Trong những ngày đầu này, toàn thị trường chỉ có 6 CTCK gồm: SSI, FSC, BVSC, ACBS, TLS và BSC. Biên độ giao dịch là 2%, khớp lệnh 1 lần/ngày, 3 ngày/tuần, thời gian giao dịch từ 9-11 giờ, chu kỳ thanh toán T+4 và chưa có giao dịch thỏa thuận.
Thủ tướng nhận xét 20 năm qua đã minh chứng một quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để phát triển, vươn lên mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Giai đoạn phát triển “bình thường mới” của đất nước, với những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 gây nên suy thoái kinh tế toàn cầu nặng nề nhất từ sau Đại suy thoái 1929-1933. Việt Nam đã quyết liệt ngăn chặn, sớm kiểm soát thành công dịch bệnh. Vì vậy, cần tận dụng hiệu quả cơ hội “có một không hai” này để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trong nước và các luồng luân chuyển vốn trong khu vực, toàn cầu để đáp ứng nhu cầu tài chính rất lớn cho đầu tư phát triển, cả trước mắt và lâu dài.
Thủ tướng chỉ rõ yêu cầu đặt ra đối với thị trường chứng khoán sau 20 năm hoạt động là cần có sự phát triển đột phá cả về quy mô, chất lượng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, chia sẻ nhiệm vụ huy động vốn với hệ thống tín dụng ngân hàng, góp phần phát triển hệ thống doanh nghiệp hiệu quả hơn, bền vững hơn.
Thủ tướng đề nghị ngành chứng khoán cần có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam sớm nâng hạng, có chất lượng và năng lực cạnh tranh cao, mang tầm vóc khu vực, toàn cầu; qua đó góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, phát triển thịnh vượng trong 15-20 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần có tư duy đột phá và hành động quyết liệt trong việc sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho việc phát triển đồng bộ thị trường tài chính-tiên tệ nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Yêu cầu đặt ra đối với hệ thống quy định pháp luật là phải thực sự có tinh thần đổi mới, có tầm nhìn trung và dài hạn, tạo dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi, cơ hội công bằng, bình đẳng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các bộ, ngành liên quan cần phối họp chặt chẽ để bảo đảm sự phát triển nhịp nhàng, đồng bộ các thị trường, trong đó có thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ và thị trường bảo hiểm; hướng tới cơ cấu các thị trường hoàn chỉnh để phát huy sức mạnh tổng hợp trong huy động các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó là thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển nhanh quy mô, chất lượng của thị trường; trong đó đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước gắn với niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán; thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân niêm yết trên thị trường; tăng cường tính công khai, minh bạch, áp dụng các chuẩn mực quốc tế về thị trường, dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán và các thông lệ tốt nhất về quản trị doanh nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo sớm hoàn thiện cơ cấu tổ chức thị trường chứng khoán; bảo đảm hạ tầng kỹ thuật cho phát triển thị trường ổn định, an toàn, bền vững, chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, tổ chức hệ thống giao dịch phù hợp, hiệu quả đối với cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm khác, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Tăng cường năng lực và tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra giám sát và thực thi pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.
Cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần được củng cố, hoàn thiện; nâng cao năng lực phân tích, dự báo, kịp thời có đối sách, giải pháp phù hợp với những biến động bất thường trên thị trường quốc tế, trong nước; bảo đảm an ninh, an toàn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính, tiền tệ nói chung.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cần tập trung đổi mới một cách căn bản hệ thống công nghệ thông tin, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ hiệu quả hệ thống giao dịch, thanh toán, giám sát và nâng cao hiệu quả hoạt động của các dịch vụ tài chính, chửng khoán; sớm nghiên cứu, triển khai thực hiện số hóa tài sản giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Thủ tướng bày tỏ cảm ơn và mong muốn các thành viên thị trường, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước, quốc tế tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, cùng ngành chứng khoán, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển hiệu quả, bền vững của thị trường; đồng thời tích cực phản hồi chính sách và đóng góp, hiến kế cho Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, đưa nền kinh tế đất nước vững bước đi lên.