Mặc dù phải tạm ngưng thi hành và qua nhiều lần sửa đổi, song cho đến nay Thông tư 20/2015 TT- BKHCN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng vẫn vấp phải sự phản ứng quyết liệt của cộng đồng DN trong hội thảo lần 3 vừa tổ chức tại TPHCM.
Bộ nói cần, DN nói không
Thông tư 20 ban hành hướng dẫn Nghị định 187/2013 đối với việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được sửa đổi nhiều lần và đồng thời cũng tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến DN. Tính đến thời điểm này đã là hội thảo lần thứ ba, song giữa cơ quan lập pháp và chủ thể chịu tác động trực tiếp vẫn chưa đạt được sự thống nhất.
Theo đại diện Ban soạn thảo Thông tư, ông Đỗ Hoài Nam, cho rằng việc ban hành Thông tư 20 là cần thiết, trước thực tiễn ngày càng nhiều DN nhập khẩu các máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ lạc hậu không đem lại hiệu quả về kinh tế, đồng thời gây tác động xấu tới môi trường đưa Việt Nam đứng trước nguy cơ trở thành bãi rác công nghiệp của thế giới.
Trái với quan điểm của Bộ Khoa học-Công nghệ (KHCN), ông Trương Quốc Tuấn, Tổng giám đốc CTCP Máy công cụ và thiết bị T.A.T, cho rằng việc hạn chế cấm đối với máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đối với các DN ngoài quốc doanh thực sự không cần thiết.
Bởi lẽ, khối DN này có thể tự quyết định việc mua sắm máy móc, thiết bị phù hợp với năng lực tài chính và tự đào thải theo quy luật của nền kinh tế thị trường. Ông Tuấn quả quyết, thực tế ngành cơ khí nói chung và ngành chế tạo máy của nước ta nói riêng đang tụt hậu từ 10-30 năm so với các nước trong khu vực.
Riêng lĩnh vực chế tạo máy công cụ, tại Việt Nam hầu như chưa có DN nào sản xuất được máy móc, thiết bị, cơ khí có chất lượng để thay thế máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Do vậy, Thông tư 20 ra đời chẳng những không giúp ích được gì cho ngành cơ khí mà còn đẩy DNNVV ngành cơ khí lùi xa so với mặt bằng chung của khu vực.
Do không đủ nguồn vốn để mua các thiết bị máy móc đắt tiền của các nước phát triển, hoặc rơi vào bẫy máy móc, thiết bị giá rẻ của Trung Quốc. Cùng chung quan điểm, ông Nestor Scherbey, Trưởng ủy ban Hải quan và thuận lợi hóa Thương mại, phòng Thương mại Hoa kỳ tại Việt Nam, kiến nghị dự thảo thông tư nhằm mục đích khuyến khích nhập khẩu máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất mới được chế tạo với công nghệ hiện đại nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mục tiêu phát triển nói chung. Đáng tiếc những hạn chế mới trong dự thảo có thể đem lại tác dụng ngược so với dự định ban đầu.
Ông đề xuất sẽ hiệu quả hơn nếu đưa ra các quy định về ưu đãi thuế và hải quan cho hoạt động đầu tư các thiết bị và công nghệ mới. Ông cho biết: “Chất lượng của những thiết bị đã qua sử dụng hoặc được tái sản xuất vẫn còn sẵn sàng trong vòng đời của sản phẩm với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ của chi phí thiết bị mới”.
Bất đồng về tiêu chí
Bên cạnh những tranh cãi tính cần thiết của Thông tư 20, hội thảo lần này vẫn không có gì mới so với các hội thảo lần trước, khi 2 tiêu chí về thời gian và chất lượng vẫn tiếp tục được đưa ra mổ xẻ.
Theo Điều 6, Điều 7 và Điều 8 của dự thảo, đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng do DN nhà nước nhập khẩu phải đáp ứng 2 điều kiện: Thời gian sử dụng không quá 10 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên. Đối với DN ngoài nhà nước, chỉ cần đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí trên. Về dây chuyền công nghệ, không phân biệt loại hình DN phải đáp ứng chất lượng còn lại từ 80% trở lên. Tương tự, đối với thiết bị, linh kiện, phụ tùng thay thế phải có chất lượng từ 70% trở lên.
Về thời gian, có 2 quan điểm: Quan điểm thứ nhất cho rằng không cần tồn tại tiêu chí này. Bởi lẽ, tuổi thọ của các chủng loại máy móc chuyên dụng rất khác nhau. Thậm chí máy cùng loại nhưng nếu được sản xuất ở các nền công nghiệp tiên tiến, phát triển thường có tuổi thọ cao gấp 4-5 lần, thậm chí hàng chục lần so với các nước đang phát triển. Quan điểm thứ hai, các DN không phản đối tiêu chí thời gian, nhưng cho rằng định mức 10 năm là quá cứng nhắc.
Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, cho rằng với các máy móc, thiết bị có liên quan đến công nghệ thông tin, điện tử, kỹ thuật số, thời hạn 10 năm là quá lạc hậu. Trong khi những loại máy móc thiết bị vận hành chủ yếu về cơ do các nước có trình độ chế tạo cơ khí ở trình độ cao sản xuất, thời gian trên quá ngắn. Một đại diện DN cho biết trên thực tế, việc mua các thiết bị đã qua sử dụng dưới 10 năm rất khó, vì chỉ trừ khi phá sản hoặc có nhu cầu đầu tư mới người ta mới bán.
DN Việt Nam thường nhập khẩu máy móc cũ để tiết kiệm chi phí. |
Đối với tiêu chí chất lượng, hầu hết các DN không đồng ý với định mức mà Ban soạn thảo đề ra. Việc định mức chất lượng còn lại từ 80% trở lên so với thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ hay từ 70% trở lên đối với linh kiện là quá cao và không có cơ sở khoa học.
Với định mức đó, các máy móc, thiết bị chẳng khác xa gì so với mới 100% nếu so sánh về mức độ tương quan về trình độ sản xuất giữa các nước. Thậm chí, nhiều người còn nghi ngờ tính khả thi của việc áp dụng định mức này trên thực tế. Để chứng minh cho nhận định này một đại diện DN lập luận: Một chiếc máy, thiết bị có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn chi tiết, trong quá trình sử dụng có sự hao mòn, hư hại khác nhau, có mức độ ảnh hưởng khác nhau đến chất lượng sản phẩm.
Làm sao có một công thức để đánh giá chính xác chất lượng còn lại của sản phẩm đó. Hơn nữa, việc giám định chất lượng cụ thể cũng không thể thực hiện bằng quan sát bình thường mà phải tháo dỡ máy ra để kiểm tra, thậm chí phải cho chạy thử một thời gian với các loại vật liệu khác nhau. Các DN quan ngại nếu thông tư không có sự sửa đổi định mức cũng như quy định chi tiết về tiêu chuẩn, thông số khoa học đối với tiêu chí này, e rằng khi triển khai sẽ phát sinh tiêu cực và gây khó khăn cho cộng đồng DN.