Những tuyến phố du lịch ven biển như Võ Nguyên Giáp, Hồ Nghinh, Hà Bổng, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng trước đây luôn sầm uất không chỉ vào mùa du lịch cao điểm. Khách du lịch luôn tấp nập ở thành phố biển. Hàng loạt khách sạn lớn nhỏ “mọc lên” trên các tuyến phố phục vụ khách lưu trú, nghỉ dưỡng.
Thế nhưng, gần 2 năm qua qua, khi dịch Covid-19 kéo dài, hầu hết chủ đầu tư ở đây đều không thể cầm cự thêm được nữa. Nhiều chủ khách sạn cho biết, tưởng chừng mùa hè năm nay vẫn đón được khách nội địa để có nguồn thu, nhưng đến nay, cơ hội cuối cùng để phục hồi cũng không còn.
Chị V, chủ một khu nghỉ dưỡng 5 sao trên đường Võ Nguyên Giáp cho biết, đang phải sang nhượng hợp đồng để trả nợ ngân hàng sau thời gian dài kinh doanh không hiệu quả: “Một tháng, chúng tôi phải chi ra ít nhà là 500 triệu đồng, chưa tính lãi vay, trả vốn hay nhiều khoản khác, cho nên để duy trì hoạt động cho khách sạn là rất khó”.
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, chủ khách sạn điêu đứng, các khách sạn rao bán, nhân viên phục vụ tại khách sạn cũng mất việc làm. Trước đây, bà Nguyễn Thị Hương làm nhân viên ở khu nghỉ dưỡng Temple ở quận Sơn Trà. Lương tuy không cao nhưng ổn định, đủ lo cho gia đình. Giờ không có việc làm, bà Hương chờ người gọi thuê làm theo giờ đắp đổi qua ngày.
“Trước khi chưa dịch, công việc ổn định, có thể đi làm ngày, làm đêm. Khách sạn có tiệc thì tôi còn đi làm thêm buổi đêm có thêm thu nhập. Nhưng từ hồi có dịch đến giờ chả có việc, bởi vậy khó khăn đủ thứ”, bà Hương chia sẻ.
Từ đầu năm đến nay, trên các website mua bán, giao dịch bất động sản, phân khúc khách sạn được rao bán rất nhiều. Một số khách sạn rao bán với giá rẻ hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19 khoảng 20%.
Anh Đỗ Văn Hiển, làm việc tại một công ty môi giới bất động sản ở Đà Nẵng cho biết, sau giai đoạn phát triển mạnh 2018-2019, đến năm 2020, lượng khách lưu trú không còn, các khách sạn không có chi phí để vận hành buộc phải rao bán cắt lỗ, trả lãi ngân hàng. Phần lớn khách sạn được rao bán nhiều từ 2 đến 4 sao. Mức giá dao động từ 20 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng đối với khách sạn 3 sao trở xuống. Còn với những khách sạn 4 đến 5 sao ở đường Võ Nguyễn Giáp có giá khoảng vài trăm tỷ đồng.
Anh Hiển cho hay, khách sạn rao bán nhiều nhưng rất ít giao dịch thành công: “Ví dụ, một khách sạn gần biển, hơi muối bốc lên làm hư hại rất nhiều, nên một năm họ phải bỏ ra chi phí bảo trì rất nhiều, mà cứ để đó không bán càng khấu hao càng chết nên giờ họ phải bán. Những người chủ khách sạn đa phần họ phải vay ngân hàng. Hình thức thuê khách sạn hiện giờ dừng lại rồi, vì có thuê lại cũng không khai thác được”.
Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 40.000 phòng lưu trú. Việc phát triển nóng dịch vụ lưu trú đã được cảnh báo từ trước khi có dịch. Cung vượt cầu trước đây đã khiến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh. Đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 các khách sạn càng thiệt hại nặng nề hơn. Không có khách, chi phi vận hành cũng không, nhiều đơn vị đã cắt giảm nhân sự, đóng cửa khách sạn, rao bán là tình cảnh của nhiều doanh nghiệp lưu trú tại Đà Nẵng. Một số khách sạn tìm giải pháp tạm thời là đăng ký làm điểm cách ly có trả phí cho đối tượng F1 hoặc cho người cách ly từ vùng dịch về.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho rằng, việc nhiều khách sạn phải rao bán là quy luật giữa cung và cầu khi lượng khách sụt giảm trong một thời gian dài. Vì vậy, nếu đầu tư về mảng khách sạn cần phải có chiến lược và mục đích rõ ràng trước khi đưa ra quyết định để giảm được thiệt hại nếu có sự cố xảy ra.
“Không phải do dịch Covid-19, mà trong xu hướng phát triển của Đà Nẵng thì các khách sạn thấp sao dần dần sẽ mất vai trò. Bởi vì thị hiếu của khách ngày một tăng, yêu cầu cũng ngày càng cao hơn. Cho nên, điều này cũng là quy luật của tất cả các điểm đến. Cho nên, những khách sạn thấp sao đều nằm trong quá trình tái cấu trúc, không chỉ vì có dịch Covid-19 mới có điều đó, quá trình này trước khi có dịch cũng đã xảy ra”, ông Dũng nói.