(ĐTTCO) - Nếu có dịp đến ngã tư Bảy Hiền (thuộc phường 11, quận Tân Bình) ắt hẳn mọi người sẽ cho rằng mình đang đi lạc vào một ngôi làng của người Quảng Nam. Dù âm thanh rì rầm của tiếng thoi đưa không còn nhưng cái chất Quảng vẫn còn đậm nét qua từng món ăn và giọng nói của người dân nơi đây.
Vắng tiếng thoi đưa
“Ai về thăm thành phố/Nhớ ghé đến Tân Bình/Ghé thăm cô thợ dệt/Nghe tiếng thoi rộn ràng".
Nghề dệt truyền thống Bảy Hiền từ lâu được nhiều người biết đến như là một làng nghề đặc trưng, một thời là biểu tượng của ngành tiểu thủ công nghiệp quận Tân Bình. Theo thống kê trước đây của UBND quận Tân Bình, tại làng dệt Bảy Hiền (tập trung chủ yếu tại phường 11 và một số khu vực của phường 10 và 12) có khoảng 4.000 hộ với 26.000 nhân khẩu, trong đó 70% dân sống bằng nghề dệt, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động (đa số là lao động nhập cư từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi).
Theo một số người lớn tuổi ở đây cho biết, người làm nghề dệt phần đông là dân có nghề dệt ở các huyện Trà Kiệu, Duy Xuyên, Phú Bông, Điện Bàn. Ngoài ra, còn có cả dân hồ, dân mộc ở Kim Bồng, Non Nước. Đa phần họ ở cùng làng, cùng xóm, thấy làm ăn được theo nhau vào.
Người miền Trung vốn là những người cần cù, chịu khó làm ăn. Điều này quả thật không sai nếu có dịp chứng kiến không khí làm việc khẩn trương, với âm thanh rào rào của tiếng máy dệt tại làng dệt Bảy Hiền. Vào những ngày đắt hàng, cả xóm tranh thủ dệt ngày, dệt đêm để có nhiều vải bán. Theo những người có thâm niên dệt vải tại khu Bảy Hiền, mỗi ngày máy dệt chạy khoảng 15-18 tiếng. Những ngày đầu, sản phẩm của làng dệt Bảy Hiền phần lớn là những loại vải lót như vải tám, vải xoa...
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nghề dệt không còn sung túc như những năm trước do vải Trung Quốc có giá rẻ tràn sang. Sản phẩm của làng dệt truyền thống Bảy Hiền không thể cạnh tranh và đã có nhiều người phải bỏ nghề do làm ăn thua lỗ. Một số hộ đã đầu tư mua sắm máy mới hiện đại, người có ít vốn thì đầu tư máy vài ngàn USD, người có nhiều vốn đầu tư máy lên đến hàng tỷ đồng.
“Người làm nghề dệt nhiều nhưng đâu phải ai cũng có tiền để đầu tư mua máy hiện đại nên nhiều người đã bỏ nghề. Người thì bán mì Quảng, bán tạp hóa, người chuyển sang nghề may hay sửa nhà để cho thuê, thậm chí chạy xe ôm” - chị Bảy, một trong những người làm nghề dệt truyền thống của Bảy Hiền, chia sẻ.
Hương vị quê hương
Đến khu vực Bảy Hiền, không ai không nhắc đến chợ Bà Hoa, còn có tên gọi là chợ Linh Hoa hay chợ phường 11. Theo những bậc cao niên nơi đây, bà Hoa là tên của người phụ nữ giàu nức tiếng khu vực này. Dù không phải người Quảng nhưng khi nhìn thấy người dân ở đây buôn bán trên khu đất trống “nắng bụi, mưa lầy”, bà Hoa đã tự bỏ tiền túi ra để xây dựng thành khu chợ khang trang có sạp và mái che cho bà con buôn bán. Lâu dần, người Quảng khắp nơi chuyển về đây sinh sống và mở rộng quy mô khu Bảy Hiền ra gấp nhiều lần.
Chợ Bà Hoa bày bán những đặc sản của người Quảng, từ các loại bánh, mắm cho đến món ăn truyền thống như mì Quảng. Điều đặc biệt là sản vật bán tại đây đều được đưa vào từ các tỉnh miền Trung, từ đồ tươi như cá nục, cá trích, rau thơm, rau húng, ớt xanh, dưa gang đến đồ khô như bánh tráng, củ nén, đường táng, đường phèn. Ngoài ra, tiểu thương chợ Bà Hoa còn tự tay làm những loại bánh truyền thống đậm phong vị của người Quảng như bánh thuẫn, bánh in, bánh tổ, bánh giò.
Và một trong những món đặc sản của chợ Bà Hoa chính là món bánh tráng nướng, không quá lửa nhưng không quá non nên bánh rất giòn và thơm lựng mùi mè. Vì chợ bán món Quảng nên khách hàng của khu chợ Bà Hoa phần đông là người Quảng đang sinh sống ở TPHCM, và nơi đây trở thành điểm đến không thể thiếu của những người Quảng xa quê cả ngày lẫn đêm.
Ban ngày là các bà nội trợ đến tìm mua nguyên liệu để chế biến món ăn truyền thống cho gia đình, còn từ chiều tối khu chợ này đông đúc bởi những người trẻ đến thưởng thức những món ăn đậm chất quê hương như mì Quảng, lòng xào nghệ hay đơn giản là món chè đậu ván ngọt bùi.
Điểm không thể thiếu của chợ Bà Hoa chính là chất giọng Quảng của những người đang sinh sống tại đây. Cho dù giọng nói đã không còn đậm chất Quảng nhưng với những người viễn xứ, nơi đây vẫn là điểm hẹn lý tưởng, nơi họ vừa thưởng thức được món quê hương vừa cảm nhận được chất giọng thân thương.