(ĐTTCO) - Đất nước phát triển, cuộc sống người dân, nhất là ở những đô thị, được nâng lên, kéo theo đó là hàng loạt vấn đề nảy sinh trong xã hội mà đôi khi luật theo không kịp, cũng như việc chế tài không đủ ép phê. Đó là thực tế hiện nay đã buộc người dân phải “sống chung với lũ”.
“Bom” karaoke
Sự hình thành loại hình karaoke đã có từ rất lâu, là môn giải trí lành mạnh để bạn bè, người thân và gia đình mua vui những lúc rảnh rỗi hay những ngày cuối tuần lao động vất vả hoặc để giải stress, qua đó thể hiện giọng ca… mà không bao giờ dám lên sân khấu hay hát trước đám đông. Tuy nhiên, muốn tham gia phải vào tụ điểm có giấy phép được trang bị “tận răng” với phòng máy lạnh, âm thanh hoàn hảo và cả người phục vụ.
Những nhà riêng muốn sắm được dàn karaoke để gia đình “tự sướng” hoặc chiêu đãi bạn bè phải thuộc tầm đại gia. Nhưng đó là chuyện ngày xưa, còn nay đã khác, vẫn có những tụ điểm được nâng tầm lên rất sang trọng, song cũng rất nhiều gia đình bình dân vẫn có thể sắm được dàn karaoke để “tự sướng” và “phá nhĩ” hàng xóm mà xóm tôi gọi là “bom karaoke”.
Xóm tôi thuộc dạng ít công chức, chủ yếu buôn bán. Do vậy ngày nghỉ ngơi của gia đình vào chủ nhật là ngày mà họ thường tổ chức ăn nhậu và không quên kèm theo chương trình “đại nhạc hội karaoke” sau khi “tê tê” hơi men. Cứ như lịch trình có sẵn, nếu không 9h sáng thì khoảng 5h chiều chương trình ăn nhậu bắt đầu, sau đó khoảng một đến hai giờ là tiếng hú inh ỏi của dàn âm thanh “xì cúc” khi điều chỉnh, và tiếp theo tiếng hát “ca sĩ phá nhĩ” bắt đầu bốc lên.
Lúc này các tay nhậu bắt đầu chếnh choáng hơi men, những bản nhạc bolero tình tứ bao nhiêu họ chuyển sang lệch lạc, âm thanh một đàng hát một nẻo, nói chung là đọc theo cho kịp chữ chạy trên màn hình là chính. Những thanh niên hát được nhạc trẻ rống lên với âm thanh xập xình nghe thật đinh tai, rồi cả đám cổ vũ hò hét nhảy nhót theo điệu nhạc… say.
Việc họ hát hay, dở là chuyện cá nhân, sở thích, tôi hay cả xóm không bàn, nhưng đằng này họ hát không phải trong phòng kín, mà hát trong nhà cửa nẻo được mở toang hoác. Thử hỏi với dàn âm thanh karaoke cùng với giọng hát “ca sĩ phá nhĩ” trong môi trường nhà cửa chen chúc với những con hẻm chằng chịt chỉ hơn 1m, thì không phải xóm tôi bị tra tấn mà có “thánh” cũng phải bỏ đi.
Cứ như bị tra tấn hàng tuần hết nhà này tổ chức tuần sau nhà khác xoay quần của đội nhậu trong xóm, tôi và ông bạn trong xóm ra phường khiếu nại. Một vị đại diện phòng văn hóa phường giải thích “thôi mấy anh bỏ qua, hàng xóm cả mà, hơn nữa họ hát trong nhà chứ có phải ngoài đường đâu”.
Nghe cách giải thích không thuyết phục, tôi phải chứng minh bằng luật rằng quy định hát karaoke phải như thế nào… để không phiền hàng xóm, vị cán bộ này mới dẫn chúng tôi về nơi hát bảo họ ngưng hoặc nếu hát phải vào phòng kín. Họ ngưng hát, nhưng khi vị cán bộ này về nhà tôi bị ngay cú trả đũa: Xoảng. Mở cửa ra mới thấy một chai bia bị ném vào cửa nhà, kèm theo đó là đám choai choai la hét: “Ông già kia, nếu biết điều im ngay không khiếu nại, còn thấy không chịu nổi vào nhà đóng cửa lại”.
Mấy ông bạn gần nhà khuyên, thôi bác bỏ qua đi, đám này quậy lắm, ở đây nó chẳng sợ ai đâu, liều mà. Và cũng từ đó, với sự bất lực của chính quyền địa phương, thay vì họ hát karaoke phải vào phòng kín, thì ngược lại tôi phải vào phòng mở máy lạnh gắn cả tai phone vào như trở thành thói quen.
Chuyện của tôi đem kể cho đám bạn bè trong cơ quan nghe mới thấy mình còn nhẹ. Ông bạn tôi kể, tiếng là nhà ở trung tâm thành phố (quận 3), nhưng gần nhà có một mảnh đất trống rất lớn, chắc là của Nhà nước hay bị tranh chấp nên mấy chục năm nay miếng đất “vàng” này vẫn bị “đóng băng”. Tận dụng họ cho thuê làm bãi giữ xe ô tô.
Và không kể ngày thường hay thứ bảy, chủ nhật, dàn karaoke di động được đưa vào đặt trong khu vực nhà để xe, cứ đêm xuống nhiều tiếng hát già có, trẻ có, thậm chí cả em bé đi theo người lớn cũng hát. Những tiếng hát đinh tai nhức óc trong âm thanh hỗn độn ở khu vực như “vườn không nhà trống”. Bạn tôi cũng từng ra khiếu nại với chính quyền địa phương, nhưng chẳng ăn thua vì đây là địa bàn giáp ranh 2 quận 3 và Phú Nhuận, nên trách nhiệm bị đá qua đá lại. Và cũng như tôi, khi tiếng hát cất lên, bạn tôi đưa gia đình đi chơi lòng vòng bất đắc dĩ.
“Súng” điện thoại
Chưa bao giờ mà số điện thoại di động, một thứ cá nhân riêng tư chỉ chủ nhân mới được quyền cho ai nhưng đã bị các nhà mạng đem bán công khai. Một công ty nếu cần danh sách số điện thoại, tên chủ nhân có thể dễ dàng đăng ký qua mạng để mua. Thậm chí, hầu hết ngân hàng đều buộc khách hàng khi đăng ký báo tin nhắn qua điện thoại di động các dịch vụ như dư nợ, tiền lãi, tiền điện, tiền nước… phải mặc nhiên chấp nhận mục “ngân hàng được sử dụng số điện thoại của quý khách trong việc quảng bá”.
Và thế là hệ lụy xảy ra khi những vị khách không quen đều biết số điện thoại của mình, với hàng giờ, hàng ngày chủ thuê bao bị quấy rầy bởi tin nhắn, gọi điện với đủ các loại hình mời chào mua bán, tư vấn... mà nhiều người nghe và xem tin nhắn liên hồi như bị “súng” bắn la phanh.
Có lẽ dịch vụ mời chào bán bảo hiểm là loại hình đầu tiên bị các công ty bảo hiểm khai thác qua số điện thoại cá nhân nhiều nhất. Và có lẽ ai đã sử dụng điện thoại di động ít nhất một vài lần bị nhân viên bán bảo hiểm mời chào. Đa phần người bán bảo hiểm là phụ nữ, họ có giọng nói qua điện thoại rất ngọt ngào được huấn luyện mời chào rất bài bản và điêu luyện. Nếu đã chấp nhận cho họ một cuộc hẹn để tư vấn tại nhà hay quán cà phê, y như rằng 70% sẽ ký hợp đồng mua bảo hiểm.
Đã có thời điểm đây là nghề rất hot, chỉ cần “học thuộc bài” và cách nói thu hút người nghe là ai cũng có thể tham gia làm nhân viên công ty bảo hiểm, không phân biệt đối tượng, nhưng phụ nữ có chút ngoại hình sẽ lợi thế hơn, khi ký hợp đồng là có được những món hoa hồng kha khá. Thực ra mua bảo hiểm rất có lợi mà có lẽ người mua đều biết, xem đây như là khoản tiền tích góp để phòng thân cho tương lai của chính mình và gia đình. Tuy nhiên, dần dần loại hình này cũng bão hòa, sức mua giảm nên người bán cũng tư vấn không thực, miễn sao “dụ” được người mua, và cái kết khi có sự cố không được bồi thường.
Mất uy tín, người mua giảm nên người bán phải ra sức thuyết phục bằng mọi giá, nhiều lúc người nghe muốn ngắt điện thoại cũng ngại vì lịch sự, nhưng có lúc phải phát điên lên vì “cho em xin vài phút” nhưng nói huyên thuyên. Chiêu hẹn để tư vấn lỗi thời, họ chuyển sang mời gia đình đi tham dự hội nghị với một cái tên rất hot, nếu đồng ý sẽ gửi thư mời tận nhà, khi đến nhân viên tiếp đón như khách VIP và sau đó không quên mời mua cho bằng được gói bảo hiểm.
Nghe mọi người chỉ chiêu tránh điều này rất lịch sự, bằng cách khi cô nào ngọt ngào mời tư vấn hay dự hội nghị bảo hiểm, tôi nói ngay bằng giọng Bắc, “anh đâu có ở Sài Gòn mà ở tận miền Bắc”. Người gọi chuyển hướng “em xin lỗi, chắc do bộ phận cung cấp thông tin nhầm số”. Thế là thoát nạn.
Thời gian gần đây “khủng bố” mua bảo hiểm được thay thế bằng nhắn tin mua nhà đất, chung cư. Có những thời điểm cao trào, máy điện thoại mỗi ngày nhận không dưới 10 tin nhắn mua các dự án mới. Nếu những ai đã từng mua dự án nào đó của một công ty, trong hợp đồng có ghi số điện thoại, y như rằng rất nhiều môi giới của công ty đó biết đến, họ liên tục săn chủ thuê bao để mời chào dự án mới. Thậm chí, những nhân viên văn phòng ở công ty bất động sản này còn bán cả số điện thoại của khách hàng cho công ty khác. Đó là lý do vì sao số và tên của mình mà nhiều môi giới ở nhiều công ty bất động sản đều biết.
Tin nhắn không ép phê, gần đây nhiều môi giới còn gọi trực tiếp cho khách hàng, bất kể giờ giấc ngày hay đêm để mời chào. Có lần hơn 10 giờ đêm, tiếng điện thoại reo vang, tôi hoảng lên vì giờ này người gọi có lẽ phải quen biết và chắc có điều gì đó không lành. Nhắc máy lên, một giọng miền Trung rất khó nghe “nổ” một tràng, phải mất mấy lần nói đi nói lại tôi mới hiểu họ tư vấn đầu tư “không bao giờ lỗ” ở một dự án mà “em xin tiết lộ với mình anh thôi đó”! Trời, đúng là “khủng bố” thật rồi.