Thu quỹ hội phụ huynh: Đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai

(ĐTTCO) - Ngày 28-9, sau sự việc một lớp học ở Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TPHCM) thu quỹ hội phụ huynh sai quy định lên đến hơn 300 triệu đồng, Báo SGGP tiếp tục nhận được phản ánh của phụ huynh nhiều trường tại TPHCM liên quan đến các khoản thu đầu năm học.
Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TPHCM) trong ngày tựu trường năm học 2023-2024
Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TPHCM) trong ngày tựu trường năm học 2023-2024

“Nóng” các khoản thu tự nguyện

Chị Thư An, phụ huynh có con năm nay học lớp 3, Trường Tiểu học L.Đ.T. (quận Gò Vấp), cho biết, từ đầu năm lớp 1, phụ huynh được vận động đóng tiền cho nhiều khoản chi không liên quan việc học của con, như tiền phục vụ công trình hồ cá Koi, tiền hỗ trợ lắp đặt cổng hoa mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11…

“Hiện nay, quy định về việc Ban đại diện cha mẹ học sinh được huy động kinh phí từ phụ huynh ở mức tối đa bao nhiêu, được chi như thế nào chưa rõ ràng nên vẫn còn tình trạng vận động thu rồi chi các khoản ngày càng nhiều, tối thiểu vài trăm ngàn, nhiều thì lên đến cả chục triệu đồng, tạo áp lực không nhỏ với phụ huynh”, chị Thư An bày tỏ.

Anh Quang Bình, phụ huynh có con học lớp 4 một trường tiểu học ở quận 1, cho rằng, vài năm trở lại đây, nhiều trường có khuynh hướng duy trì phòng học cố định cho một lớp suốt 4-5 năm học khiến phụ huynh nảy sinh tâm lý muốn cải tạo phòng học vì con mình sẽ gắn bó nhiều năm. Ban đầu, việc cải tạo chỉ dừng ở các hạng mục cơ bản như sơn tường, lắp đặt thêm quạt hoặc máy lạnh, cải tạo cửa sổ. Dần dần, công trình cải tạo nối dài thêm nhiều hạng mục không phục vụ trực tiếp việc học của học sinh, như xây bồn hoa ở hành lang lớp học, lắp đặt tủ để giày cho học sinh…

Thậm chí, tại một trường tiểu học ở quận 12, khi phụ huynh đề xuất gắn máy lạnh cho lớp, trường gợi ý cải tạo thêm đường dây điện (do hiện trạng đường dây điện không phù hợp sử dụng máy lạnh) với tổng chi phí lên đến vài trăm triệu đồng.

Năm học 2023-2024, lấy lý do đẩy mạnh triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh, nhiều trường huy động nguồn lực từ phụ huynh để thực hiện các công trình như cải tạo sân khấu, xây dựng phòng học thông minh (lắp đặt các thiết bị công nghệ hiện đại như bảng tương tác, kính thực tế ảo, máy chiếu công nghệ LED)…

Việc cải tạo cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị dạy học sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy học, song việc các trường thực hiện vận động theo đơn vị lớp vô hình trung tạo ra áp lực cào bằng cho tất cả phụ huynh.

Thống nhất kế hoạch chi tiêu

Liên quan đến các khoản thu đầu năm học, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho biết, việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho mỗi cha mẹ học sinh.

Ngoài ra, Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh (gồm: bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, trường học; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới công trình của nhà trường).

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, rất nhiều lớp áp dụng mức thu cụ thể cho một học kỳ hoặc cả năm học. Trong đó, khoản chi chiếm kinh phí lớn nhất là cải tạo, sửa chữa phòng ốc vào đầu năm học, nhất là đối với học sinh các lớp đầu cấp.

Cùng với đó, Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22-11-2011 của Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh quy định rõ: “Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp với giáo viên chủ nhiệm/ban giám hiệu dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ thực hiện các công trình sau khi được toàn thể thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất ý kiến”.

Theo đó, giáo viên chủ nhiệm (cấp độ lớp) và ban giám hiệu (cấp độ trường) có trách nhiệm phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất kế hoạch triển khai các công trình sử dụng kinh phí từ quỹ của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Ngày 28-9, Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh (TPHCM) đã có văn bản phê bình bà Bùi Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà, do chưa thực hiện tốt vai trò quản lý nhà trường trong việc triển khai vận động, tiến hành thu, chi quỹ của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Song song đó, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2 là cô Huỳnh Ngọc Thủy cũng bị phê bình do liên quan các sai phạm về vận động và thu, chi quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Qua vụ việc ở Trường Tiểu học Hồng Hà, Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh yêu cầu tất cả đơn vị trường học chấn chỉnh, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác tại cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.

Các tin khác