiêu mà diêm tiêu là từ phân chim và phân dơi mà có”, ông Thanh cho biết.

Nhìn ra thế giới, nước Mỹ đã có một đạo luật rất đặc biệt đó là Đạo luật phân chim. Phần đầu của Đạo luật Phân chim ghi rõ: "Bất cứ công dân nào của Mỹ tìm được tích trữ phân chim trên bất cứ hòn đảo nào, đá nào, bãi cát nào mà không thuộc quyền pháp lý của chính quyền khác và không bị công dân của chính quyền khác chiếm cứ thì sẽ thuộc về Mỹ".

Mỹ dùng cách để chiếm cứ, sở hữu các hòn đảo, bãi đá này một cách hòa bình. Thậm chí, đạo luật quy định chính phủ Mỹ có trách nhiệm mang quân đội bảo vệ quyền sở hữu các đảo có phân chim đó.

Thế kỷ 17-18, người Mỹ coi phân chim quan trọng vì thực dân châu Âu khi đó có một thứ vũ khí vượt trội là súng cho phép họ chiến thắng người bản địa da đỏ. Súng sử dụng thuốc súng với thành phần chính là diêm tiêu và diêm tiêu được sản xuất từ phân chim. Nhờ đó, thực dân châu Âu chiếm được cả châu Mỹ.

“Đạo luật phân chim của Mỹ đã mô tả các đảo như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam chúng ta. Trên các quần đảo đó có một lượng phân chim, phân dơi khổng lồ. Phân chim và dơi giàu phốt pho, là nguồn nguyên liệu vô tận để làm thuốc súng (hay còn gọi là thuốc nổ đen). Hoàng Sa, Trường Sa chính là nguồn thuốc súng vô tận đủ để vua Quang Trung khẳng định được sức mạnh quân đội vượt trội của mình”, ông Thanh phân tích.

Thuốc nổ đen và phốt pho trong hoả cầu Tây Sơn đều được chế tạo từ phân chim, phân dơi từ Hoàng Sa , Trường Sa

Thuốc nổ đen và phốt pho trong hoả cầu Tây Sơn đều được chế tạo từ phân chim, phân dơi từ Hoàng Sa , Trường Sa

Quân đội Đại Việt của vua Quang Trung có sử dụng súng hỏa mai, là thứ vũ khí phổ biến được sử dụng kể từ thế kỷ 16. Các vua nhà Lê, nhà Mạc, Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn cũng đều trang bị súng hỏa mai với số lượng khổng lồ cho quân đội. Sử sách lẫn văn học đều ghi chép các trận đánh thời đại này là “đạn bay như sao sa”.

Ca dao Đàng Trong đã ghi lại hình ảnh người lính thú: "Ngang lưng thì thắt đai vàng/Đầu đội nón dấu vai mang súng dài/Một tay thì cắp hỏa mai Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền".

Ngoài súng hỏa mai còn các vũ khí "nóng" khác như súng thần công, địa lôi. Loại vũ khí đặc biệt của vua Quang Trung là "hỏa cầu" và "hỏa hổ". Các vũ khí nóng này cần phân chim, phân dơi để làm thuốc súng.

Điều này có thể khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa có nguồn phân dơi khổng lồ, rất quan trọng đối với quân đội Đại Việt của vua Quang Trung trong chiến dịch đại phá quân Thanh năm 1789 và khẳng định sức mạnh vượt trội của quân đội Đại Việt.

Phân chim, phân dơi trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ cung cấp diêm tiêu để làm thuốc súng mà còn cung cấp một thứ vũ khí khác biệt để quân đội Đại Việt của vua Quang Trung chỉ trong có 5 ngày tiêu diệt đội quân xâm lược nhà nghề, từng mở rộng gấp đôi lãnh thổ Trung Quốc.

Theo nghiên cứu của ông Thanh (nghiên cứu này đã được sự xác nhận của các đồng nghiệp là các chuyên gia vũ khí từ NPO ALMAZ, Nga), thứ vũ khí để giúp quân đội Đại Việt của vua Quang Trung có thể chiến thắng chóng vánh quân Thanh chính là phốt pho. Phốt pho có từ phân chim và phân dơi trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các “hỏa cầu” từ thời vua Quang Trung trong bảo tàng có vỏ gang rất dày, hoàn toàn không bị vỡ ra như chúng ta thường thấy ở lựu đạn ngày nay. Thuốc nổ đen thời đó khá yếu, vì thế nếu mảnh có văng ra thì cũng không nguy hiểm.

