Thủ tục chồng chéo, doanh nghiệp bất động sản mong được 'gỡ rối'

(ĐTTCO) - Nhà nước cần có những động thái mạnh mẽ hơn nữa, yêu cầu các chính quyền địa phương rà soát lại quy hoạch đất đai liên quan đến thị trường bất động sản và giải quyết dứt điểm, nhanh chóng các vấn đề về thủ tục cho các dự án.
Thủ tục chồng chéo, doanh nghiệp bất động sản mong được 'gỡ rối'

Tại hội thảo “Gỡ vướng địa ốc - Thúc đẩy tăng trưởng” diễn ra vào sáng 19-4 tại Hà Nội, vướng mắc lớn nhất mà đại diện các doanh nghiệp BĐS “kêu cứu” hiện nay chính là thủ tục pháp lý.

Thủ tục bủa vây

Phát biểu tại hội thảo, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đánh giá thị trường BĐS Việt Nam tiếp tục xu hướng trầm lắng trong quý I, do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, vướng mắc pháp lý là rào cản, khó khăn lớn nhất hiện tại. Trong đó, quy định pháp lý của lĩnh vực đất đai, xây dựng và BĐS hết sức phức tạp, liên quan đến hơn 100 luật, nghị định, thông tư.

Tuy nhiên, các quy định này chồng chéo, gây mâu thuẫn lẫn nhau, khiến thị trường đi vào bế tắc. “Ví dụ, chưa có sự nhất quán giữa Luật Đất đai, Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản về việc cho phép người nước ngoài mua hoặc sở hữu quyền sử dụng đất/BĐS”, ông Lực nói.

Thứ 2, là vấn đề cung - cầu và giá cả. Do vướng pháp lý nên ít dự án được phê duyệt kịp thời do vậy dẫn đến thiếu nguồn cung, nhất là phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội. “Việc thiếu nguồn cung cộng với chi phí làm dự án lớn, chi phí đầu vào tăng cùng với việc thổi giá của các bên trung gian đã khiến giá BĐS cao so với thu nhập người dân, lên đến 23,5 năm đối với người có thu nhập trung bình, tương đương với Thái Lan, nhưng cao hơn nhiều so với 18,5 năm của Indonesia, 9,2 năm của Ấn Độ và 8,1 năm của Malaysia”, ông Lực nhấn mạnh.

Thứ 3, là nguồn vốn đối với thị trường BĐS đang “tắc” ở nhiều kênh. Dù vậy, một tín hiệu tích cực là vốn từ thị trường chứng khoán đang phục hồi với lượng trái phiếu phát hành toàn thị trường đạt gần 28.000 tỷ đồng trong quý I-2023, trong đó doanh nghiệp BĐS dẫn đầu lượng phát hành 23.300 tỷ đồng, chiếm 83,2% tổng lượng phát hành.

Trong khi đó, ông Phạm Thu, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres), cùng nhận định khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp BĐS chính là thủ tục. Có thủ tục của dự án mà 1 năm làm không xong, dù công ty có mối quan hệ rất tốt với các địa phương.

Vị đại diện doanh nghiệp trên lấy dẫn chứng, một dự án phải gia hạn tư cách chủ đầu tư, thời gian thực hiện dự án, mà lý do chậm là do phía địa phương "quên" không trình HĐND nên dự án bị sót lại. Thời điểm đó, doanh nghiệp này đã xong thủ tục và dự án thuộc dạng được gia hạn tư cách chủ đầu tư nhưng không ai ký. “Lý do là các ban, ngành có xáo trộn, thay đổi nên lãnh đạo phải phân công lại công việc. Đến năm vừa qua, công ty xin gia hạn dự án mà rất khó”, ông Thu nói.

Đơn cử như một dự án ở Vũng Tàu, doanh nghiệp mua dự án nhà ở đấu giá từ năm 2020 với giá 100 tỷ đồng, đã thanh toán xong mà đến hết năm 2022, chỉ có mỗi thủ tục sang tên cho doanh nghiệp cũng không xong, có thể do sơ sót của ban đấu giá hay của cơ quan quản lý đất đai.

“Đến tháng 3, chúng tôi phải đưa vụ việc ra tòa. Đã qua hòa giải một lần nhưng doanh nghiệp đã thiệt hại rồi. Doanh nghiệp chỉ mong sai ở đâu thì sửa ở đó, để sang tên dự án cho doanh nghiệp hay trả lại tiền cho doanh nghiệp và ít nhất là kèm theo lãi suất”, ông Thu chia sẻ.

Cần sớm tháo gỡ

Trong khi đó, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII), cho rằng đầu tư BĐS, một lĩnh vực hoạt động của công ty này có khó khăn lớn nhất là pháp lý với dự án BĐS. Doanh nghiệp có 2 dự án từ 2009 đến 2023 đến giờ vẫn chưa đủ điều kiện pháp lý để triển khai. Một dự án bị vướng là do “chỏi về luật”. Cụ thể, Luật Đấu thầu yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư, sử dụng đất thì phải đấu thầu. Trong khi đó, theo Luật Kinh doanh BĐSS, doanh nghiệp nào có đất thì là chủ đầu tư.

Chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng cần sớm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý cho các dự án, từ đó mới có thể khôi phục lại sự tăng trưởng cho thị trường

“Dự án ở Bình Chánh thì vướng tình trạng đất ở xen lẫn đất nông nghiệp. Hiện đã có quy định về xử lý đất công xen cài trong dự án thì giao cho chủ đầu tư triển khai dự án, tức về lý thuyết thì làm được. Tuy vậy, không ai dám làm, không ai ký”, ông Bình nói.

Thực tế, thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, như thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS. Bên cạnh đó, các nút thắt về vốn tín dụng, trái phiếu, cơ cấu nợ cũng có những nghị định cụ thể hóa các giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, chính sách hiện vẫn có độ trễ.

Trước những vướng mắc trên của doanh nghiệp, TS Nguyễn Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng phía Nhà nước cần có những động thái mạnh mẽ hơn nữa, yêu cầu các chính quyền địa phương rà soát lại quy hoạch đất đai liên quan đến thị trường BĐS và giải quyết dứt điểm, nhanh chóng các vấn đề về thủ tục cho các dự án.

“Cụ thể như định giá đền bù giải phóng mặt bằng, định giá thuế quyền sử dụng đất, đấu thầu cần phải làm nhanh để các dự án nhanh chóng được khởi công xây dựng. Bên cạnh đó, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, để tránh hoang mang và khiến tình hình trở nên xấu hơn”, ông Nghĩa nói.

Các tin khác