Nhiều dịp trò chuyện cùng TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan, tôi được biết những thành công mà ông đã đạt được trong vai trò nhà khoa học, doanh nhân đều có sự đồng hành, gắn kết vô cùng chặt chẽ với người vợ Bùi Thị Nhàn.
Tình yêu vượt gian khó
Đầu những năm 1980 tại Canada, một cô gái sống trong gia đình danh giá đã gặp một chàng trai xuất thân từ vùng quê nghèo ở Trà Vinh ra nước ngoài học tập và lập nghiệp. Những ấn tượng đầu tiên của bà Bùi Thị Nhàn với TS. Nguyễn Thanh Mỹ khi đó là một chàng trai giàu nghị lực, thông minh và vui tính. Vượt qua những ngăn cách không nhỏ về địa vị, xuất thân thời bấy giờ, ông bà đã nên vợ nên chồng.
![]() |
Bà Bùi Thị Nhàn bên TS. Nguyễn Thanh Mỹ khi ông nhận Huân chương Toàn quyền Canada |
Khi bà Bùi Thị Nhàn sinh con trai đầu lòng là Nguyễn Duy Brian vào năm 1985, chồng bà vẫn phải vừa đi làm vừa đi học. Năm 1991, nhận lời mời làm việc tại Tập đoàn IBM, TS. Nguyễn Thanh Mỹ và gia đình - lúc này đã có thêm 2 thành viên - đã phải chuyển sang Hoa Kỳ. Theo bà Bùi Thị Nhàn, 7 năm sống tại Hoa Kỳ có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất của gia đình nhưng tình yêu thương đã giúp tất cả vượt qua.
Năm 1997, TS. Nguyễn Thanh Mỹ thành lập Công ty American Dye Source (ADS), đặt trụ sở - cũng là nhà ở - tại New Jersey. Giai đoạn đầu khi ADS mới thành lập, TS. Nguyễn Thanh Mỹ vẫn còn đi làm tại nhiều nơi, nên bà Bùi Thị Nhàn trở thành… cộng sự của ông. Ngày đầu làm việc, bà gọi đến các công ty bán nguyên liệu, hóa chất để đặt hàng. Khi các công ty này hỏi địa chỉ, bà lại nói là nhà của mình thay vì nói tên công ty nên không được giao hàng.
Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất của bà là khi TS. Nguyễn Thanh Mỹ chế tạo thành công bột dye, dùng trong công nghệ laser. Bà là người chịu trách nhiệm theo dõi các phản ứng hóa học, mô tả cho chồng qua điện thoại. Khi sản phẩm bột dye đầu tiên được sản xuất và bán được 25.000USD, TS. Nguyễn Thanh Mỹ đã mua tặng vợ chiếc xe hơi. Một điểm khiến tôi rất khâm phục bà Bùi Thị Nhàn khi nói về những khó khăn mà mình đã trải qua rất “tỉnh”, rất gọn, chứ không “trầm trọng” hay “bi kịch” hóa và thường chú trọng kể về những niềm vui mà bà tìm thấy ở chồng, con.
- Đâu là bí quyết để bà có thể đối mặt và vượt qua khó khăn?- tôi hỏi.
- Theo tôi, chịu thương chịu khó là đức tính quý giá của người phụ nữ Việt Nam. Trong những ngày gian khó, tôi cũng không có nhiều thời gian nghĩ ngợi vì phải lo cho 3 đứa con. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng anh Mỹ là người rất giỏi, làm việc bằng sự tận tâm và đầy trách nhiệm với gia đình. Như vậy chúng tôi đã là một gia đình hạnh phúc, khó khăn từng bước sẽ vượt qua.
Đồng hành với thành công
Năm 1998, khi TS. Nguyễn Thanh Mỹ nghỉ hẳn việc để chuyên tâm điều hành ADS, công việc nghiên cứu và kinh doanh được vận hành trôi chảy. Một thời gian sau ông quyết định trở về Montreal (Canada) để phát triển ADS. Bà Nhàn phải lo các thủ tục bán nhà, chuyển trường cho các con.
“Khi đó, một số công ty bất động sản đề nghị tôi phải sửa lại căn nhà nếu không sẽ rất khó bán nhưng chi phí để sửa quá cao. Tôi phải tự đi mua từng cái công tắc điện, các miếng gỗ ốp tường, sơn lại cầu thang và 2 tuần sau đã hoàn thành. Chúng tôi đã bán được căn nhà của mình, thậm chí còn lãi gần 20.000USD” - bà Bùi Thị Nhàn kể lại.
Về lại Canada năm 1998, công việc kinh doanh và nghiên cứu khoa học của TS. Nguyễn Thanh Mỹ liên tục phát triển. Nhưng 6 năm sau, ông lại quyết định về Việt Nam đầu tư nhà máy công nghệ cao tại tỉnh Trà Vinh. Không phải là dân kinh doanh, nhưng bà Bùi Thì Nhàn cũng thấy được sự “phi lý” khi đem công nghệ cao về một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam.
Nhưng nghe chồng nói về những mục đích tốt đẹp dành cho quê hương, từ chỗ e ngại bà đã hoàn toàn ủng hộ. Sau thời gian sắp xếp công việc tại ADS và chuyện học hành của các con, bà Bùi Thị Nhàn về Việt Nam để cùng chồng xây dựng Tập đoàn Mỹ Lan.
Những ai đã từng gặp phu nhân của TS. Nguyễn Thanh Mỹ đều ấn tượng trước sự duyên dáng, sắc sảo nhưng cũng rất chân tình trong cách nói chuyện. Mái tóc ngắn, cùng phong cách ăn mặc giản dị, lịch sự khiến bà nổi bật nhưng rất gần gũi với mọi người. Sẽ không hợp lý cho lắm nếu nói bà Bùi Thị Nhàn là “nội tướng” hay “đứng sau” thành công của TS. Nguyễn Thanh Mỹ. Không chỉ trong những sự kiện quan trọng, mà ngay cả những buổi tiếp khách, gặp gỡ bạn bè, ông bà luôn song hành.
- Mỹ Lan đã có 6 năm đi vào hoạt động và phát triển, bà đã đồng hành cùng chồng qua những thời khắc khó khăn cũng như thành công nhất, vậy bà đã thực sự mãn nguyện? - tôi hỏi.
- Mỹ Lan đang trong giai đoạn chuyển tiếp sang thế hệ lãnh đạo thứ 2 nên tôi và anh Mỹ vẫn chưa có thời gian để hài lòng. Chúng tôi sẽ giúp con trai đầu của mình về Việt Nam để làm quen với môi trường kinh doanh và tham gia nhiều hơn nữa vào các hoạt động của tập đoàn.
Có một chi tiết khá thú vị là doanh nhân, TS. Nguyễn Thanh Mỹ không có thư ký riêng, mà nguyên nhân theo tôi vì bà Bùi Thị Nhàn chính là người thư ký tuyệt vời nhất, xuất sắc nhất, người thư ký của cuộc đời ông.