Hào khí trống trận Tây Sơn

Dưới chân tượng vị anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ trong Bảo tàng Quang Trung ở Tây Sơn, Bình Định, tiếng trống trận dồn dập, thôi thúc bước chân thần tốc mùa Xuân Kỷ Dậu thuở nào được tái hiện, làm nền cho bài võ "Độc kiếm" đầy biến ảo, bài võ "Song đao" dữ dội cùng các bài quyền "Thiên sư", "Ngũ môn phá trận"... càng làm tăng sức oai hùng của trống trận Tây Sơn.

Dưới chân tượng vị anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ trong Bảo tàng Quang Trung ở Tây Sơn, Bình Định, tiếng trống trận dồn dập, thôi thúc bước chân thần tốc mùa Xuân Kỷ Dậu thuở nào được tái hiện, làm nền cho bài võ "Độc kiếm" đầy biến ảo, bài võ "Song đao" dữ dội cùng các bài quyền "Thiên sư", "Ngũ môn phá trận"... càng làm tăng sức oai hùng của trống trận Tây Sơn.

Không có hồi trống lui quân

Sinh thời, Quang Trung rất thích tuồng và trống trận nên ông thường cho sử dụng trống trong các dịp lễ, đăng quang tước vị hay xuất trận. Sau bao cuộc bể dâu, trống trận Tây Sơn chính thức trở lại với người dân Bình Định vào mùng 5 tháng Giêng năm Đinh Tý (1977) nhân dịp khánh thành tượng đài Quang Trung tại Công viên Quy Nhơn do NSƯT Văn Bá Anh biểu diễn.

Hiện nay, tại Bảo tàng Quang Trung, với 30 năm chơi trống trận, nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận (50 tuổi, người làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) vẫn tiếp tục đóng vai trò lưu giữ và kế thừa giá trị truyền thống hào hùng này. Trống trận Tây Sơn bao gồm 12 chiếc trống, tượng trưng cho thập nhị địa chi (Tý, Sửu, Dần, Mão...), xếp thành 3 bậc trên giá đỡ, ứng với triết lý tam tài (Thiên - Địa - Nhân), phối hợp với kèn sona, não bạt, sanh tiền, mõ, chuông và chầu. Bài trống chia làm 3 phần: xuất quân, xung trận - công thành và ca khúc khải hoàn là sự phối âm theo tiết tấu chủ đạo của trống trận trên nền âm cổ truyền (hò, xang, xế...).

3 hồi trống đầu tiên cất lên dõng dạc như để biểu dương lực lượng: Khi hành quân, là lúc tiếng trống khoan thai hay dồn dập. Lúc vây hãm quân thù, tiếng trống thể hiện khí thế chiến đấu thần tốc, hùng dũng và ác liệt làm người xem tưởng như có súng nổ, gươm khua, ngựa hí, tiếng binh khí chạm vào nhau... Và khi đoàn quân chiến thắng ca khúc khải hoàn, là lúc tiếng trống trở nên sôi nổi, vui tươi.

Tiếng trống vang trên đất Tây Sơn không giống tiếng trống của bất cứ nơi đâu trên đất nước. Đặc biệt, trống trận Tây Sơn không có hồi lui hoặc thu quân. Điều này được lý giải trong đời cầm quân của mình, Quang Trung - vị hoàng đế có tên tuổi gắn liền với bài trống độc đáo này - chưa một lần thua trận nên đội quân của ông cũng chưa một lần phải lùi bước trước kẻ thù nào. Chính các giáo sĩ Tây phương đã so sánh Quang Trung - Nguyễn Huệ với Alexandros Đại đế (vị tướng bất khả chiến bại của Macedonia ở thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên).

Gìn giữ tinh hoa dân tộc

Nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận hiện được coi là người thể hiện thành công nhất trống trận Tây Sơn với không gian biểu diễn ngay trên mảnh đất anh em Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa. Tiếng trống cất lên là lúc nghệ nhân thi triển thân pháp, bộ pháp, nhãn pháp nhanh nhẹn, uyển chuyển như một vũ công thực thụ; đôi tay như múa trên mặt trống với những kỹ thuật ve, vỗ, bịt điêu luyện tạo nên phong cách biểu diễn đặc sắc.

Chị Thuận là truyền nhân đời thứ 9 của một dòng họ truyền thống nhạc võ từ thời Tây Sơn. Cha chị phụ trách nhạc lễ của ngôi đình làng Kiên Mỹ, nơi thờ Tây Sơn tam kiệt (Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ). Theo cha đánh trống từ khi 4, 5 tuổi, cô bé Thuận đã mang trong mình tố chất và lòng say mê tiếng trống trận. Lên 10 tuổi, cô bé Thuận đã đánh thông thạo dàn 12 trống. Tâm niệm lời cha dặn, chị Thuận luôn cố gắng gìn giữ điệu hồn của tiếng trống trận Tây Sơn khi biểu diễn như một bảo vật của dòng họ, xứ sở.

Dưới chân tượng vị anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ, vang lên những hồi trống trận cùng những bài võ đầy biến ảo và mạnh mẽ.

Dưới chân tượng vị anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ,
vang lên những hồi trống trận cùng những bài võ đầy biến ảo và mạnh mẽ.

Hiện Bảo tàng Quang Trung đã mời NSƯT Đào Duy Kiền (nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn tỉnh Bình Định) viết nhạc lý trống trận Tây Sơn phổ theo nền nhạc truyền thống để truyền dạy cho các thế hệ tiếp nối. Đội nhạc võ Tây Sơn cùng với nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận hàng năm biểu diễn trên 500 chương trình tại Bảo tàng Quang Trung, phục vụ hàng chục ngàn lượt khách trong nước và quốc tế.

Đội còn tham gia nhiều lễ hội lớn của tỉnh, thành như Hà Nội, TPHCM, Nghệ An, Huế, Vũng Tàu, Tiền Giang, Phú Thọ, Gia Lai và được mời đi biểu diễn ở Myanmar. Nghe tiếng trống của nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận, chúng ta không chỉ có cảm giác như trăm vạn hùng binh đang lớp lớp xông lên, mà còn gợi lên triết lý thấm đẫm chất nhân văn trong các cuộc trường chinh giữ nước: khoan hòa nhưng kiên quyết. Tiếng trống trận Tây Sơn được đánh giá là bản giao hưởng hùng tráng hừng hực hào khí Quang Trung, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc. 

Các tin khác