Thời tiết chuyển xấu, Quảng Ninh và Hải Phòng gấp rút di dời dân

(ĐTTCO) - Trưa 6-9, PV Báo SGGP có mặt tại Quảng Ninh, Hải Phòng và các địa phương được dự báo sẽ nằm trong tâm siêu bão số 3 đổ bộ.

Khẩn trương chạy bão ở tỉnh Quảng Ninh sáng 6-9

Từ khoảng 12 giờ trưa 6-9, thời tiết tại Quảng Ninh, Hải Phòng đã bắt đầu có dấu hiệu xấu. Trời mưa từng đoạn nhưng vẫn oi nóng và chưa có gió.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhịp sống vào ngày đón bão đã bắt đầu có thay đổi. Dọc tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cao tốc Hải Phòng - Vân Đồn (Quảng Ninh), lượng xe cộ vắng đáng kể. Lượng xe kéo container cũng rất thưa thớt.

Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn nhiều đoạn không bóng xe qua lại vì sắp có bão. Ảnh: QUANG PHÚC

Tại thị trấn Cái Rồng (huyện đảo Vân Đồn) trưa 6-9, các bến tàu thủy đã đóng cửa. Thị trấn vắng vẻ khác thường vì khách du lịch dừng, hoãn, hủy các tour đi tham quan các đảo. Đây cũng là địa điểm theo kế hoạch chiều nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ đến kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão số 3.

Trên bến cá Tống Bình ở tổ 14, phía Bắc thị trấn Cái Rồng, ngư dân đang khẩn trương chằng, buộc các con tàu vào bờ và neo với nhau để tránh sóng đánh, va đập khi bão đổ bộ vào.

Tàu câu mực trên vịnh Bái Tử Long về tránh bão tại bến Tống Bình trưa 6-9. Ảnh: QUANG PHÚC

Ngư dân Bùi Văn Nhất kéo tàu lên bờ, neo buộc tránh bão. Ảnh: QUANG PHÚC

Ngư dân khẩn trương neo buộc tàu tránh bão số 3 tại thị trấn Cái Rồng trưa 6-9. Ảnh: QUANG PHÚC

Ngư dân Bùi Văn Nhất chia sẻ: "Chúng tôi chủ yếu khai thác mực trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Nhận được tin bão, chúng tôi lập tức di chuyển về đây tránh trú. Đây là một bến tránh trú đã giúp tàu được an toàn qua những cơn bão trước". Ông Nhất cho biết, chiều 6-9, lượng tàu cá về tránh bão sẽ còn nhiều hơn.

Cảng tàu du lịch tại thị trấn Cái Rồng trưa 6-9 không một bóng khách du lịch. Ảnh: VIẾT CHUNG

Từ sáng sớm, các cấp chính quyền của tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương vào cuộc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về công tác ứng phó bão, đảm bảo an toàn cho người dân, tài sản và cơ sở hạ tầng...

Tại TP Hạ Long, sáng 6-9, ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long, đã kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại các điểm xung yếu, sạt lở trên địa bàn, bao gồm khu vực đồi Đặng Bá Hát (phường Hồng Gai), Trạm biến áp 110kV Yên Cư (phường Đại Yên) và khu 1B (phường Hồng Hải).

Tại khu đồi Đặng Bá Hát, đoạn kè trên tuyến đường Đặng Bá Hát thuộc tổ 13, khu 1, phường Hồng Gai, đã bị sạt lở mái taluy, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Tại tuyến kè tổ 6, khu 1B, phường Hồng Hải đã bị sạt lở nghiêm trọng do mưa từ ngày 30-7, gây hư hỏng nhà dân. Bí thư Thành ủy Hạ Long đã yêu cầu UBND phường căng phủ bạt toàn bộ tuyến kè ngay sáng 6-9, ngăn nước chảy vào khu vực thi công, đảm bảo chất lượng công trình và an toàn cho người dân.

Công tác ứng phó bão số 3 tại Hạ Long đang được triển khai khẩn trương nhằm bảo vệ an toàn cho người dân trước tình hình bão diễn biến phức tạp.

Tại TP Móng Cái, trước khi cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ, cán bộ và chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Cổ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống bão, hỗ trợ nhân dân tại các phường Trà Cổ và Bình Ngọc (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh).

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Cổ giúp người dân gia cố nhà cửa phòng chống bão số 3. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Hàng chục cán bộ, chiến sĩ đã tích cực tham gia vào việc chằng chống, gia cố nhà cửa, khơi thông cống rãnh, cắt tỉa cây xanh và tranh thủ thu hoạch hoa màu. Ngoài ra, Đồn Biên phòng còn giúp di dời phương tiện, lồng bè, tài sản và vật nuôi đến nơi tránh trú an toàn, đồng thời phối hợp với các đơn vị trên địa bàn thông báo cho thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết và nắm rõ diễn biến của bão, chủ động di chuyển, đảm bảo an toàn.

Trung tá Đào Xuân Nguyên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trà Cổ, cho biết đơn vị đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện để giúp đỡ nhân dân phòng, chống bão, đồng thời duy trì lực lượng thường trực, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, ngư dân, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Đồn Biên phòng Trà Cổ đã tổ chức tuyên truyền, vận động và hỗ trợ ngư dân đưa 346 phương tiện, 326 bè nuôi trồng hải sản và 199 tàu cá về nơi tránh trú an toàn, giúp gia cố nhà cửa, đưa tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn.

Tại huyện đảo Cô Tô, đến 10 giờ ngày 6-9, huyện đảo Cô Tô đã có gió cấp 2-3, trời nắng gắt, không có mưa. Chính quyền địa phương phối hợp cùng các lực lượng quân sự, công an, biên phòng kiểm tra công tác phòng chống bão ở các thôn, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, kiểm tra các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản.

Bộ đội biên phòng giúp người dân chằng chống nhà cửa, sơ tán đến nơi an toàn ở huyện đảo Cô Tô. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Người dân ở huyện Cô Tô gia cố mái nhà đón bão số 3. Ảnh: Báo Quảng Ninh

UBND huyện Cô Tô đã rà soát, hỗ trợ khoảng 10 hộ dân sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở hoặc có nhà quá cũ, sử dụng bao cát chằng chống mái nhà và di chuyển người vào nơi tránh trú an toàn.

Từ 11 giờ ngày 6-9, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi, đồng thời triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn trước bão. Các địa phương và lực lượng vũ trang trên địa bàn đã huy động hơn 2.663 cán bộ, chiến sĩ cùng 68 ô tô, 18 tàu, 59 xuồng và 6 xe đặc chủng sẵn sàng ứng trực.

Đến sáng 6-9, gần 5.600 tàu cá các loại đã di dời về nơi tránh trú an toàn, hơn 2.800 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển đã được gia cố và ngư dân, người lao động đã được di chuyển lên bờ để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn chủ động cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết để đảm bảo an toàn. Sở GTVT cũng yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ ứng trực tại các vị trí xung yếu như cầu Bãi Cháy, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn.

Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn trước bão, sẵn sàng phương tiện, nhân lực để ứng phó với mưa lớn tại các khai trường, hầm lò.

Ông Đỗ Thiện Bằng, Phó trưởng Ban Môi trường thuộc TKV thông tin, các đơn vị khai thác than đã tạm dừng sản xuất, di chuyển thiết bị đến nơi an toàn khi có mưa; đồng thời củng cố các đường lò, đảm bảo hệ thống phát điện, bơm nước và thông gió để duy trì an toàn.

Các tin khác