Một trong những tín hiệu khá tích cực đối với doanh nghiệp trước khi bước vào năm 2012 là việc Chính phủ khẳng định sẽ có các giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Trước lo ngại việc tăng thu năm 2012 (thu nội địa tăng bình quân 9,8%, trong đó khối ngoài quốc doanh khoảng 25%) trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, liệu có tận thu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết mức và tỷ lệ động viên năm 2012 không thay đổi.
Theo đó, năm 2012 ngân sách phấn đấu tăng thu không phải bằng tăng tỷ lệ động viên doanh nghiệp mà qua chống thất thu ở các khâu, tăng cường cưỡng chế việc nợ thuế đối với hải quan cũng như đối với thuế nội địa.
Bộ Tài chính đang nghiên cứu để trình Thường trực Chính phủ và báo cáo Chính phủ tại kỳ họp tháng 12 sắp tới. Phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2012 là có thể tiếp tục giãn, miễn, giảm thuế cho một số đối tượng. Bên cạnh đó là điều hành có lộ trình theo cơ chế thị trường đối với giá điện, than, xăng dầu, dịch vụ công thiết yếu cũng như công khai, minh bạch tình hình tài chính và hoạt động của doanh nghiệp.
Về vấn đề đầu tư, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn 5 năm (2011-2015) tăng gấp đôi năm trước; đến giai đoạn 2016-2020 tăng gấp đôi mức đầu tư của 5 năm trước.
Không đề cập cụ thể chính sách lãi suất trong năm 2012, nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Bình cũng cho biết với việc lạm phát từ tháng 8 trở lại đây giảm mạnh là tiền đề cơ bản để đặt vấn đề giảm lãi suất trong hệ thống ngân hàng thời gian tới.
NHNN cùng với các bộ, ngành theo dõi sát tình hình, đánh giá quan hệ cung cầu, diễn biến sản xuất trong nước và quốc tế để kịp thời điều chỉnh lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, NHNN đang phối hợp với các bộ, ngành soạn thảo những nội dung hướng dẫn các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng về hoạt động tín dụng áp dụng trong năm mới.
Theo đó, NHNN sẽ đề xuất Chính phủ những giải pháp cho phép khoanh nợ, xóa nợ đối với một số đối tượng gặp khó khăn trong thời gian qua. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo nguồn vốn tín dụng của ngân hàng tập trung chủ yếu cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2012.
Thông điệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh gắn với nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng được người đứng đầu Chính phủ đưa ra.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các giải pháp trọng tâm được đưa ra phải tập trung sức kiềm chế lạm phát, đưa lạm phát năm 2012 về 1 con số để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm chi phí đầu vào; ưu tiên tín dụng phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thủ tướng cũng khẳng định tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tài chính gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ chế tín dụng đầu tư hỗ trợ xuất khẩu…
Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, 9 tháng đầu năm, có trên 48.700 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 21,8% so cùng kỳ năm 2010. Khó khăn nền kinh tế diễn ra trong năm 2011 vẫn có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2012.
Điểm nhấn năm 2012 là sự tiếp nối nhất quán các chủ trương, chính sách đã thực hiện năm 2011, nhưng sẽ có sự cải thiện đáng kể một số chỉ tiêu kinh tế-tài chính vĩ mô; đặc biệt là ở mức độ lạm phát, kéo giảm lãi suất, việc cân đối ngân sách và đầu tư công, cũng như sự gia tăng quy mô và vai trò đầu tư tư nhân trong tổng đầu tư xã hội…
Với những thông điệp chính sách quan trọng Thủ tướng và các Bộ trưởng đưa ra, dù nhiều khó khăn ở phía trước nhưng cộng đồng doanh nghiệp có thể lạc quan khi các chỉ tiêu kinh tế dự báo sẽ được cải thiện cùng với các chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp. Đây sẽ là những lực đỡ quan trọng giúp doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh.