Thu phí không dừng vẫn chật vật trước hạn chót

(ĐTTCO)-Lượng xe dán và sử dụng thẻ ETC đạt thấp cùng nhiều vướng mắc khác có thể khiến thu phí không dừng ETC tiếp tục vỡ tiến độ.
Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai của VEC vẫn thu phí thủ công
Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai của VEC vẫn thu phí thủ công

Khó đạt mục tiêu 90% xe dán thẻ

Mục tiêu Chính phủ đề ra cho Bộ GTVT trước tháng 6.2022 phải đạt tỷ lệ xe dán thẻ thu phí không dừng ETC là 90%. Với khoảng 5 triệu ô tô trên cả nước, con số này tương ứng với khoảng 4,5 triệu xe dán và sử dụng thẻ ETC. Tuy nhiên, theo Tổng cục Đường bộ VN, đến hết tháng 3.2022, cả nước mới đạt 2,7 triệu xe dán thẻ, khoảng 55% mục tiêu đề ra. Từ đầu năm 2022 đến nay, các nhà cung cấp dịch vụ mới dán thêm thẻ cho hơn 200.000 xe.

Theo ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty VETC, mục tiêu 90% xe dán thẻ trước tháng 6 năm nay rất khó đạt được. Đáng chú ý, dù số lượng xe dán thẻ đã thấp hơn kỳ vọng, tỷ lệ xe sử dụng thanh toán bằng tài khoản thẻ còn thấp hơn, ước tính chỉ khoảng 60 - 65% số xe đã dán thẻ sử dụng ETC khi đi qua trạm.

“Thực tế quá trình làm việc tại nhiều địa phương cho thấy người dân có ô tô nhưng không quan tâm đến việc dán thẻ do chỉ sử dụng xe di chuyển nội đô, ít di chuyển cao tốc hoặc qua các trạm thu phí. Ngay cả nội thành Hà Nội, nhiều xe đi làm hằng ngày cũng không dán thẻ hoặc không nạp tiền sử dụng thẻ ETC thanh toán”, ông Vinh cho biết.

Theo VETC, tỷ lệ xe sử dụng thẻ qua các trạm trên cả nước thấp, cao nhất với 73% chỉ có 2 trạm BOT là Bến Thủy (Nghệ An) và Quán Hàu (Quảng Bình).

Ngay cả cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được dự kiến sẽ thí điểm thu phí không dừng hoàn toàn vào đầu tháng 6 tới, tỷ lệ xe sử dụng thẻ ETC qua trạm vẫn đạt khá thấp. Theo thống kê của Công ty quản lý khai thác đường cao tốc ô tô Hà Nội - Hải Phòng (VIDIFI), dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương (từ ngày 8 - 11.4) có 248.478 ô tô lưu thông trên cao tốc. Song chỉ có 134.691 xe đi vào làn không dừng ETC, còn lại vẫn có tới 113.787 phương tiện đi vào làn hỗn hợp và làn một dừng. Tỷ lệ xe đi vào làn ETC mới chiếm khoảng 54,21% lượng xe lưu thông trên cao tốc này. Trước khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được chọn thí điểm thu phí không dừng hoàn toàn, tỷ lệ xe sử dụng ETC qua trạm năm 2021 chỉ đạt khoảng 30%, sau nửa năm, tỷ lệ trung bình này được cải thiện nhưng cũng chỉ mới đạt khoảng 60%, dù mốc thu phí ETC hoàn toàn đã cận kề.

Báo cáo Chính phủ trước đó, Bộ GTVT cho biết do nhiều yếu tố đặc thù, khách quan, nhiều phương tiện không có nhu cầu dán thẻ như các phương tiện chỉ di chuyển trong thành phố, phương tiện thuộc vùng không có trạm thu phí hoặc phương tiện ít đi qua các trạm thu phí. Vì thế, mục tiêu hoàn thành 90% phương tiện dán thẻ trước tháng 6 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như 80 - 90% xe sử dụng ETC qua trạm rất khó đạt.

Lo ùn tắc, lỗi hệ thống khi thu ETC hoàn toàn

Mới đây đã xảy ra sự cố trên tuyến cáp quang nội bộ do VIDIFI đầu tư để truyền dữ liệu giữa các trạm thu phí. Sự cố xảy ra vào ngày cuối tuần (24.4), lưu lượng xe tăng đột biến với gần 50.000 xe, tăng hơn ngày thường 5.000 - 7.000 xe, khiến tình trạng ùn ứ càng kéo dài. Theo ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc VIDIFI, trưa cùng ngày, do lúc cắt cỏ trên mái ta luy bên đường đoạn qua H.Gia Lâm (Hà Nội), một công nhân đã để lưỡi máy cắt làm đứt tuyến cáp quang cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Dây cáp được thiết kế chạy ngầm, song do thời gian và thi công, một vài đoạn có thể bị lộ trên mặt đất.

Ngoài tuyến cáp nội bộ của VIDIFI, VETC đang duy trì 2 tuyến không dây khác để chuyển dữ liệu từ các trạm thu phí về trung tâm quản lý. Để khắc phục, lãnh đạo VIDIFI cho biết sẽ có phương án làm thêm đường cáp quang dự phòng và một đường truyền không dây để hệ thống ETC hoạt động thông suốt khi cao tốc này chỉ thu phí không dừng từ đầu tháng 6.

Theo Tổng cục Đường bộ, sau khi thí điểm tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, việc thu phí tự động hoàn toàn sẽ được nhân rộng trên các tuyến cao tốc khác. Tuy nhiên, sự cố đứt cáp quang cho thấy những rủi ro về hệ thống ETC có thể xảy ra, gây ùn tắc cục bộ nếu tuyến cao tốc này thu phí hoàn toàn tự động.

Trước đó, cuối tháng 1, từng xảy ra sự cố hơn 300 xe dán thẻ nhưng không qua được 2 trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Pháp Vân - Cầu Giẽ, gây tắc nghẽn và bức xúc cho lái xe. Lý do được chỉ ra do lỗi kết nối giữa 2 đơn vị cung cấp phần mềm thu phí điện tử ETC là VETC và VDTC.

Một vướng mắc khác là 5 tuyến cao tốc lớn do Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC) quản lý hiện mới có tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình được đầu tư vận hành ETC (15/40 làn). Bốn tuyến cao tốc lớn còn lại là Nội Bài - Lào Cai, Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn chưa thể triển khai ETC. Nguyên nhân chậm trễ kéo dài nhiều năm nay do tính chất đặc thù của hình thức thuê dịch vụ thu phí ETC tại các dự án cao tốc do VEC quản lý còn nhiều vướng mắc so với các quy định hiện hành. Để gỡ vướng, Bộ GTVT đã kiến nghị và được Chính phủ cho phép VEC tổ chức triển khai theo hình thức thuê nhà cung cấp dịch vụ sử dụng chi phí chi thường xuyên từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Dự kiến việc lắp đặt thiết bị và vận hành sẽ được hoàn tất trong quý 3/2022. Tuy nhiên, nếu tiếp tục lỡ hẹn, các dự án của VEC sẽ làm vỡ mục tiêu thu phí tự động trên cả nước trong năm nay.

Theo ông Bùi Danh Liên, Hiệp hội Vận tải Hà Nội, việc tiến tới mục tiêu thu phí không dừng trên toàn bộ trạm thu phí hiện nay là cần thiết. Song nếu tỷ lệ phương tiện dán và sử dụng thẻ thấp và tăng chậm như hiện nay không thể phát huy hiệu quả của ETC. Mặt khác, đơn vị quản lý các dự án cần không để hệ thống bị lỗi, cũng như cần 1 làn hỗn hợp dành cho các xe qua trạm thu phí, tránh nguy cơ ùn tắc.

Các tin khác