Sáng 28/7, với 477 đại biểu tán thành (chiếm 95,59% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ Nghị quyết, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 2 về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, với số phiếu tán thành cao.
Nghị quyết nêu rõ: Điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên, đồng thời tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2019 của Bộ Tài chính số tiền 2.240.210 triệu đồng (hai triệu, hai trăm bốn mươi nghìn, hai trăm mười triệu đồng); phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, với tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2.139.639.446 triệu đồng (hai tỷ, một trăm ba mươi chín triệu, sáu trăm ba mươi chín nghìn, bốn trăm bốn mươi sáu triệu đồng), bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2018 chuyển sang năm 2019, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2018, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.119.541.763 triệu đồng (hai tỷ, một trăm mười chín triệu, năm trăm bốn mươi mốt nghìn, bảy trăm sáu mươi ba triệu đồng), bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2019 sang năm 2020.
Bội chi ngân sách nhà nước là 161.490.730 triệu đồng (một trăm sáu mươi mốt triệu, bốn trăm chín mươi nghìn, bảy trăm ba mươi triệu đồng), bằng 2,67% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.
Nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương gồm: vay trong nước 123.312.361 triệu đồng (một trăm hai mươi ba triệu, ba trăm mười hai nghìn, ba trăm sáu mươi mốt triệu đồng); vay ngoài nước 38.178.369 triệu đồng (ba mươi tám triệu, một trăm bảy mươi tám nghìn, ba trăm sáu mươi chín triệu đồng).
Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 345.310.506 triệu đồng (ba trăm bốn mươi lăm triệu, ba trăm mười nghìn, năm trăm linh sáu triệu đồng).
Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban Nhân dân các cấp và các đơn vị quản lý thu, chi sử dụng ngân sách nhà nước kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 08/BC-UBTCNS15 ngày 21/7/2021 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, kết luận, kiến nghị được nêu trong Báo cáo số 181/BC-KTNN ngày 8/7/2021 của Kiểm toán nhà nước và ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban Nhân dân các cấp tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; cải cách chính sách thu-chi để cơ cấu lại thu-chi ngân sách; chấn chỉnh tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế.
Các cơ quan, địa phương chỉnh đốn công tác quản lý chi đầu tư từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán đến thực hiện và quyết toán; quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, xử lý nghiêm các trường hợp để nợ đọng xây dựng cơ bản, chuyển nguồn, tạm ứng ngân sách sai quy định, đồng thời có giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các khoản chi thường xuyên theo quy định để giảm mạnh chi chuyển nguồn, kết dư ngân sách địa phương; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Trước đó, Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết điều chỉnh dự toán chi ngân sách Nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày đã làm rõ một số vấn đề về thực hiện chính sách tài khóa năm 2019, công tác lập và giao dự toán ngân sách nhà nước, về thu, chi ngân sách nhà nước năm 2019, bội chi ngân sách nhà nước...
Theo đó, về công tác lập và giao dự toán ngân sách nhà nước, một số ý kiến cho rằng, vẫn xảy ra tình trạng lập dự toán chưa sát thực tế; có địa phương giao dự toán cao hơn sau khi Quốc hội quyết định dự toán; giao dự toán chi ngân sách trung ương nhiều lần, dẫn đến tỷ lệ giải ngân nguồn ngân sách trung ương thấp, đồng thời đề nghị giao dự toán chi đầu tư ngay từ đầu năm để các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, khoản 3 Điều 3 Dự thảo Nghị quyết đã giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp chỉnh đốn công tác phân bổ và giao dự toán; nghiêm túc rút kinh nghiệm, đổi mới trong công tác giao kế hoạch đầu tư hàng năm, không lặp lại tình trạng này trong các năm tiếp theo để bảo đảm tính chủ động và đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn của các bộ, ngành, địa phương.
Về chi ngân sách nhà nước năm 2019, có ý kiến cho rằng, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, tỷ trọng chi thường xuyên còn cao; nhiều khoản chi quan trọng không đạt dự toán; dự toán chi khoa học công nghệ và chi sự nghiệp môi trường thấp nhưng tỷ lệ giải ngân không cao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy trong năm 2019, chi đầu tư phát triển đạt 27,6% tổng chi ngân sách nhà nước, cơ bản đạt mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, chi thường thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao, bằng 65,2% tổng quyết toán chi ngân sách nhà nước, cao hơn mục tiêu đề ra là 64%.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ bám sát mục tiêu đề ra, ban hành các giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, thực hiện triệt để việc tiết kiệm chi thường xuyên, tăng nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, đảm bảo cơ cấu chi theo mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020.