(ĐTTCO) - Tranh gà treo ngày Tết là phong tục đẹp, đã đi vào những câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Hoàng Cầm: Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong /Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.
Đề tài của dòng tranh Đông Hồ rất mộc mạc, giản dị và phong phú, gần gủi với cuộc sống. Với cách vẽ khoáng đạt, xoay quanh chủ đề nông thôn, những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống lao động, những con người, cảnh vật hằng ngày đã đập vào mắt họ, bình dị, thân thương, gần gủi: Con gà, con trâu, con ngựa, con tôm, con cá…tất cả đã đi vào tâm thức con người bao đời nay.
Trong tranh dân gian Đông Hồ phổ biến có những bức:
1. Tranh Vinh hoa, vẽ em bé trai xinh tươi bụ bẫm, trong lòng ôm con gà trống là hình tượng biểu hiện cho sự ước mơ và chúc tụng các bà mẹ sinh con trai ra khỏe đẹp, lớn lên tài giỏi với đầy đủ những đức tính tốt của gà trống.
2.Tranh Gà thư hùng, gồm có con trống, con mái và đàn gà con quấn quít nhau với câu thơ chữ Nôm phụ họa trên tranh:No đủ vợ chồng, có đầu có mỏ/Lắm con nhiều cháu, giống cánh giống lông.
3. Tranh Gà đàn, vẽ cảnh gà mẹ với gà con thể hiện tình mẫu tử-gắn bó mật thiết không chỉ có ở con người mà còn có ở hầu hết các loài vật. Gà mẹ ngậm mồi, mười chú gà con ríu rít quanh mẹ.
4. Tranh Gà Đại Cát, chia làm 2 phần: Phan phía trên với 2 chữ “Đại Cát” có nghĩa là nhiều điều tốt đẹp, nhiều vận may lớn. Phần dưới vẽ con gà trống chân co chân duỗi, cánh xòe ra, lông đuôi tua lên như máu, miệng hé ra.
5. Tranh Gà dạ xướng, tranh Gà dạ xướng có dòng chữ: Ngũ canh hòa dạ xướng (5 canh con gà gáy đúng thời khắc) lại là lời nhắc nhở về chữ tín mà người đời cần nhớ qua biểu hiện tiếng gà năm canh, dù nắng mưa hay giá rét không bao giờ sai.