Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) vừa phối hợp các sở của TPHCM như Sở Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT), Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài Nguyên-Môi trường (TN-MT) thực hiện buổi đối thoại với DN trên địa bàn. Trong đó, các DN và hiệp hội đã bày tỏ nhiều bức xúc với Sở KH-ĐT xung quanh những khó khăn về thủ tục đầu tư cho DN nước ngoài.
Tốn kém chi phí, thời gian
Thường xuyên tiếp xúc, làm việc với DN nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực truyền thông-quảng cáo, ông Đỗ Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo quảng cáo Việt Nam, chia sẻ hiện lĩnh vực truyền thông-quảng cáo đã mở cửa cho DN ngoại được tham gia và nắm trên 50% vốn theo quy định của WTO. Qua diễn biến thực tế, hiệp hội nhìn thấy 2 vấn đề vướng mắc.
Trên thực tế, quá trình xin giấy phép đầu tư của các DN nước ngoài kéo dài 6-18 tháng, khiến một số DN sau khi chờ đợi quá lâu đã rút lại quyết định, không đầu tư nữa. Ông Đỗ Kim Dũng, |
Thứ nhất, khi hồ sơ được nộp lên Sở Kế hoạch-Đầu tư và sở gửi lên xin ý kiến, việc giải quyết của các bộ rất chậm. Thông thường, với một hồ sơ đăng ký loại này, sở sẽ phải gửi công văn đến Bộ Xây dựng, Bộ KH-ĐT, Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Công Thương và thời gian nhận được trả lời nhanh nhất là khoảng 2 tháng.
Khi DN hỏi, phía Sở KH-ĐT cho biết đã gửi công văn, đốc thúc nhiều lần nhưng không thấy trả lời và có một số cán bộ “gợi ý” DN nên gặp trực tiếp các bộ để được giải quyết nhanh. Tuy nhiên, việc này sẽ phải tốn kém chi phí đi lại, lần ra các đầu mối và thậm chí phải chịu một số chi phí vô hình khác. Lẽ ra sở phải có giải pháp hoặc tạo được mối quan hệ tốt hơn với các bộ để công văn trả lời nhanh hơn và DN không tốn kém chi phí lẫn thời gian.
Thứ hai, sau khi có được công văn trả lời của các bộ, DN bị vướng ở khâu hoàn tất đầy đủ, chính xác hồ sơ để sở gửi lên UBND TP. Điều này dẫn đến tình trạng cù nhây, tuần này sở đòi bổ sung loại giấy này, tuần sau lại đòi bổ sung giấy khác khiến thời gian kéo dài và tốn công sức đi lại.
Ngoài ra, một số công ty đang có kế hoạch bán cổ phần cho DN nước ngoài bức xúc khi một số công văn của Sở KH-ĐT yêu cầu DN Việt Nam phải giải thể các chi nhánh trước nếu muốn bán cổ phần (chuyển nhượng vốn) cho các quỹ đầu tư nước ngoài, với lý do nếu để các chi nhánh thủ tục sẽ rườm rà, phức tạp, chứ không hề có cơ sở pháp lý nào quy định điều này.
Tuy nhiên với nhiều DN Việt Nam, trụ sở chính chỉ là địa điểm đặt văn phòng, còn chi nhánh là nhà máy sản xuất hay nơi kinh doanh, nếu giải thể còn nhà đầu tư nào mua nữa? Với quy định như vậy, nhiều công ty lẫn nhà đầu tư cho rằng mình đang bị mất cơ hội mua-bán, chuyển nhượng.
Sở bối rối
Trước những vướng mắc DN trình bày, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết: “Hiện sở cũng rất quan tâm đến việc cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho DN, nhưng sở cũng gặp khó khăn do công văn trả lời của bộ, ngành đối với hồ sơ đầu tư của DN còn rất chậm hoặc không thể hiện rõ ràng quan điểm được hay không.
![]() |
Hướng dẫn DN làm thủ tục đầu tư. Ảnh: CAO THĂNG |
Để đẩy nhanh khâu xét duyệt và trả hồ sơ, sở đã thường xuyên yêu cầu các phòng ban, chuyên viên bộ phận hồ sơ liên hệ với bộ để giải quyết hồ sơ tồn đọng, đồng thời đề xuất với lãnh đạo TP hỗ trợ tác động lên các bộ. Ngoài ra, khi có cơ hội gặp gỡ trực tiếp với bộ, lãnh đạo sở cũng tranh thủ tác động để giải quyết các dự án đã quá lâu không được trả lời.
Tuy nhiên, đến nay vấn đề này cũng chưa được cải thiện. Còn với việc bán cổ phần cho DN nước ngoài, hiện sở chỉ khuyên DN có thể giải thể chi nhánh để giảm bớt thủ tục chứ không bắt buộc phải giải thể, đó có thể là sai sót trong khâu kỹ thuật và sẽ rà soát lại. Về cụ thể, sở đã gửi văn bản lên bộ để hỏi rõ vì về pháp lý không cần giải thể chi nhánh, nhưng lĩnh vực đầu tư nước ngoài lại có nhiều quy định khác, nhưng bộ cũng chưa trả lời nên phải chờ, nhưng nếu chờ lâu quá sở sẽ nghiên cứu hướng để hỗ trợ DN tốt nhất”.
Hiện các DN muốn hoàn tất thủ tục đầu tư phải hoàn thành từ 17-34 thủ tục hành chính với thời gian 155-340 ngày, thậm chí có thể lên đến 580-865 ngày tùy theo hình thức đầu tư. Trong khi đó, các chuyên gia cho biết nhà đầu tư nước ngoài rất chú trọng đến yếu tố thời gian khi quyết định đầu tư tại một quốc gia nên nguồn vốn FDI vào Việt Nam có thể sụt giảm nếu môi trường đầu tư không được cải thiện nhanh chóng.