Thu hồi tài sản tham nhũng hơn 386.000 tỷ đồng

(ĐTTCO) - Theo các cơ quan của Quốc hội, công tác thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 386.000 tỷ đồng, kê biên 249 bất động sản và hơn 56 triệu cổ phần, cổ phiếu.
Thu hồi tài sản tham nhũng hơn 386.000 tỷ đồng

Theo báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội (chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 tới đây của Quốc hội), từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 15.177 cuộc kiểm tra việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 865 vụ việc vi phạm, 1.374 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường trên 972 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong nửa đầu nhiệm kỳ, các cấp, ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác với 111.430 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng; chú trọng xử nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.

Tuy nhiên, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá vẫn chưa nghiêm. Bản báo cáo nhận định: “Tình trạng lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Hiện tượng người dân phải “lót tay” trong giải quyết công việc… là thực trạng xảy ra đã nhiều năm nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả”.

Đặc biệt, có 934 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm thực hiện quy tắc ứng xử đã bị xử lý. Đáng ghi nhận, theo các cơ quan của Quốc hội, là công tác thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 386.000 tỷ đồng, kê biên 249 bất động sản và hơn 56 triệu cổ phần.

Một số vụ án thu hồi tài sản cao như vụ Việt Á, các bị can nhận hối lộ tự nguyện nộp số tiền hưởng lợi bất chính; cơ quan điều tra đã kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tổng tài sản thu hồi trị giá 1.600 tỷ đồng… Mặc dù vậy, số vụ có điều kiện thi hành về tiền vẫn còn tồn đọng lớn.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung việc nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kết quả phối hợp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Cũng theo báo cáo, nửa đầu nhiệm kỳ, ngành thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 337.305 tỷ đồng, 18.439 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 6.655 tập thể và 17.775 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét 1.090 vụ, 870 đối tượng.

Toàn ngành thanh tra cũng đã tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 20.091 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Qua đó đã thu hồi 5.152 tỷ đồng (đạt 47%), 663 ha đất; xử lý khác về kinh tế 1.043 tỷ (đạt 47,6%); xử lý hành chính 8.211 tổ chức (đạt 94%), 19.111 cá nhân (đạt 93%); chuyển cơ quan điều tra 245 vụ, 353 đối tượng.

“Tỷ lệ kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% nội dung phải thực hiện còn chưa cao; số tiền, tài sản thu hồi cũng còn tương đối thấp”, theo Thường trực Ủy ban Pháp luật. Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần có biện pháp, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng việc thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật để chấn chỉnh, ngăn ngừa chung cho toàn xã hội.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ làm rõ thêm kết quả thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, các bộ, ngành, địa phương có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Các tin khác