Hỏa cầu của Tây Sơn được thiết kế với thành dày để khi nổ thì quả cầu đó không vỡ, tạo áp suất tống một thứ hoá chất, như mô tả của quân Thanh: “Nó (chỉ hỏa hổ-hỏa cầu) nhanh như sấm chớp, nóng như thò tay vào vạc dầu. Quân có tinh nhuệ đến mấy cũng không thể nào tránh và chống đỡ được. Gặp vũ khí này thì gươm đao cũng thành vô hiệu, các dụng cụ công thành, khiên mác cũng hóa vô dụng”.

Vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) - vị anh hùng kiệt xuất của lịch sử dân tộc cũng là người có những thứ vũ khí hiện đại và lợi hại nhất thời bấy giờ

Vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) - vị anh hùng kiệt xuất của lịch sử dân tộc cũng là người có những thứ vũ khí hiện đại và lợi hại nhất thời bấy giờ

Kỹ sư Thanh cùng các đồng nghiệp là các chuyên gia vũ khí tên lửa của châu Âu cho rằng, căn cứ theo mô tả trên đã ngay lập tức khẳng định rằng chất thoát ra từ hỏa cầu của Tây Sơn chính là phốt pho nguyên chất. Phốt pho nguyên chất bị bắn mạnh vào không khí ngay lập tức sẽ phản ứng với oxy, gây nên hiện tượng như sấm chớp, có nhiệt độ cao với vết bỏng phốt pho đặc trưng rất sâu khiến sử nhà Thanh mô tả lại là “da bị trợt ra như là thò tay vào trong vạc dầu”.

Chính vì sở hữu thứ vũ khí phốt pho này, nghĩa quân Tây Sơn khi vận chuyển phải bảo quản trong nước, mà người dân nhìn thấy khi hành quân cứ 2 người lính được khiêng một thuyền. Quân Tây Sơn dùng vũ khí phốt pho nên sử nhà Thanh đã viết: “Chốc lát có 5.000 quân bị chết”. Điều này đúng như vua Quang Trung tuyên bố trước trận đánh “hãy xem ta giết vài vạn tên trong một trận”.

Quân Tây Sơn luôn tấn công lúc trời tối, hỏa tiễn hỏa châu bắn tới tấp, tung hỏa cầu vào đối phương, nhờ có phốt pho nên lửa cháy dữ dội như lửa từ rồng phun ra thiêu cháy mọi thứ. Quân địch trong thành lũy bị phốt pho tiêu hủy hết sạch oxy trong không khí nên nhiều người bị chết ngạt, nếu không chết ngạt thì vì thiếu oxy sẽ bị choáng váng, tê liệt hoàn toàn không chiến đấu được. Quân Tây Sơn thừa cơ đó xông lên chém giết mà không gặp bất cứ sự phản kháng nào.

Về công nghệ sản xuất phốt pho từ phân chim và dơi, ông Thanh cho biết, đây là kinh nghiệm có từ ngàn năm nay của cha ông ta. Chỉ cần lấy đất có hỗn hợp phân và nước tiểu dơi ở các hang dơi về nấu cho khô lên là có ngay chất dễ cháy và đó cũng chính là phốt pho.

Cách làm này của quân đội Đại Việt hoàn toàn trùng hợp với cách làm của Hennig Brand (1630-1710), một nhà giả kim người Đức, đã tình cờ phát hiện ra nguyên tố hóa học phốt pho khi đang tìm kiếm “hòn đá triết gia”, một chất được cho là có thể biến kim loại cơ bản thành vàng, ông cũng được thế giới công nhận là người đầu tiên phát hiện ra phốt pho bằng cách chưng cất nước tiểu người trộn với đất).

“Điều này lý giải về chủ quyền của nước Việt Nam ta tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Các chúa Nguyễn đã thực hiện việc khai thác phân chim, phân dơi làm nguyên liệu chiến lược sống còn sản xuất thuốc súng. Nhà Tây Sơn, quân đội Đại Việt của hoàng đế Quang Trung khai thác nguồn nguyên liệu này để chế tạo thuốc súng, phốt pho. Chính phốt pho đã trở thành thứ vũ khí để vua Quang Trung bách chiến bách thắng, thống nhất đất nước, đại thắng quân Xiêm, đại thắng quân Thanh mà sử sách đã ghi”, ông Thanh khẳng định.

Các tin khác