Nhân chuyến tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường, chiều 25/4, theo giờ địa phương, tức chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ba cuộc gặp và đối thoại với ba nhóm doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc và thế giới trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, tài chính-công nghệ-viễn thông.
Đây đều là những doanh nghiệp thuộc tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, thuộc các lĩnh vực đường sắt, xây dựng, khu công nghiệp, sản xuất điện và thiết bị điện, bảo hiểm, viễn thông, công nghệ với một số thương hiệu lớn như Alibaba, Huawei, ZTE, Tập đoàn xây dựng đường sắt Trung Quốc, Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương, Tập đoàn xây dựng năng lượng Trung Quốc, Ngân hàng phát triển Trung Quốc, Tập đoàn bảo hiểm Bình An...
Trong số này có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã đầu tư ở Việt Nam. Tại buổi gặp gỡ, các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc đều bày tỏ ấn tượng về sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, nhất là những năm gần đây và cho rằng đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc, nhất là lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ, viễn thông, tài chính ngân hàng, đầu tư vào Việt Nam.
Các doanh nghiệp cho rằng sự chuyển mình mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực, đang đưa Việt Nam trở thành một thị trường đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Lãnh đạo các tập đoàn bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng năng lượng, điện gió, điện mặt trời, y tế thông minh, nông nghiệp thông minh.
Các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông bày tỏ ấn tượng về sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam; nhất là đánh giá cao chủ trương của Chính phủ Việt Nam ứng dụng và phát triển mạnh mẽ kinh tế số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ 5G vào phát triển kinh tế xã hội.
Các doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc mong muốn được góp phần vào tiến trình thực hiện chủ trương này của Việt Nam.
Trao đổi với các doanh nghiệp Trung Quốc về các vấn đề quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các tập đoàn của Trung Quốc quan tâm đến Việt Nam và cho biết Việt Nam đang có nhu cầu lớn về phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ, tài chính ngân hàng.
Thủ tướng cho biết sáng nay đã có cuộc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề về thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Trung Quốc thời gian tới.
Thời gian qua, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt tiềm năng hợp tác thương mại còn rất lớn. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất Đông Nam Á của Trung Quốc.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc là những thị trường lớn, quan trọng của nhau. Với việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư trên toàn cầu.
Hiện nay đã có trên 350 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài từ 130 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 28 nghìn dự án.
Thủ tướng đánh giá cao các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư các dự án chất lượng, hiệu quả tại Việt Nam; đồng thời cũng chỉ rõ một số doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam nhưng triển khai chậm, trong đó có một số dự án trong lĩnh vực sản xuất thép, xây dựng đường sắt.
Cho rằng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng thời gian tới của Việt Nam là rất lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, còn nhiều khó khăn. Việt Nam cần nhiều nguồn lực để phát triển, gồm cả nguồn lực tư nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước với phương thức hợp tác công-tư và các hình thức đầu tư khác; trong đó có các dự án trong khuôn khổ kết nối “hai hành lang, một vành đai” với “Vành đai và Con đường.”
Đây chính là cơ hội cho các dự án đầu tư tốt của Trung Quốc vào Việt Nam. Chính phủ Việt Nam tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, các doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng, nhất là các doanh nghiệp có thực lực tài chính và công nghệ tới Việt Nam đầu tư, hợp tác cùng có lợi.
Đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng mà Việt Nam coi là đột phá chiến lược, cần vốn đầu tư hạ tầng đường bộ, đường sắt, sân bay...
Đối với lĩnh vực năng lượng, Thủ tướng cho biết, Việt Nam mong muốn huy động nhiều nguồn lực cho phát triển năng lượng, nhất là các dự án năng lượng sạch, bao gồm khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu năng lượng để phục vụ phát triển kinh tế ngày càng lớn và nhu cầu điện năng tăng từ 10-15%/năm. Thủ tướng cũng mong muốn các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông của Trung Quốc đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất tại Việt Nam thay vì chỉ chú trọng cung cấp thiết bị, linh, phụ kiện.
Thủ tướng cũng tán thành việc thúc đẩy hợp tác giữa Ngân hàng Phát triển Trung Quốc với các doanh nghiệp hàng không Việt Nam để tăng cường số chuyến bay, chất lượng dịch vụ đường bay thẳng Việt Nam-Trung Quốc.