Sáng 29-5, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2017.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM nhận định: “Trong tháng qua, kinh tế TP.HCM tiếp tục tăng trưởng, thị trường hàng hoá được ổn định với kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao hơn so với cùng kỳ, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của TP. Ngoài ra, tình hình đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục tăng; đặc biệt tổng vốn đăng ký đầu tư trong nước tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ”.
Theo ông Sử Ngọc Anh, trong 5 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TPHCM đạt hơn 375.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN trên địa bàn TP ước đạt 14 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ 2016. Theo đánh giá, thị trường xuất khẩu tại một số nước tăng nhanh, điển hình có Singapore (tăng 142%), Malaysia (tăng 98,3%), Tây Ban Nha (tăng 50,4%); Úc (tăng 49,1%). Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu tại Philippines, Indonesia, Cambodia, Canada, Israel… có dấu hiệu chậm lại. Cùng đó, tính chung từ đầu năm đến nay, kim ngạch nhập khẩu của TP ước đạt 16,6 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016. Ngành hàng nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất (sản phẩm điện tử và linh kiện, kim loại, linh kiện, phụ tùng ô tô…).
Từ đầu năm đến nay, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn TPHCM ước thực hiện 76.466 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái; tập trung chủ yếu vào các dự án cầu, đường, hệ thống thoát nước…
TPHCM có 283 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt hơn 341 triệu USD. Ngoài ra, TP cũng chấp thuận 775 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các DN với tổng vốn góp đăng ký là 742,2 triệu USD. Trong 5 tháng đầu năm, TPHCM thu hút 1,37 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (tăng 45,8% so với cùng kỳ).
Trong đó, các khoản thu ngân sách tăng cao so cùng kỳ như thu nội địa tăng gần 23%, thu từ dầu thô tăng 27%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 9,24% so cùng kỳ. “Nền kinh tế phục hồi góp phần vào ngân sách TP, chẳng hạn như thu cổ tức và lợi nhuận được chia tăng cao, một số đơn vị có số nộp lớn như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn nộp gần 1.800 tỉ đồng”, bà Thắng nói.
Ngoài ra, trong 5 tháng có một số DN nộp tiền sử dụng đất dự án rất lớn như: Công ty TNHH Liên danh Thành phố Đế Vương nộp 2.825 tỉ đồng cho dự án tại Thủ Thiêm, Tập đoàn Tân Hoàng Minh nộp 264 tỉ đồng… góp phần cho thu ngân sách từ tiền sử dụng đất của TP trong 5 tháng tăng đến 77% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, tiền thuê đất, thuê mặt nước tại TP cũng tăng gần 30% do một số doanh nghiệp nộp tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước một lần cho cả thời gian thu của dự án.
Bà Thắng nhấn mạnh khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân trong 5 tháng cũng tăng khoảng 20% so cùng kỳ, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tăng khoảng 19% do doanh nghiệp làm ăn có lãi, thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp, trong đó phải nói đến việc chuyển nhượng vốn từ Holcim Việt Nam sang Công ty TNHH Siam City Cement nộp ngân sách số tiền 1.800 tỉ đồng.
Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn 5 tháng ước thực hiện 76.466 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 5-2017, khối lượng thực hiện tập trung chủ yếu vào các dự án cầu, đường, hệ thống thoát nước…
Tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm cụ thể như sau:
+ Dự án tuyến đường sắt Bến Thành – Suối Tiên: Trong tháng, khối lượng thực hiện lắp ghép các nhịp cầu trong tháng đạt khá cao.
+ Dự án cầu vượt thép tại nút giao Ngã 6 Gò Gấp: Hiện đã thông xe một nhánh đường Nguyễn Oanh – Nguyễn Kiệm, còn gói thầu nhánh cầu Nguyễn Oanh – Phạm Ngũ Lão, đang giải phóng mặt bằng.
+ Dự án cầu thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm: Đang làm thủ tục giải phóng mặt bằng.