Yêu cầu kiểm tra, làm rõ về giá kit xét nghiệm
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, chúng ta đã ưu tiên số 1 cho phòng, chống dịch, đặt sức khoẻ, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết nên phải hy sinh một phần kinh tế. Một trong những điểm nhấn thời gian qua là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp phòng chống dịch quyết liệt, bám sát tình hình.
Với sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp đỡ của các bạn bè, đối tác quốc tế, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh, ngay cả tại những tâm dịch như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca mắc, tử vong ngày càng giảm sâu. Kết quả đáng mừng trong quý III và tháng 9 sau khi 23 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh các giải pháp để tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Ảnh: VGP. |
Thủ tướng lưu ý cần hoàn thiện việc tích hợp các nền tảng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội, nhất là kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo thuận lợi nhất cho người dân. Tiếp tục thực hiện các trụ cột về cách ly, xét nghiệm, điều trị.
“Việc phục hồi, mở cửa kinh tế phụ thuộc rất lớn vào phòng, chống dịch”, Thủ tướng nêu rõ.
Về giá kit xét nghiệm là vấn đề dư luận quan tâm, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ và kịp thời thông tin chính thức.
"Thủ tướng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu mua sắm và sử dụng trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch phải bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, minh bạch, tuân thủ đúng quy định pháp luật, tránh lãng phí, tiêu cực. Quan điểm của Chính phủ là xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện vi phạm, công khai kết quả xử lý cho nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh trong những tháng cuối năm, cùng với nỗ lực cao nhất về phòng, chống dịch, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh mọi biện pháp để tháo gỡ cơ chế, khơi thông nguồn lực, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, để tăng trưởng kinh tế tốt hơn và tạo tiền đề cho những tháng đầu năm 2022, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Sớm có chính sách kích thích kinh tế
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, các ngành, địa phương bám sát, tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, hoàn thiện chiến lược, kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, khẩn trương trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành trong tháng 10, song song với chiến lược tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện hiệu quả các Nghị quyết số 63 về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy xuất khẩu; Nghị quyết 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Các địa phương căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng yêu cầu phối hợp đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả giữa các chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối vừa hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ phòng, chống dịch.
Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục vận động người dân ở lại, triển khai các biện pháp ổn định cuộc sống, tiêm vaccine, giải quyết việc làm Ảnh:VGP. |
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ, địa phương tập trung giải ngân vốn ODA. Các bộ quản lý vĩ mô sớm có chính sách kích thích kinh tế, đưa dòng tiền vào nền kinh tế đúng hướng, hiệu quả; nghiên cứu nới trần nợ công, bảo đảm các chỉ số kinh tế vĩ mô phù hợp tình hình.
Cùng với đó, các địa phương thống nhất toàn quốc việc lưu thông hàng hoá bảo đảm sản xuất bình thường, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không cứng nhắc. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và nông nghiệp an toàn...
Triển khai ngay các giải pháp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất. Yêu cầu là phỉa tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng, nỗ lực sản xuất cho mùa cao điểm, nhất là các bạn hàng lớn ở châu Âu, Hoa Kỳ, Đông Bắc Á. Tổ chức khai tác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết...
Song song đó là tính toán, dự báo cung cầu hàng hoá dịp cuối năm, để không thiếu hàng, có biện pháp điều hành giá. Tập trung tháo gỡ vướng mắc, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tăng cường giám sát thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm về giá, đầu cơ, găm hàng, trục lợi.
Vận động người dân ở lại, triển khai ngay các biện pháp ổn định cuộc sống, việc làm
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội được giao phối hợp với các cơ quan liên quan quan theo dõi hằng ngày diễn biến đời sống người dân, hỗ trợ nhanh nhất, đơn giản nhất, hiệu quả nhất có thể. Rà soát các điểm nghẽn, vướng mắc liên quan tới sản xuất, kinh doanh và sinh kế người dân. Có kế hoạch đưa học sinh trở lại trường ở những nơi an toàn.
Tại cuộc họp, Thủ tướng lưu ý các địa phương liên quan tới việc người dân trở về quê sau khi nới lỏng giãn cách tại một số địa bàn.
Với những người thực sự cần trở về, các địa phương phối hợp, chia sẻ, hợp tác chặt chẽ để đưa đón người dân một cách an toàn, trật tự, trên tinh thần tương thân, tương ái, tránh những căng thẳng không cần thiết.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các ý kiến tại phiên họp nhận định, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, lây lan nhanh trên diện rộng từ đầu tháng 5-2021, tiếp tục ảnh hưởng nặng nề, sâu rộng đến mọi mặt kinh tế-xã hội nước ta.
Hiện Hà Nội, TPHCM và các địa phương trọng điểm khu vực phía nam bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa lại nền kinh tế theo lộ trình, nhưng vẫn bảo đảm an toàn dịch bệnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân từng bước được ổn định trở lại. Đây là quyết sách và là nền tảng quan trọng để phục hồi nền kinh tế những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.
Tuy nhiên, dịch bệnh phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của kinh tế -xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, hành khách bị đình trệ, chi phí tăng cao, sức mua trong nước giảm sút, nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đời sống người dân, người lao động, nhất là tại khu vực thành thị chịu tác động mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, áp lực khôi phục sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm là rất lớn. Phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 vẫn là yếu tố quyết định cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Nhiệm vụ những tháng cuối năm là hết sức nặng nề.