Theo lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả, đầu tư ngân sách cho sáng tạo các tác phẩm, chương trình nghệ thuật vẫn còn dàn trải, chưa tương xứng; xuất hiện sự khác biệt lớn giữa các địa phương có sự phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, chế độ nhuận bút, thù lao dành cho giới văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác chưa được quan tâm đúng mức và chưa thỏa đáng với công sức sáng tạo.
Cùng chung nhận định này, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, cho rằng, mức nhuận bút, thù lao theo quy định còn khá thấp, chỉ đạt khoảng 50%-70% mức thù lao so với thị trường tự do bên ngoài khu vực công. Điều này tác động lớn đến việc thu hút nghệ sĩ là những tên tuổi lớn được công chúng quan tâm tham gia các chương trình mang yếu tố chính trị; gây khó khăn trong việc vận động, mời tác giả tài năng sáng tạo các tác phẩm, chương trình có giá trị, chất lượng cao phục vụ công chúng.
Đối với các chuyên ngành khác như điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật…, quy định chi trả nhuận bút, thù lao cũng được cho là rất thấp, chỉ mang tính tượng trưng khiến cho người sáng tạo chịu “thiệt đơn, thiệt kép”.
Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất, cần sớm bổ sung quy định để tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động, trả nhuận bút, thù lao cao hơn mức bình quân chung; do người đứng đầu quyết định căn cứ vào chất lượng, thể loại nhưng không vượt quá định mức kinh tế - kỹ thuật do Nhà nước quy định, phù hợp với cơ chế tự chủ tài chính hiện nay.
Việc thay đổi này góp phần động viên, khích lệ, tạo động lực cao cho các nghệ sĩ sáng tác và tổ chức, cá nhân đầu tư sáng tạo tác phẩm và chương trình nghệ thuật chất lượng, phục vụ công chúng, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.