Thủ tục phải “chạy”, không thì… chờ

(ĐTTCO)-Báo cáo từ các bộ ngành Trung ương, các sở ngành của TPHCM, cho thấy người dân rất hài lòng về thủ tục hành chính (TTHC). Cụ thể, báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường TP, cho biết kết quả giải quyết hồ sơ nhà đất cho người dân đúng hẹn trên 90%, qua khảo sát người dân cũng rất hài lòng với kết quả này. 
Thủ tục phải “chạy”, không thì… chờ
Tuy nhiên, đó là trên báo cáo, còn trong thực tế người dân, doanh nghiệp vẫn kêu ca về TTHC, nhất là trong lĩnh vực nhà. Chính vì quá nhiêu khê mà sinh ra tiêu cực, người dân doanh nghiệp phải “đi đêm” với cán bộ thụ lý hồ sơ.
Hàng loạt dự án đầu tư nhà ở đang bị ngưng trệ, hàng ngàn trường hợp xây nhà trái phép, không phép, phải chăng cũng do hệ lụy của luật pháp chồng chéo, TTHC nhiêu khê?
Cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 là 1 trong 7 chương trình đột phá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. TP đã tập trung triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước, đặc biệt là hệ thống liên thông văn bản điện tử.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, cho biết hiện nay TP đã thực hiện gửi và nhận văn bản điện tử trên phạm vi toàn TP. Tính từ cuối năm 2014 đến nay, TP đã triển khai liên thông kết nối 760 đơn vị trên địa bàn, bao gồm các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn, các tổng công ty và đơn vị trực thuộc. Đã có hơn 4,4 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận qua Trục liên thông của TP.
Ngày 24-8-2017, UBND TP đã ban hành Quyết định 4556/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc qua mạng. Việc triển khai liên thông văn bản điện tử đã mang lại hiệu quả tích cực trong xử lý công việc của TP, như tiếp nhận và xử lý văn bản giữa các cơ quan nhà nước được nhanh chóng và thuận lợi hơn; tiết kiệm chi phí trong việc gửi văn bản qua bưu điện, giấy, mực; theo dõi và giám sát việc xử lý thực hiện chỉ đạo của UBND TP được sát sao và có hệ thống hơn. 
Chính quyền quyết liệt là vậy, nhưng tại sao người dân, doanh nghiệp vẫn rất mệt mỏi khi tiếp cận các thủ tục của cơ quan nhà nước? Giám đốc một doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản cho biết, hiện nay nếu doanh nghiệp nộp hồ sơ rồi đợi kết quả giải quyết, hoặc chờ hướng dẫn các bước tiếp theo của cán bộ thụ lý hay lãnh đạo của sở ngành, có khi 10 năm chưa xong thủ tục 1 dự án.
Chính vì thế, doanh nghiệp đều phải nhờ vả, “đi cửa sau” sau khi nộp hồ sơ vào cửa trước. Đối với dự án nhà ở, có những vướng mắc chính quyền TP không biết phải giải quyết như thế nào, nên nhiều hồ sơ các sở ngành không nhận với lý do… chờ hướng dẫn. Trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp không “chạy” thì chờ không biết đến khi nào. 
Có trường hợp người dân phản ánh, cùng trong dự án nhà ở do 1 doanh nghiệp làm chủ đầu tư, khi đi làm thủ tục mua bán cho khách hàng, văn phòng đăng ký, cơ quan thuế lại có thủ tục khác nhau cho từng căn nhà. Khi bị “hành”, tâm lý người dân muốn làm theo hướng dẫn của cán bộ cho xong việc, ít ai cãi lại hay khiếu nại gì miễn là được việc của mình.
Có trường hợp nộp hồ sơ nhà đất, những giấy tờ không cần thiết cán bộ vẫn yêu cầu nộp. “Khổ chủ” phải quay về đo vẽ, sao chụp giấy tờ để bổ sung theo yêu cầu của cán bộ, nhưng các tài liệu này cũng chẳng để làm gì.
Chính phủ, chính quyền TP thể hiện nỗ lực cải cách hành chính rất mạnh mẽ, nhất là trong thủ tục nhà đất. Ngược lại, các quy định của pháp luật chồng chéo, không rõ ràng, người dân lại chưa có điều kiện tiếp cận đầy đủ thông tin (như quy hoạch, các bước thủ tục…), năng lực cán bộ hạn chế… nên người dân liên tục bị hành.
Cũng chính từ đây sinh ra tiêu cực, nhũng nhiễu. Vì vậy, cải cách hành chính trước hết cần có sự minh bạch của hệ thống pháp luật, cái tâm của cán bộ giải quyết hồ sơ và sự hài lòng của người dân.

Các tin khác