Anh đã phấn đấu không ngừng để năm 2017 được kết nạp Đảng, năm 2019 được dân bầu làm trưởng bản. Trở thành thủ lĩnh một bản sâu trong núi, Long đã đi đầu để dẫn dắt bà con phát triển kinh tế, xây dựng lối sống văn minh.
Phải có chữ để vượt thoát đói nghèo
Bố mẹ Long sinh được 10 người con, anh là thứ 2 trong một gia đình. Năm 10 tuổi, người cha trụ cột trong gia đình qua đời vì một cơn bạo bệnh. Bà Hồ Thị Pấy, mẹ của Long lúc đó mới 34 tuổi, một mình lên rẫy trồng sắn, xuống suối mò cua bắt ốc nuôi 11 miệng ăn. “Mùa giáp hạt, lên rừng đào củ mài, củ táy nuôi con, tôi phải kiếm cái ăn trên rừng quanh năm, bọn trẻ phải tự bảo vệ nhau trong túp lều nhỏ bên mái núi. Không có cái ăn thì ở rừng thiêng này khó sống” - bà Pấy kể.
Khó khăn vô vàn, nhưng Long vẫn được tạo điều kiện đi học. Long kể: “Từ lớp 1 em đến nhà bà con gần trường để đi học. Gia đình người bà con cũng túng nghèo, có gì ăn nấy, cơm trắng là rất hiếm, sắn độn với bắp, nhưng em vẫn cứ đi học. Con chữ cứ thế tích lũy dần, hết cấp 1 đỗ cấp 2 ra trường huyện cách 30km. Lên huyện được hỗ trợ gạo ăn nội trú nên có cơm trắng, dù thức ăn không khấm khá. Nhưng cũng đỡ hơn bao năm đi học ở bản”.
Cuối tuần Long lại về bản, bới thêm ít sắn và bắp để đủ bữa ăn hàng ngày. Có khi lũ vây, phải trèo lên mái núi, đợi cả tuần nước xuống mới về được nhà. “Có bữa đói quá, ăn nhầm quả độc, tôi ngất bên vệ đường, may người dân bản hái thuốc nhìn thấy kịp thời cứu chữa. Rồi theo cái chữ, 3 năm cấp 3 tôi được về học ở Trường Dân tộc nội trú Đồng Hới.
Nhiều bạn bè người Rục cũng muốn tiếp tục học, nhưng vì cái nghèo cực còn đeo đẳng nên phải trở lại quê nhà mưu sinh. Xong 3 năm học, tôi nhận được tấp bằng tốt nghiệp cấp 3 hạng ưu. Dù mong muốn được học thêm, thi đại học, nhưng ở nhà còn các em nhỏ, tôi quyết định nghỉ học về quê mưu sinh cùng mẹ nuôi các em” - Long chia sẻ.
Dường như ý chí quyết tâm học hành để vượt thoát đói nghèo của Long là nguồn sức mạnh để người em gái thứ 6 trong gia đình là Cao Thị Lệ Hằng (sinh năm 2004) noi gương anh trai tạo nên kỳ tích trở thành nữ sinh người Rục đầu tiên thi đỗ đại học vào năm 2022.
Người thủ lĩnh đáng tin
Về lại bản cũng là lúc bộ đội biên phòng Quảng Bình triển khai hàng chục ha lúa nước ở Mò O Ồ Ồ, Long vận dụng những kiến thức bộ đội đả thông, thức khuya dậy sớm gọi thanh niên trong bản lên đường làm lúa nước.
Đi học 12 năm, sáng dạ nên tiếp thu kiến thức nhanh, Long được dân bản tin cậy chỉ bảo, làm theo. Từ đó, Long đề nghị bà con nuôi trâu bò không nên thả rông, phải làm chuồng trại, tiêm phòng cẩn thận. “Làm chuồng trại sẽ có phân gio bón ruộng, làm vườn trâu bò không phóng uế trên đường mất vệ sinh. Khi tiêm phòng đảm bảo gia súc không dịch bệnh, tài sản bà con bảo vệ tốt hơn, nên ai cũng nghe, từ đó làng bản sạch đẹp hẳn lên” - anh Long hồ hởi chia sẻ.
Cần mẫn và chăm chỉ sát cánh cùng dân bản, năm 2016, Long được bầu làm Phó Bí thư Chi đoàn của bản, đến năm sau anh được kết nạp Đảng. Từ một bản có số người làm lúa nước thấp nhất, dưới sự dẫn dắt sức trẻ của Long, người Mò O Ồ Ồ đi trồng lúa nước đông nhất, thanh niên không la cà rượu chè, đường sá phong quang. Bản của Long trở thành bản kiểu mẫu của xã Thượng Hóa.
Năm 2019 với những thành tích dẫn dắt dân bản, Long được bầu làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản.
Ngày nay, đàn gia súc của bản Mò O Ồ Ồ phát triển nhiều, là tài sản lớn của các hộ gia đình. Mô hình chuồng trại chật chội, Long đã nêu ra ý tưởng, vây lại một khoảnh đất trong thung lũng của bản với diện tích hơn 100ha, dùng dây thép buộc lại, tạo một bãi chăn thả lý tưởng, dễ quản lý, bà con đều nghe theo, người góp sức lao động, người góp tiền mua dây thép, đóng cọc, từ đó bà con có hơn 100ha bãi chăn thả chuyên nghiệp.
Ông Hồ Cao, người cao tuổi ở bản nói: “Long suy nghĩ sát dân, ở cùng dân, đi lên cùng dân nên hiểu dân. Ý tưởng bãi chăn thả tập trung là mô hình tốt, gia súc không phá vườn tược, vệ sinh tốt nên chúng phát triển nhanh”.
Thiếu tá Đinh Lâm Viên, cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng được tăng cường tham gia sinh hoạt và làm Phó Bí thư chi bộ Mò O Ồ Ồ nói: “Long là một điển hình của am hiểu tập tục văn hóa bản địa và là người địa phương nên dân tin, làm theo. Hơn nữa anh có các ý tưởng dân sinh sát sườn với đồng bào Rục nên bà con làm theo”.
Cũng theo Thiếu tá Viên, bản Mò O Ồ Ồ trong thời gian Long dẫn dắt đã có 39 hộ trong số 77 hộ thoát nghèo, đạt 50%. Với miền xuôi, có thể bình thường, nhưng với đồng bào Rục đây là kết quả rất thành công do họ mới là thế hệ thứ 2 rời hang đá.
Tin chắc, con đường phía trước còn lắm chông gai, nhưng với Long sẽ vững chắc là thủ lĩnh, truyền cảm hứng tốt cho bà con người Rục học theo để vượt qua. Chia tay, bà con bản Mò O Ồ Ồ khoe, năm 2022, Long được ra Hà Nội dự Hội nghị biểu dương Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Ban công tác mặt trận tiêu biểu toàn quốc, và anh nhận lá cờ xuất sắc.